Chiếm hàng chục ha đất công làm vườn sinh thái

Quế Hà
Quế Hà
02/12/2019 05:00 GMT+7

Gần 29 ha đất công ở lòng hồ thủy lợi Cà Giây (xã Bình An, H.Bắc Bình, Bình Thuận) bị nhiều người ngang nhiên chiếm dụng xây dựng nhà, trồng cây, làm vườn sinh thái.

Ngày 25.11, trong vai người đi mua đất, PV Thanh Niên chứng kiến tình trạng bao chiếm đất công ở lòng hồ thủy lợi Cà Giây diễn ra rầm rộ. Thế nhưng chính quyền lại nói không xử lý được!

Triệt rừng, chiếm đất đã lâu

Chiếm dụng hàng chục ha đất trái phép ở hồ Cà Giây

Tại khu vực phía tây của hồ thủy lợi Cà Giây (khu vực giáp ranh xã Phan Lâm), những người chiếm đất cho san ủi, làm hẳn một con đường sát lòng hồ dài khoảng 800 m, được lu lèn và trải đá dăm cho ô tô vào tận nơi. Ngay cửa ngõ, một căn nhà lợp tôn, kết cấu thép ống đang hoàn thiện. Phía trên sườn đồi, một khu đất rộng nhiều héc ta đã được trồng cây lâu năm như xoài, mãng cầu, mít, đu đủ. Có những hàng cây ăn trái cao khoảng 2 m. Điều này cho thấy khu đất này đã bị chiếm trái phép từ lâu. Một hệ thống ống ngầm phun tưới tự động cùng một số giếng khoan nằm giữa vườn. Hiện khu đất này đang được lấn tiếp về hướng nam của lòng hồ và đang trồng thêm hàng trăm cây mít, xoài.
Khi chúng tôi tới đây, không một bóng người nhưng trong chòi lá vẫn đầy đủ đồ dùng của công nhân như xoong nồi, bếp núc, mùng mền, thùng chứa nước.
Người dẫn đường chúng tôi đi thực tế cho biết: “Khu đất này của một đại gia ở H.Bắc Bình chiếm dụng để làm vườn du lịch sinh thái”. Ở quả đồi đối diện, khoảng 10 ha khác đã bị “dọn dẹp” sạch cây rừng để trồng thuốc lá. Những vạt rừng đã biến mất, thay vào đó là một triền đồi thuốc lá xanh ngắt.
Chiếm hàng chục ha đất công làm vườn sinh thái1

Chiếm đất làm vườn cây ăn trái lâu năm trong lòng hồ

Thi công ban đêm nên xã không biết (!?)

Ông Nguyễn Đức Linh, cán bộ địa chính UBND xã Bình An (H.Bắc Bình), cho hay khu vực mà chúng tôi mô tả có vườn xoài, mít và đang xây dựng nhà kiên cố là của ông Trần Văn Hiệp (trú xã Phan Lâm, H.Bắc Bình). “Xã cũng phát hiện nhưng không ngăn chặn được vì ông này san ủi đất, làm đường, thi công nhà vào ban đêm, chứ không làm ban ngày nên xã không biết”, ông Linh phân trần. Đáng nói, mặc dù đất trong khu vườn cây sinh thái này có diện tích nhiều héc ta nhưng ông Linh cho rằng: “Chỉ khoảng 1,7 ha”.

Điều lạ lùng, đất lòng hồ là của nhà nước, bị chiếm trái phép từ rất lâu nhưng chính quyền địa phương chậm có biện pháp ngăn chặn

