Nhân vật trong clip xúc động nói trên là thượng úy Đặng Văn Lâm, Công an xã Nậm Lúc, H.Bắc Hà, Lào Cai. Anh Lâm và đồng đội liên tục nhiều ngày qua hết sức mình giúp đỡ bà con trong đợt lũ và sạt lở sau bão Yagi.
"Cố lên đồng bào ơi !"
Thượng úy Đặng Văn Lâm chia sẻ với Thanh Niên, ngay sau khi nhận được tin sạt lở ở thôn Nậm Tông anh và nhiều người cố gắng có mặt sớm nhất tại hiện trường để tìm kiếm, cứu nạn. Nạn nhân được anh cõng bị thương từ lúc sạt lở xảy ra (10.9) nhưng đến hôm sau mới được mọi người tiếp cận. Đoạn đường từ chỗ sạt lở đến khu vực xe chở đi bệnh viện dài khoảng 8 km, anh phải đi bộ mất khoảng 2 - 3 tiếng. "Nạn nhân bị thương ở chân nên tôi phải cõng qua suối, khúc đó đã gần trục đường lớn, xe đậu sẵn chở đến bệnh viện. Sau đó, tôi lội bộ ngược trở lại nơi sạt lở để tiếp tục tìm kiếm, hỗ trợ những nạn nhân khác", anh kể.
Clip: Xúc động hình ảnh công an xã cõng nạn nhân vụ sạt lở Nậm Tông vượt suối đi cấp cứu
Lúc ấy, trời vẫn mưa nên có những thời điểm công tác tìm kiếm phải tạm dừng để đảm bảo an toàn. "Nhiều nạn nhân chúng tôi phải dùng cáng để khiêng xuống vì khu vực bị cô lập, xe máy, ô tô không thể vào được. Tôi vẫn nhớ khoảnh khắc cứu người phụ nữ đang mang thai bị vùi lấp trong bùn đất, khi tiếp cận, may mắn hai mẹ con vẫn an toàn, hiện đang điều trị ở bệnh viện", anh Lâm chia sẻ.
Mong tìm kiếm hết những người còn mất tích
Anh Lâm về xã Nậm Lúc công tác được hơn 4 năm, thôn Nậm Tông cũng là địa bàn anh phụ trách. Anh học tiếng Mông để giao tiếp với bà con, xem họ là người thân trong gia đình. "Tôi sinh ra và lớn lên trong gia đình thuần nông nên hiểu những nỗi vất vả của bà con. Bình thường, tuần nào tôi cũng lên thôn theo dõi tình hình, trò chuyện với người dân. Giờ tôi chỉ mong sẽ sớm tìm thấy những người đang bị vùi lấp và có nhiều người chung tay giúp đỡ để những người còn sống ổn định cuộc sống", thượng úy trải lòng.
Không chỉ anh Lâm mà tất cả đồng đội của anh đều khẩn trương, dùng hết sức mình để giúp bà con trong hoạn nạn. Tất cả đều không về nhà, ở lại tham gia tìm kiếm, cứu hộ. Anh Lâm có hai con, bé thứ hai mới được 8 tháng, vợ anh cũng bận việc nên gửi cháu nhờ ông bà chăm sóc. "Nhiều lúc con hỏi "bao giờ bố về?" , tôi cũng không biết trả lời như thế nào. Tôi không có thời gian nói chuyện lâu với con, thấy con khóc rất xót nhưng nhiệm vụ vẫn cố gắng giúp đỡ nhân dân", anh nói.
Đại úy Lại Ngọc Sơn, Trưởng công an xã Nậm Lúc, cho biết vì mưa bão nên địa bàn, đường sá giao thông bị chia cắt, không có sóng điện thoại. Ngay sau khi xảy ra sạt lở, người trưởng thôn đi bộ đến trụ sở vừa khóc vừa báo tin cho anh. Nhận tin, anh và các đồng đội cùng trưởng trạm y tế xã tức tốc vào hiện trường và tìm mọi cách báo cáo gấp với cấp trên. Từ lúc ấy đến giờ, tất cả chiến sĩ công an xã đều tất bật tìm kiếm, hỗ trợ người bị thương, bị nạn đi viện.
"Mọi người phải đi đường tắt, băng qua đồi núi vì từ trung tâm xã lên hiện trường khoảng 15 km đã bị sạt lở không đi được xe. Những ngày đầu, anh em vừa đi vừa cõng hàng tiếp tế, mỗi lượt mất khoảng 4 tiếng", anh Sơn thông tin.
Tính đến ngày 17.9, vụ sạt lở đất xảy ra ở thôn Nậm Tông khiến 12 người chết, 7 người mất tích. Mong muốn hiện tại của trưởng công an xã và các chiến sĩ là tìm được những người còn mất tích, sớm ổn định cuộc sống cho bà con. Chính quyền cũng đang triển khai xây dựng khu tái định cư mới, đáp ứng chỗ ở an toàn cho người dân trong thôn. "Tất cả mọi người đều cố gắng, hết sức mình giúp đỡ người dân khi sự cố không may xảy ra. Từ khi xuất hiện bão số 3, chưa một ai về thăm nhà, anh em tập trung hoàn thành mọi nhiệm vụ vì thời gian này bà con vẫn rất cần sự giúp đỡ", vị trưởng công an xã rưng rưng.
Bình luận (0)