Chiến sự Ukraine ngày 322: Giành giật từng tấc đất ở Soledar, Nga lại thay tướng

Khánh An
Khánh An
12/01/2023 05:28 GMT+7

Chiến sự Ukraine ngày 11.1 tiếp tục đáng chú ý với tình hình giao tranh khốc liệt ở thị trấn Soledar khiến Nga và Ukraine đều chịu tổn thất.

Điện Kremlin cho biết tình hình Soledar đang có "động lực tích cực" đối với các binh sĩ Nga

Bộ quốc phòng nga

Hãng Reuters ngày 11.1 dẫn lời phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov cho hay diễn biến ở thị trấn Soledar thuộc vùng Donetsk đang theo hướng có lợi cho Nga, nhưng Moscow chưa vội tuyên bố chiến thắng và thừa nhận chịu tổn thất tại đây.

“Hãy chờ thông báo chính thức. Đang có động lực tích cực trong diễn biến ở Soledar. Dù thành công chiến thuật cũng rất quan trọng nhưng nó cũng đạt được bằng một cái giá cao”, ông cho biết.

Xem nhanh: Chiến dịch Nga ngày 321, tranh cãi quanh số phận thị trấn Soledar, Ukraine sẽ có xe tăng 'khủng' của Anh

Ông nhắc lại những tuyên bố trước đó về việc Tổng thống Nga Vladimir Putin vẫn cởi mở với đối thoại và Nga muốn đạt các mục tiêu bằng chính trị và ngoại giao.

Theo ông Peskov, không có triển vọng đối thoại do quan điểm của Ukraine và phương Tây. Ukraine trước đó cũng đưa ra các tiền đề nhằm tiến đến hòa bình, trong đó có việc Nga rút quân khỏi các vùng lãnh thổ đã giành kiểm soát ở Ukraine.

Về tình hình Soledar, CNN dẫn lời một binh sĩ Ukraine cho biết giao tranh diễn ra ác liệt và số binh sĩ thiệt mạng trên chiến trường nhiều đến mức “không ai đếm”. Theo binh sĩ này, các tòa nhà liên tục bị giành giật qua lại hằng ngày, mỗi bên liên tục giành được và rồi lại mất kiểm soát các cứ điểm.

Trước đó, nhóm lính đánh thuê Wagner tuyên bố kiểm soát Soledar, trong khi người phát ngôn bộ chỉ huy quân sự miền đông của Ukraine Serhiy Cherevatyi cho biết 2 bên tiếp tục giao tranh tại thị trấn này.

Theo ông Cherevatyi, mức độ ác liệt của chiến sự tại đây có thể so sánh với Thế chiến 2, đồng thời tuyên bố mục tiêu của Ukraine là kháng cự khiến Nga tổn thất đến mức “ngay cả khi thắng lợi chiến thuật thì điều đó cũng không đáng”.

Tỉnh trưởng Donetsk Pavlo Kyrylenko cho biết giao tranh xảy ra ở khu vực phía bắc và phía tây thị trấn và lực lượng Ukraine “chiến đấu giành từng centimet” đất.

Ukraine nói giao tranh ở Soledar đang diễn ra ác liệt

Về phía Nga, hãng TASS đưa tin lực lượng lính dù của nước này đã phong tỏa phía bắc và phía nam Soledar và khiến Ukraine tổn thất khoảng 80 binh sĩ. Ukraine chưa bình luận về thông tin trên.

Nga thay tư lệnh chiến dịch

Reuters tối 11.1 đưa tin Bộ trưởng Quốc phòng Nga Sergei Shoigu đã bổ nhiệm Tổng tham mưu trưởng Valery Gerasimov giám sát chiến dịch quân sự ở Ukraine.

Trước đó, Nga đã bổ nhiệm ông Sergey Surovikin là tư lệnh chiến dịch vào tháng 10. Sau khi đại tướng Gerasimov làm tư lệnh, ông Surovikin sẽ là cấp phó. Theo Bộ Quốc phòng Nga, việc thay đổi nhằm tăng cường hiệu quả của việc quản lý chiến dịch quân sự ở Ukraine.

Nga giải thích lý do thay tư lệnh chiến dịch quân sự ở Ukraine

Ba Lan, Anh sẽ gửi xe tăng cho Ukraine

Theo Tổng thống Ba Lan Andrzej Duda, nước này dự định gửi các xe tăng Leopard cho Ukraine với tư cách liên minh quốc tế ủng hộ Kyiv.

Ukraine đã kêu gọi các nước hỗ trợ xe quân sự hạng nặng như xe tăng Leopard do Đức sản xuất. Trước đó, Thủ tướng Ba Lan Mateusz Morawiecki cho biết nước này không định gửi xe tăng này cho Ukraine nếu không có sự thành lập liên minh lớn hơn.

Trong khi đó, theo tờ Financial Times, chính phủ Anh cũng dự định sẽ cung cấp xe tăng cho Ukraine. Một phát ngôn viên chính phủ Anh cho hay Thủ tướng Rishi Sunak đã chỉ đạo Bộ trưởng Quốc phòng Ben Wallace “phối hợp với các đối tác” và hỗ trợ thêm cho Ukraine “bao gồm các xe tăng”.

Xe tăng Challenger 2 Anh muốn viện trợ Ukraine có sức mạnh gì?

