Chiến lược và đòi hỏi của Ukraine thử thách kiên nhẫn của đồng minh?

Chiến lược và đòi hỏi của Ukraine thử thách kiên nhẫn của đồng minh?

08/08/2023 14:26 GMT+7

Theo đài CNBC, Ukraine phải song hành với các đồng minh quốc tế, bởi nước này đang phụ thuộc vào nguồn cung vũ khí cũng như hỗ trợ quân sự từ nước ngoài. Nhu cầu ngày một cấp bách hơn khi Ukraine đang trong nỗ lực phản công Nga.

Chính quyền Kyiv đã nhiều lần cảm ơn sự giúp đỡ từ các đối tác. Tuy nhiên, sự thất vọng của các nhà tài trợ đã lên đến đỉnh điểm khi nhu cầu của Ukraine ngày càng nhiều và liên tục hơn.

Gần đây nhất, căng thẳng đã nổi lên xung quanh chiến lược quân sự của Ukraine và những đòi hỏi đối với Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO). Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky được cho là đã chọc giận một số đồng minh trước hội nghị thượng đỉnh NATO ở Lithuania vào tháng 7, khi ông chỉ trích việc liên minh thiếu các cam kết về việc gia nhập của Ukraine.

Bộ trưởng Quốc phòng Anh Ben Wallace đã tỏ ra không hài lòng trước những bình luận của ông Zelensky, nói rằng ông nên lưu tâm đến sự mệt mỏi của phương Tây trước xung đột và việc hỗ trợ liên tục cho Ukraine.

Những bình luận của ông Zelensky cũng không được ủng hộ ở Washington. Tờ The Washington Post dẫn các nguồn tin lưu ý rằng các quan chức Mỹ đã lo lắng, đến mức họ đã cân nhắc về những gì Kyiv sẽ được cung cấp tại hội nghị thượng đỉnh.

Ukraine thử thách sự kiên nhẫn của các đồng minh? - Ảnh 1.

Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky (trái) và Tổng thống Ba Lan Andrzej Duda bắt tay tại Nhà thờ Saint Peter và Paul ở Lutsk (Ukraine), ngày 9.7.2023

REUTERS

Ông Jamie Shea, Phó trợ lý Tổng thư ký NATO phụ trách về những thách thức an ninh mới nổi, nhận định sự ủng hộ dành cho Ukraine giữa các đồng minh vẫn mạnh mẽ nhưng hội nghị thượng đỉnh tại Lithuania đã nêu bật những điểm dễ bị tổn thương, cũng như sự cần thiết của ngoại giao và thỏa hiệp.

Chuyên gia Shea nói thêm rằng ông Zelensky cần hiểu NATO sẽ không thể đáp ứng các yêu cầu của Kyiv về thời gian kết nạp Ukraine nếu xung đột vẫn tiếp tục. Ông lưu ý rằng Ukraine đang ở thế khó, và chắc chắn sẽ có khoảng cách giữa những gì người nước này muốn và những gì phương Tây có thể cung cấp “và đôi khi, điều đó sẽ dẫn đến thất vọng”.

Không chỉ ở cấp độ ngoại giao, Kyiv cũng khiến đồng minh khó chịu ở chiến lược tác chiến. Một nguồn tin của CNBC cũng lưu ý rằng Washington đã không đồng tình với việc Ukraine dường như phớt lờ lời khuyên của Mỹ.

Kyiv được cho là đã khiến Mỹ khó chịu khi quyết định chiến đấu tới cùng để giành lại TP.Bakhmut (tỉnh Donetsk), nơi đã trở thành tâm điểm của cuộc chiến khốc liệt giữa lực lượng Nga và Ukraine trong hơn 1 năm. Dù vậy, Nga đã tuyên bố giành được thành phố này.

Mạng xã hội cũng đang lan truyền ngày càng nhiều suy đoán cho rằng Ukraine đã đi ngược lại lời khuyên của đồng minh, và sẽ đưa một phần lực lượng dự bị, bao gồm các lữ đoàn được NATO huấn luyện, vào chiến trường với mục đích phá vỡ hệ thống phòng thủ của Nga ở phía nam.

Lập luận về các chiến lược riêng của nước này, CNBC dẫn lời Tướng Anh đã nghỉ hưu Richard Barrons nói rằng: “Ukraine cảm thấy bị áp lực trước những người ủng hộ phương Tây, Kyiv phải thể hiện sự tiến bộ trong cuộc phản công này, để chứng minh với chính họ và đồng minh rằng cuộc chiến này có thể giành chiến thắng trên chiến trường”. Ông Barrons nhận định cách tiếp cận hợp lý vào lúc này là làm mọi việc khi đúng thời điểm.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.