Càng khuya, dòng người đổ về Bùi Viện càng đông. Các bạn trẻ diện những bộ trang phục cá tính nhất, nhiều du khách quốc tế cũng tụ tập tại đây, hòa nhập vào những trò vui của bạn bè Việt Nam. Nhân viên hàng quán liên tục mời gọi khách vô cùng náo nhiệt.
Điểm thu hút của Bùi Viện là những quán bar, beer club, nhà hàng với phong cách trẻ trung, nhạc sôi động. Hàng quán luôn trong tình trạng kín bàn, kể cả khi đã đặt thêm bàn ghế ra ngoài đường để tiếp tục đón khách |
Bùi Viện là con đường trung tâm trong khu phố Tây, nơi tập trung nhiều nhà hàng, quán ăn, khách sạn và quán bia nhất. Tháng 8.2017, Sở Du lịch TP.HCM và UBND Q.1 khai trương phố đi bộ Bùi Viện, hoạt động từ 19 giờ đến 2 giờ sáng hôm sau.
Khách nước ngoài, khách trong nước đều hào hứng với văn hóa đường phố nhộn nhịp tại phố Tây Bùi Viện |
Anh Sai Muhammed (khách du lịch từ Ấn Độ) cho biết rất yêu thích không gian tiệc tùng về đêm tại Bùi Viện. “Những trải nghiệm ở Việt Nam thật tuyệt vời. Mọi người ở đây thân thiện khi cùng nhau nâng ly, cùng nghe nhạc và bắt tay nhau. Tôi sẽ rất nhớ Việt Nam khi trở về nước và mong sẽ có cơ hội quay lại đây” |
Lượng du khách đến TP.HCM ngày một tăng giúp cho các cơ sở kinh doanh hàng quán, khách sạn… tại Bùi Viện trở nên khởi sắc hơn |
Tên đường Bùi Viện được đặt từ năm 1955 và qua nhiều giai đoạn khác nhau, tên đường vẫn được giữ nguyên cho đến ngày nay.
Ảo thuật gia Quốc Anh mang chú trăn của mình đến Bùi Viện khiến nhiều người sợ hãi lẫn thích thú |
Có thể nói, Bùi Viện là con phố đa văn hóa, đa sắc tộc và... đa ngành nghề. Ở đó, bạn bắt gặp những người từ khắp nơi trên thế giới ngồi chung một bàn, cụng ly nhau cười nói rôm rả nhưng cũng có thể nhìn thấy những người dân mưu sinh khó nhọc. Trong ảnh là một em bé kiếm tiền bằng việc diễn xiếc thổi lửa |
Nhóm du khách hào hứng xem xiếc ngay dưới lòng đường Bùi Viện |
Những vị khách nước ngoài hòa mình vào âm nhạc và không gian tiệc tùng tại phố Tây Bùi Viện |
Hàng quán dần lấy lại năng lượng sôi động như trước đây, các tiếp viên quán bar ở Bùi Viện liên tục ra đường để chào mời du khách |
Bùi Viện kể từ khi trở thành phố đi bộ là điểm đến nổi tiếng của giới trẻ TP.HCM và du khách trong nước khi đến nơi này, không còn là chốn riêng của du khách nước ngoài như trước kia.
Không chỉ giới trẻ, các gia đình cũng tới đây giải trí, dẫn theo con nhỏ |
Khu phố Tây ngày trước giới hạn trong khu vực 4 con đường Bùi Viện, Đề Thám, Phạm Ngũ Lão và Đỗ Quang Đẩu. Tuy nhiên, du khách quốc tế ngày càng đông hơn đã khiến khu này mở rộng ra phía đường Trần Hưng Đạo, Cống Quỳnh, kéo dài qua Trần Đình Xu, Nguyễn Trãi, Lê Lai... Đại dịch Covid-19 khiến phố Tây hai năm xơ xác đìu hiu nhưng bỗng chốc trở lại nhộn nhịp như trước dịch, dù vẫn còn vắng du khách quốc tế.
Nhiều bạn trẻ yêu thích âm nhạc, tiệc tùng chọn đến Bùi Viện để giải tỏa căng thẳng sau ngày làm việc. Chính khách trong nước đã "cứu" phố Tây sau đại dịch |
Chị Tuyết Nhung (quản lý một quán bar ở Bùi Viện) cho biết, mọi người làm ở đây đều rất vui khi lượng khách đến Bùi Viện đang tăng dần. “Năm trước, chúng tôi phải chật vật xoay xở, thậm chí chuyển đổi loại hình kinh doanh để tồn tại. Không ít người ở đây phải trả mặt bằng vì không gồng gánh nổi”, chị Nhung nói.
Con đường Bùi Viện biến thành một quán bar khổng lồ |
Vào hai ngày cuối tuần, đường Bùi Viện được rào chắn không cho xe máy ra vào, chỉ dành riêng cho người đi bộ. Tại đây cơ quan chức năng cũng thường xuyên tuần tra để đảm bảo an ninh.
Xe tuần tra an ninh chen trong dòng người đi lại |
Theo nhà văn Lê Văn Nghĩa, ngày xưa khu vực này có tên "Ngã tư quốc tế", gần đó, phía trước chợ Thái Bình có nhiều tòa soạn báo và không xa là rạp hát. Vì thế, các ký giả và nghệ sĩ hay tập trung tại các quán cà phê ở đây để "tám" chuyện tin tức trong nước, thế giới, hậu trường... Chẳng bao lâu, khu vực này có tên "Ngã tư quốc tế". Sau năm 1975 không còn ai nhớ đến cái tên đó nữa. Bẵng đi một thời gian, nhờ vị trí địa lý ở trung tâm thành phố, các quán cà phê ở khu vực này bán kèm tour du lịch cho khách Tây và dần hình thành một phố Tây như ngày nay.
Các nước trong khu vực đều có phố Tây, nơi tập trung đông du khách nước ngoài, chủ yếu là "Tây ba lô". Ở Việt Nam, ngoài phố Tây Bùi Viện (hay phố Tây Phạm Ngũ Lão) còn có phố Tây Tạ Hiện (Hà Nội); Campuchia có phố Tây Pub Street ở Siem Reap, phố Tây Sisowath Quay ở Phnom Penh; Kuta ở Bali, Indonesia; Luang Phrabang, Lào. Nhưng nổi tiếng và rộng lớn nhất là Khao San ở Bangkok, Thái Lan.
Bình luận (0)