Chiến sự ngày 333: Ba Lan chỉ trích Đức, đòi lập 'liên minh' qua mặt Berlin

23/01/2023 04:30 GMT+7

Trong khi các nước NATO tranh cãi vì việc Đức chưa chịu cung cấp xe tăng Leopard 2 cho Kyiv, Nga tuyên bố đã đạt được một số tiến bộ ở mặt trận phía đông nam Ukraine.

NATO lục đục vì chuyện xe tăng Đức

Hôm 22.1, Thủ tướng Ba Lan Mateusz Morawiecki đã chỉ trích việc Đức vẫn chưa đồng ý cung cấp xe tăng Leopard 2 cho Ukraine.

"Thái độ của Đức là không thể chấp nhận được. Đã gần một năm kể từ khi cuộc chiến bắt đầu. Những người vô tội đang chết dần mỗi ngày", ông Morawiecki nói, cho biết ông đang chờ đợi "một tuyên bố rõ ràng" từ Berlin.

Thủ tướng Ba Lan Mateusz Morawiecki

reuters

Đức hôm 20.1 tiếp tục từ chối đưa ra quyết định về việc có cung cấp xe tăng Leopard 2 cho Ukraine hay không. Là nhà sản xuất xe tăng Leopard, Berlin có quyền phủ quyết đối với việc chuyển giao loại khí tài này.

Ba Lan tuyên bố sẵn sàng cung cấp 14 xe tăng Leopard cho Kyiv. Ông Morawiecki nói nếu Đức tiếp tục từ chối cung cấp xe tăng cho Ukraine, "chúng tôi sẽ thành lập một 'liên minh nhỏ' gồm các quốc gia sẵn sàng hiến tặng một số thiết bị hiện đại, xe tăng hiện đại của họ".

Đức sẽ không cản Ba Lan chuyển xe tăng Leopard cho Ukraine, Pháp có thể xem xét chuyển xe tăng Leclerc

Cũng trong ngày 22.1, Ngoại trưởng Anh James Cleverly cho biết Anh vẫn muốn một thỏa thuận quốc tế về việc cung cấp cho Ukraine các xe tăng do Đức sản xuất, nhưng bất cứ hoạt động chuyển giao nào đều cần sự đồng thuận của Berlin.

Trong một tuyên bố chung hôm 21.1, ngoại trưởng các nước Lithuania (Litva), Estonia và Latvia cũng kêu gọi Đức "cung cấp xe tăng Leopard cho Ukraine ngay lúc này".

Trong chuyến thăm Pháp để đánh dấu 60 năm hợp tác Pháp - Đức thời hậu chiến ngày 22.1, Thủ tướng Đức Olaf Scholz cho biết Berlin đang hỗ trợ Ukraine và sẽ làm như vậy "chừng nào còn cần thiết".

Cựu thủ tướng Anh Boris Johnson đến Ukraine

Ông Johnson, một trong những người ủng hộ nhiệt thành nhất đối với Kyiv, đã bất ngờ đến Ukraine hôm 22.1, theo lời mời của Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky. Trong chuyến thăm, ông Johnson đã lên tiếng về việc liệu Ukraine có cần nhận thêm xe tăng để chống lại lực lượng Nga hay không.

Cựu thủ tướng Anh Boris Johnson tại Bucha, Ukraine, ngày 22.1

reuters

Theo một tuyên bố do PA Media đăng tải, cựu thủ tướng Anh ám chỉ sự ủng hộ đối với việc gửi thêm xe tăng cho Kyiv, nói rằng: "Đây là thời điểm để tăng cường hỗ trợ và cung cấp cho người Ukraine tất cả các công cụ họ cần để hoàn thành công việc".

"Cách duy nhất để kết thúc cuộc chiến này là Ukraine giành chiến thắng - và giành chiến thắng càng nhanh càng tốt… Putin thất bại càng sớm thì càng tốt cho Ukraine và toàn thế giới", ông Johnson nói.

Bulgaria, đất nước nghèo nhất EU, đã 'cứu' Ukraine ra sao trong xung đột với Nga?

Nga tiến lên ở đông nam Ukraine?