Ông Huỳnh Văn Chương, Trạm trưởng Trạm quản lý khai thác hồ Cà Giây

Còn ông Nguyễn Trung Hoài, Chủ tịch UBND xã Bình An, lại “than thở” việc quản lý đất đai ở xã “gặp khó khăn do địa bàn rộng”. Các địa điểm đất bị chiếm đều do người nơi khác đến thực hiện, chứ không phải người địa phương. Ông Hoài còn cung cấp 4 quyết định xử phạt vi phạm hành chính do Chủ tịch UBND H.Bắc Bình ký ban hành (xử phạt 2 triệu đồng/cá nhân, tổ chức). Ngoài 3 cá nhân chiếm dụng 7,3 ha, còn có Công ty CP xuất nhập khẩu nông nghiệp công nghệ cao Hồng Lĩnh Cát Tường (trụ sở ở xã Đạo Thạnh, TP.Mỹ Tho, Tiền Giang; do ông Trần Văn Giang làm Tổng giám đốc) chiếm đến 21,6 ha đất lòng hồ thủy lợi Cà Giây. Trong các quyết định xử phạt (ký ngày 22 và 25.10.2019), Chủ tịch UBND H.Bắc Bình đều yêu cầu phải khôi phục hiện trạng đất như ban đầu. Tuy nhiên, theo ông Hoài, không có trường hợp nào thực hiện theo yêu cầu này.
Trong khi đó, theo quan sát của PV Thanh Niên, diện tích lòng hồ Cà Giây bị lấn chiếm lớn hơn rất nhiều so với con số ghi trong các quyết định xử phạt do Chủ tịch UBND H.Bắc Bình ký.
Chiếm hàng chục ha đất công làm vườn sinh thái2

Làm đường cho ô tô vào ngay sát mép nước lòng hồ Cà Giây

Đe dọa công nhân khai thác hồ thủy lợi

Theo ông Mai Kiều, Giám đốc Sở NN-PTNT Bình Thuận, toàn bộ diện tích đất hồ thủy lợi Cà Giây do Công ty khai thác công trình thủy lợi Bình Thuận và chính quyền địa phương quản lý. Một lãnh đạo Công ty khai thác công trình thủy lợi Bình Thuận cho biết, đơn vị phát hiện (việc chiếm đất) từ vài tháng trước và đã gửi công văn đến chính quyền địa phương yêu cầu xử lý, nhưng vẫn không ngăn chặn được việc chiếm đất nói trên.
Theo thông tin của PV Thanh Niên nắm được, từ năm 2017, đã xuất hiện nhiều trường hợp vào lòng hồ Cà Giây để chặt cây, chiếm đất trồng cây lâu năm. Mặc dù đã được Công ty khai thác công trình thủy lợi Bình Thuận và chính quyền xã ngăn chặn, nhưng nhiều đối tượng vẫn phá rừng lòng hồ, chiếm đất. Ông Huỳnh Văn Chương, Trạm trưởng Trạm quản lý khai thác hồ Cà Giây, xác nhận: “Cứ ban đêm là các đối tượng vào cưa cây rừng trong lòng hồ, ban ngày vào trồng cây ăn trái và dựng chòi giữ đất. Khi bị nhân viên quản lý hồ thủy lợi ngăn chặn, các đối tượng dùng cưa máy hăm dọa. Chỉ khi có công an đến kiểm tra thì các đối tượng này mới bỏ đi. Nhưng sau đó lại đâu vào đấy, hàng chục héc ta cây rừng trong lòng hồ đã bị triệt hạ để chiếm đất trái phép. Điều lạ lùng, đất lòng hồ là của nhà nước, bị chiếm trái phép từ rất lâu nhưng chính quyền địa phương chậm có biện pháp ngăn chặn. Vườn cây ăn trái đã cao lên đến 2 m. Phải đến tháng 10 vừa qua, UBND H.Bắc Bình mới kiểm tra và xử phạt vi phạm hành chính”.
Trong khi đó, trả lời PV Thanh Niên, Chủ tịch UBND H.Bắc Bình Lê Văn Long cho biết trong 4 quyết định mà huyện ban hành xử phạt thì đến nay có 3/4 trường hợp đã thực hiện quyết định xử phạt, chỉ còn trường hợp của ông Trần Văn Hiệp chưa chấp hành. Sắp tới, UBND huyện sẽ ban hành quyết định cưỡng chế, buộc tháo dỡ đối với công trình xây dựng trái phép, trồng cây trong khu vực này, trả lại hiện trạng ban đầu cho lòng hồ Cà Giây.
Hồ thủy lợi Cà Giây là một trong 14 hồ thủy lợi lớn của Bình Thuận, diện tích mặt nước 141 km2 được xây dựng từ năm 1990, đến năm 1996 hoàn thành. Hồ có cao trình nước dâng tới 75,7 m, dung tích 37 triệu m3 nước, cung cấp nước cho gần 4.000 ha đất nông nghiệp của H.Bắc Bình.
Hồ Cà Giây do Bộ NN-PTNT làm chủ đầu tư và sau đó bàn giao cho Bình Thuận. Theo quy định hiện hành, đất đai trong cao trình kỹ thuật thiết kế hồ là của nhà nước. Mọi hành vi xâm lấn đất hồ thủy lợi đều vi phạm pháp luật.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.