Cháy rừng khắp nơi, Thủ tướng ra công điện khẩn

30/06/2019 08:37 GMT+7

Nhiều vụ cháy rừng nghiêm trọng liên tiếp xảy ra ở các tỉnh Trung bộ trong những ngày qua. Thủ tướng vừa có công điện khẩn yêu cầu các địa phương chủ động phòng ngừa cháy rừng, không để tái diễn.

Sáng nay, 30.6, thông tin từ Văn phòng Ủy ban Quốc gia ứng phó sự cố, thiên tai và tìm kiếm cứu nạn, Cục Cứu hộ cứu nạn (Bộ Quốc phòng) cho biết, thống kê từ 27 - 29.6, tại các tỉnh Ninh Bình, Nghệ An, Hà Tĩnh và Thừa Thiên - Huế liên tiếp xảy ra 17 vụ cháy rừng lớn. Chính quyền các địa phương đã huy động trên 4.700 người tham gia dập lửa.

500 người căng mình dập lửa trong đám cháy rừng dữ dội ở Hà Tĩnh

Điển hình là tại Hà Tĩnh, chỉ trong 2 ngày 28 - 29.6 đã xảy ra 7 vụ cháy rừng ở khắp địa bàn các huyện: Kỳ Anh, Hương Khê, Nghi Xuân, Hương Sơn, Can Lộc và Đức Thọ, thiêu rụi tổng cộng 59 ha rừng. Chính quyền các địa phương phải tiến hành di tản 100 hộ dân ra khỏi khu vực nguy hiểm.
Còn tại Ninh Bình, trong ngày 28.6 đã xảy ra vụ cháy rừng thôn Vụng Quao, xã Trường Yên, huyện Hoa Lư, thiêu rụi 1 ha rừng đặc dụng. Trong vụ cháy này, chính quyền địa phương đã huy động gần 600 người để dập tắt lửa thành công.
Thời tiết nắng nóng, nhiều khu vực có nắng nóng đặc biệt gay gắt với nhiệt độ trên 40 độ C được cho là nguyên nhân khiến các vụ cháy rừng liên tiếp xảy ra trong những ngày qua.
Trước tình hình trên, ngày 29.6, Thủ tướng đã có công điện khẩn phòng chống cháy rừng gửi đến các bộ, ngành T.Ư và chính quyền địa phương các tỉnh Ninh Bình và khu vực Trung bộ, trong đó yêu cầu chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc T.Ư khẩn trương chỉ đạo, triển khai các biện pháp cấp bách tăng cường phòng chống cháy rừng.
Các địa phương phải phân công lực lượng ứng trực 24/24 giờ trong suốt mùa khô; bố trí các điểm chốt chặn, tuần tra canh gác ở những khu vực trọng điểm dễ xảy ra cháy rừng, kiểm soát chặt chẽ người ra vào những khu vực rừng có nguy cơ cháy rừng cao; kịp thời phát hiện điểm cháy, huy động các lực lượng tham gia khống chế và dập tắt cháy rừng trong thời gian ngắn nhất, không để xảy ra cháy lớn. Đặc biệt, phải có phương án và sẵn sàng thực hiện sơ tán dân khi cần thiết; chủ động di dời dân ra khỏi khu vực nguy hiểm.
Trong thời gian này, cơ quan chức năng tăng cường công tác kiểm tra, đôn đốc và hướng dẫn kiểm soát việc sử dụng lửa trong rừng và gần rừng của người dân, nhất là việc đốt nương làm rẫy; tạm dừng các hoạt động xử lý thực bì bằng dùng lửa và những hành vi dùng lửa khác có nguy cơ gây cháy rừng.
Đối với các vụ cháy rừng đã xảy ra, Thủ tướng Chính phủ cũng yêu cầu các địa phương chỉ đạo cơ quan chức năng điều tra làm rõ nguyên nhân, đối tượng vi phạm để xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật, và xử lý trách nhiệm quản lý của người đứng đầu khi để xảy ra cháy rừng.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.