Sau nhiều tháng bế tắc ở khu vực đông nam Ukraine, các quan chức thân Nga tại đây cho biết mặt trận hiện đang "dịch chuyển", trong khi quân đội Ukraine báo cáo rằng 15 khu định cư đã bị pháo kích.

Ông Oleksandr Starukh, thống đốc tỉnh Zaporizhzhia ở đông nam Ukraine, viết trên ứng dụng nhắn tin Telegram: "Nhằm cố nghiên cứu khả năng phòng thủ của chúng ta, kẻ thù đã kích hoạt hỏa lực pháo binh". Ông cho biết Nga đã bắn vào tỉnh này 166 lần trong ngày 21.1, với 113 vụ tấn công nhằm vào các khu đông dân cư, khiến một dân thường thiệt mạng.

Moscow cho biết quân đội của họ đang tiến về phía Orikhiv, cách thủ phủ cùng tên của tỉnh Zaporizhzhia và Hulyaipole, một thành phố khác, khoảng 50 km về phía nam, mặc dù các quan chức Ukraine cho rằng tốc độ tiến quân đã bị phóng đại.

Không quân Nga bộc lộ yếu kém gì khi cuộc xung đột Ukraine kéo dài?

Những bước tiến của Nga ở Zaporizhzhia sẽ là nguyên nhân gây lo ngại ở Kyiv vào thời điểm mà lời hứa về xe tăng phương Tây có vẻ khó đảm bảo.

Quan chức cấp cao Nga cảnh báo "thảm họa toàn cầu"

Một đồng minh thân cận của Tổng thống Nga Vladimir Putin hôm 22.1 tuyên bố việc cung cấp vũ khí tấn công cho Kyiv đe dọa lãnh thổ của Nga sẽ dẫn đến thảm họa toàn cầu và làm suy yếu các lập luận chống lại việc sử dụng vũ khí hủy diệt hàng loạt.

"Nếu Washington và các nước NATO cung cấp vũ khí sẽ được sử dụng để tấn công các thành phố có người ở và cố gắng chiếm lãnh thổ của chúng tôi, như họ đe dọa, thì điều này sẽ dẫn đến các biện pháp trả đũa bằng vũ khí mạnh hơn", ông Vyacheslav Volodin, chủ tịch Duma Quốc gia (hạ viện của Nga), nói trên Telegram, theo Reuters.

"Lập luận rằng các cường quốc hạt nhân trước đây chưa sử dụng vũ khí hủy diệt hàng loạt trong các xung đột địa phương không còn chỗ đứng. Bởi vì các quốc gia này không phải đối mặt với tình huống có mối đe dọa đối với an ninh của công dân và sự toàn vẹn lãnh thổ của đất nước", ông nói.

Mỹ sẽ hỗ trợ Ukraine tấn công bán đảo Crimea?

Theo ông Volodin, "việc cung cấp vũ khí tấn công cho chế độ Kyiv sẽ dẫn đến một thảm họa toàn cầu".

Mỹ tiếp tục duy trì lực lượng ở "cửa ngõ" Ukraine

Lầu Năm Góc sẽ duy trì vài nghìn lính Mỹ ở căn cứ không quân Mihail Kogalniceanu, đông nam Romania, trong ít nhất 9 tháng nữa. Đây là những binh sĩ đóng quân gần Ukraine hơn bất kỳ đơn vị nào khác của quân đội Mỹ, theo báo The New York Times.

Năm 2022, căn cứ không quân Mihail Kogalniceanu đã trở thành trung tâm huấn luyện cho lực lượng NATO ở đông nam châu Âu. Lực lượng này sẽ là tuyến phòng thủ đầu tiên nếu Nga mở rộng tấn công xa hơn về phía tây. Khoảng 4.000 binh sĩ Mỹ thuộc Sư đoàn Dù 101 đã đồn trú tại căn cứ nói trên kể từ mùa hè năm ngoái.

Xe tăng, xe bọc thép phương Tây sắp gửi Ukraine có thể thay đổi chiều hướng cuộc xung đột ra sao?

Xem thêm: Mỹ kéo dài thời gian đóng quân ở Romania, dự báo Ukraine khó thắng năm nay

Xem thêm diễn biến xung đột Nga - Ukraine:

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.