Một nguồn tin trước đó cho biết Ukraine đã đề nghị Anh hỗ trợ xe tăng “từ mùa hè”. Tuy nhiên, thực tế Anh chỉ có tổng cộng 227 xe tăng và là con số nhỏ so với số xe tăng do Mỹ và Đức sản xuất.

Nếu Anh gửi xe tăng Challenger 2 cho Ukraine thì đây sẽ là lần đầu tiên một nước phương Tây cung cấp cho Kyiv xe tăng chiến đấu hiện đại.

Mỹ huấn luyện về Patriot cho Ukraine

Trong bối cảnh tình hình Soledar vô cùng căng thẳng, Hãng AFP ngày 11.1 dẫn lời trợ lý báo chí Lầu Năm Góc Pat Ryder cho hay Mỹ sẽ huấn luyện binh sĩ Ukraine cách sử dụng và bảo trì hệ thống phòng không Patriot tại căn cứ lục quân Fort Sill ở bang Oklahoma, sớm nhất là từ tuần tới.

Dự kiến Mỹ sẽ huấn luyện khoảng 90-100 binh sĩ Ukraine trong vài tháng. “Một khi được trang bị, hệ thống Patriot sẽ góp phần tăng cường năng lực phòng không của Ukraine và khả năng bảo vệ người dân trước các cuộc không kích tiếp diễn của Nga”, ông cho biết.

Lính Ukraine sẽ đến Mỹ học bắn tên lửa Patriot, Nga tố Mỹ trực tiếp can dự xung đột

Cố vấn Mykhailo Podolyak của Tổng thống Ukraine cho hay binh sĩ nước này sẽ bắt đầu sử dụng hệ thống Patriot do phương Tây cung cấp “từ đầu hoặc giữa mùa xuân”.

Xem thêm: Mỹ thông báo huấn luyện tên lửa Patriot cho Ukraine, Nga phản ứng mạnh

Phản ứng về thông tin của Lầu Năm Góc, hãng Sputnik dẫn lời Đại sứ Nga tại Mỹ Anatoly Antonov cho rằng Mỹ quyết định huấn luyện các binh sĩ Ukraine vận hành hệ thống Patriot “là sự xác nhận việc tham gia trên thực tế của Washington vào xung đột ở Ukraine”.

Trước đó, ông Antonov cho biết Nga luôn thông tin với người dân Mỹ về mối nguy từ những hành động của chính phủ Mỹ ở Ukraine.

Quan chức về nhân đạo Nga, Ukraine gặp nhau

Theo CNN, các quan chức về nhân đạo hàng đầu Ukraine và Nga phụ trách về trao đổi tù binh đã gặp nhau vào ngày 11.1 tại thủ đô Ankara của Thổ Nhĩ Kỳ. Họ cũng đã gặp Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan.

“Phía Thổ Nhĩ Kỳ đưa ra những đề xuất cụ thể nhằm tăng cường giải quyết các vấn đề nhân đạo. Thổ Nhĩ Kỳ, là đối tác của Ukraine, đã nhiều lần thể hiện sự tham gia tích cực nhằm giải quyết nhiều vấn đề liên quan hành động vũ trang của Nga”, theo Ủy viên Nhân quyền Quốc hội Ukraine Dmytro Lubinets.

Tạp chí Forbes: số lượng tỉ phú Nga giảm mạnh vì cấm vận

Ủy viên Nhân quyền Nga Tatyana Moskalkova cho hay bà tiếp tục làm việc với ông Lubinets “nhằm hỗ trợ việc trao đổi tù binh chiến tranh”.

“Tôi đề nghị đồng nghiệp Ukraine cân nhắc khả năng hỗ trợ những công dân Ukraine muốn đến Nga thăm những người thân bị bệnh nặng”, bà cho biết thêm.

Viện trợ quân sự cho Ukraine xấp xỉ ngân sách quốc phòng Nga

Theo tính toán của TASS, kể từ đầu chiến dịch quân sự đặc biệt, Ukraine đến nay tiếp nhận khoảng 48,5 tỉ USD giá trị viện trợ quân sự từ phương Tây. Con số này xấp xỉ ngân sách quốc phòng cả năm của Nga.

Cụ thể, viện trợ quân sự cho Ukraine gần bằng 95% ngân sách quốc phòng năm 2022 của Nga, vốn ở mức 51,1 tỉ USD.

Tổng giá trị viện trợ, bao gồm vũ khí và các khoản khác, phải hơn 150,8 tỉ USD, theo tính toán của phía Nga.

Nếu tính theo cách này, tổng viện trợ phương Tây cho Ukraine kể từ ngày 24.2.2022 vượt ngân sách Ukraine (ước tính 55,5 tỉ USD trong năm 2022) gần 3 lần.

Vì sao Georgia không chịu 'trả' tên lửa phòng không Buk cho Ukraine?

Trước đó, Tổng thống Vladimir Putin nói rằng “tiềm năng và năng lực quân sự hiện có của gần như toàn bộ thành viên NATO đều đang được sử dụng” chống Nga. Còn Bộ trưởng Quốc phòng Nga Sergei Shoigu nhận định Nga đang chiến đấu ở Ukraine không phải vì đối phó bản thân Ukraine, mà thay vào đó chống chọi với toàn bộ “tập thể phương Tây”.

Xem thêm diễn biến xung đột Nga - Ukraine:

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.