'Chiến binh áo trắng’ vào tâm dịch chống Covid-19: 'Mong những người chống dịch luôn vững vàng'

Thanh Khương
Thanh Khương
11/06/2021 11:16 GMT+7

Họ là cán bộ y tế bỏ lại con thơ ở nhà, là sinh viên các trường y tạm hoãn kỳ thi cuối kỳ… lên đường tiến vào tâm dịch Bắc Giang chống Covid-19 . Khi được hỏi lý do, ai cũng cười nói: vì Tổ quốc cần . Những đoàn "chiến binh' đến tâm dịch Covid trong suốt những ngày qua đều cố hết sức mình.

Xỉu là chuyện thường

Anh Nguyễn Thế Mạnh (33 tuổi, quê Thái Nguyên) đang công tác tại Bệnh viện A Thái Nguyên, là một trong 10 cán bộ đã lên đường tham gia hỗ trợ tại Trung tâm y tế H.Việt Yên (tỉnh Bắc Giang) phòng chống Covid-19 từ ngày 18.5.
“Bản thân làm trong ngành y tế, tình hình dịch bệnh ở tỉnh bạn đang còn phức tạp nhưng lại không đủ nhân lực nên mình muốn đóng góp một phần công sức thông qua kiến thức đã học trong sách vở cũng như kinh nghiệm đi làm mấy năm qua”, anh Mạnh chia sẻ về lý do đặt bút viết đơn tình nguyện đi vào tâm dịch.
Theo lời anh Mạnh, trên giấy tờ, thời gian đi hỗ trợ của đoàn sẽ kết thúc vào ngày 24.5, tuy nhiên vì tình hình dịch bệnh trên địa bàn vẫn còn phức tạp nên đoàn ở lại đến 31.5. Mỗi ngày, anh tranh thủ chút thời gian vào buổi tối để gọi điện hỏi thăm sức khỏe gia đình. Nhờ có bố mẹ, vợ con ở nhà động viên nên anh sẽ tiếp tục cố gắng hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao.
Công việc mỗi ngày của anh Thế Mạnh là đi tới các khu công nghiệp, bệnh viện,… để lấy mẫu xét nghiệm hoặc phân luồng bệnh nhân. Có hôm lấy mẫu số lượng lớn, thêm trời nắng nóng, trong đoàn có người ngất xỉu là chuyện thường. Những lúc này, các thành viên chỉ biết tự động viên lẫn nhau.
Anh cho hay: “Người dân Bắc Giang rất quý các đơn vị sang đây hỗ trợ công tác phòng chống dịch. Chẳng hạn như thấy tụi mình đang đi ngoài đường, họ sẵn sàng chia sẻ từng cốc nước, cái bánh hay chùm vải. Chính những điều này đã giúp các cán bộ trong đoàn xua tan phần nào mệt mỏi”.

Đoàn cán bộ Bệnh viện A Thái Nguyên lên đường vào tâm dịch Bắc Giang

Bác sĩ Chợ Rẫy và cuộc chiến trong tâm dịch Covid-19 Bắc Giang

Sinh viên trường y hoãn thi để đi chống dịch

Tương tự, anh Cao Văn Giang (24 tuổi, quê Bình Dương) là học viên năm cuối của Học viện Quân y (Hà Nội) lên đường hỗ trợ người dân H.Yên Dũng (tỉnh Bắc Giang) từ ngày 16.5.
“Lúc đi mình không nói trước với gia đình vì sợ ba mẹ lo lắng. Khoảng 3 ngày sau, thấy mình đăng ảnh lên mạng xã hội thì mẹ gọi điện trách, nói lần sau có gì thì nhắn trước để ở nhà đỡ lo lắng. Đi học ở xa nên mình chỉ về nhà 2 năm/lần, năm nay chưa về lần nào nhưng chắc cũng không về được”, anh bộc bạch.
Những ‘chiến binh áo trắng’ tiếp sức Bắc Giang chống dịch Covid-19 chưa hẹn ngày về

Khoảng ½ đoàn của Học viện Quân y chụp ảnh kỷ niệm khi vừa lấy mẫu xong tại xã Lãng Sơn, H.Yên Dũng

Anh Giang chia sẻ thêm, tất cả các thành viên tham gia công tác chống dịch đều đã được đào tạo kỹ lưỡng từ 1 năm trước. Cứ 3 ngày/lần, các thành viên trong đoàn sẽ tự lấy mẫu cho nhau để đảm bảo mọi người có đủ sức khỏe để đi tiếp.
“Mình phải xem tất cả mọi người là F0 để làm cẩn thận thì mới an toàn được. Ngoài ra, mặc đồ bảo hộ và đeo khẩu trang đầy đủ, lúc lấy mẫu không được nói chuyện trực tiếp với bệnh nhân, trước và sau khi lấy mẫu thì rửa tay sát khuẩn, tuân thủ đúng những điều này thì không cần phải lo lắng”, anh Giang nói.
Những ‘chiến binh áo trắng’ tiếp sức Bắc Giang chống dịch Covid-19 chưa hẹn ngày về

Các cán bộ y tế mệt nhoài sau một ngày lấy mẫu

Anh Giang bày tỏ hi vọng: “Tụi mình phải tạm hoãn kỳ thi cuối kỳ, đợi xong xuôi về cách ly đủ 21 ngày nữa thì thi luôn mới kịp tiến độ 6,5 năm ra trường. Chỉ mong Bắc Giang nói riêng và cả nước nói chung sớm chiến thắng đại dịch. Mong đội ngũ y bác sĩ cũng như các bạn sinh viên trường y đi chống dịch giống tụi mình có đủ sức khỏe và luôn vững vàng”.
Chia sẻ với Thanh Niên, anh Mạnh cho biết đoàn công tác đã hoàn thành nhiệm vụ vào ngày 31.5 và hiện đang thực hiện cách ly tại TP.Thái Nguyên. “Mình rất vui vì đã góp một phần công sức giúp tỉnh bạn trong công cuộc chống dịch lần này, vui hơn khi sắp được đoàn tụ với các con và gia đình”, anh chia sẻ.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.