'Chia chữ' cho học trò nhỏ

23/07/2022 06:00 GMT+7

“Thầy cô ơi, con muốn viết được tên con và gia đình!” là câu nói của một đứa trẻ khiến các thanh niên tình nguyện mưa gió cũng phải đến trường “chia chữ” cho học trò.

Đều đặn vào 17 giờ 30 phút các ngày thứ ba, năm, bảy, tại Trường THCS Ngô Chí Quốc (TP.Thủ Đức, TP.HCM) lại sáng đèn với 3 lớp học đặc biệt. 32 sinh viên tình nguyện thuộc Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn TP.HCM trở thành thầy cô giáo, miệt mài “chia chữ” cho học trò.

Cầm tay dạy chữ

Cơn mưa chiều khiến lớp học vắng hơn thường lệ nhưng không khí vẫn rộn ràng tiếng cười nói của trò và thầy. Hai giáo viên dạy chính liên tục hoạt náo bằng những trò chơi lồng ghép kiến thức của buổi dạy, trợ giảng đứng gần các em để “nhắc bài”. Nhiều câu hỏi đặt ra kèm theo là phần quà nhỏ như bánh kẹo là cách mà thầy cô giáo khuyến khích học sinh tự tin trả lời.

Khác hẳn lớp học thông thường, sinh viên tình nguyện không chỉ truyền dạy kiến thức mà còn phải tiếp thêm năng lượng, luôn quan sát và động viên các em. “Có em được đến trường nhưng có em học ở lớp học tình thương, hoàn cảnh khó khăn, cơ nhỡ nhưng thích học chữ. Các em không cùng độ tuổi, kiến thức nên việc truyền đạt đôi khi gặp khó khăn. Với em có nền tảng yếu, chúng tôi sẽ kèm thêm ngoài giờ học chính, thường diễn ra trước buổi học”, Lâm Thị Trúc Ly, sinh viên Khoa Ngôn ngữ học, đội trưởng đội hình Sắc xanh tri thức, chia sẻ.

Sinh viên tình nguyện theo sát từng em để kèm cặp khi cần

Thanh Dung

Đội hình mang tên Sắc xanh tri thức diễn ra trọng điểm từ ngày 10 - 28.7. Có 2 lớp dành cho học sinh tiểu học (6 - 11 tuổi) và 1 lớp dành cho học sinh THCS (12 - 16 tuổi), khoảng 15 - 20 học sinh/lớp.

Buổi dạy kéo dài 1 giờ 30 phút, nhiều khi “cháy” giáo án vì trò và thầy quá hăng hái. Sinh viên tình nguyện chọn lối dạy vừa học vừa chơi đúng với tinh thần tuổi trẻ khiến học trò “mê tít”, sẵn sàng đội mưa đến lớp, thậm chí đến sớm 1 - 2 giờ để xin thầy cô dạy kèm.

Ly cho biết giáo án giảng dạy những lỗi sai về chính tả thường gặp đến ngôn ngữ ba miền. Đội hình họp bàn nội dung và tham khảo ý kiến thầy cô, xin nhận xét từ chủ nhiệm khoa để chắc chắn kiến thức truyền tải chính xác. Sau mỗi buổi dạy, cả nhóm ngồi lại rút kinh nghiệm để “hôm sau phải tốt hơn hôm nay”.

Có những đứa trẻ buổi sáng phải đi bán hàng vì gia đình khó khăn, tối vẫn dầm mưa đến lớp vì thích học chữ, có em đã 14 tuổi nhưng vẫn chưa viết được. Thế là đội hình nhận thêm nhiệm vụ cầm tay dạy chữ, giúp em nắn nót từng từ.

Vừa dạy, vừa trao yêu thương

Nguyễn Thị Thu Hiền, sinh viên Khoa Công tác xã hội, nhớ về buổi dạy đầu tiên còn nhiều lạ lẫm vì chưa có kinh nghiệm, nhưng vì sự ham học của trò nhỏ, Hiền nhanh chóng hòa nhịp và tương tác với các em.

“Cô giáo” Tuyết Như luôn tạo không khí vui vẻ cho lớp học

“Trước mỗi buổi dạy, tôi xem lại giáo án đã chuẩn bị, “khảo bài” bằng cách tự dạy với chính mình. Đến lớp, cả nhóm sẽ đón các em ở cửa, thăm hỏi, tạo không khí gần gũi giúp các em hòa nhập với thầy cô. Sự hồn nhiên và ham học của các em là động lực để tôi luôn cố gắng”, Hiền nói.

Xuất thân là sinh viên Khoa Ngữ văn Đức, Nguyễn Lê Duy Tân được giao nhiệm vụ dạy chính ở lớp THCS. Thầy giáo với cách dẫn dắt hài hước cùng giọng nói to rõ du dương khiến học sinh chăm chú dõi theo. Tân cho biết lứa tuổi và tính cách của học sinh THCS thường dè dặt và dễ thu mình lại. Vì vậy, Tân không chỉ phải vững kiến thức mà luôn tìm cách giữ không khí lớp vui vẻ, đầy năng lượng.

“Điều tuyệt vời khi góp mặt ở đội hình này là được mang đến con chữ, tạo điều kiện cho những em không có cơ hội đến trường tiếp cận chữ nghĩa. Tôi phải luôn nhiệt huyết để làm sao giúp các em vừa có kiến thức, vừa vui và thích được đi học”, Tân bày tỏ.

Đào Tuyết Như, sinh viên Khoa Ngôn ngữ học, luôn đặt năng lượng tích cực lên hàng đầu, tạo không khí vui vẻ cho lớp học. Như cho rằng, học trò với hoàn cảnh đặc biệt nên cần sự quan tâm đặc biệt để các em cảm nhận được tình thương và niềm vui trong mỗi buổi học.

“Tôi nhận được nhiều hơn sự cho đi. Đó là những nụ cười, cái ôm, giọt nước mắt hay ánh mắt ngây thơ của em nhỏ. Các em giúp chúng tôi sống trọn vẹn tuổi trẻ, hạnh phúc và muốn được cống hiến nhiều hơn”, Như tâm sự.

Sinh viên tình nguyện trao đi kiến thức và nhận về sự yêu thương, quý mến của học trò. Điều này trở thành động lực để đội hình vượt mưa gió đến trường, ngồi chờ từng trò nhỏ, sẵn sàng đến sớm hay về trễ thêm mấy giờ để “chia chữ”, giúp các em có thêm được con chữ trong đầu.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.