Chim trời phiêu du ký: 'Sứ giả' chim hoang dã

Quang Viên
Quang Viên
25/05/2022 07:45 GMT+7

Trong khi sự vô tâm, thậm chí là độc ác của con người khiến chim hoang dã ngày càng giảm đi nhanh chóng, thì vẫn có những người thầm lặng tìm cách cứu chúng.

Cần phải nói thẳng rằng các chương trình hành động cũng như những biện pháp bảo vệ, bảo tồn chim hoang dã của các cơ quan nhà nước còn không ít bất cập, thậm chí có nơi còn thể hiện sự vô cảm, thờ ơ. Vì thế, chim hoang dã, trong đó có chim di cư và những loài đặc hữu, quý hiếm của Việt Nam, ngày càng giảm dần. Trước thực trạng đó, nỗ lực không biết mệt mỏi của một số người “ăn cơm nhà vác tù và hàng tổng” nhằm cứu lấy sinh mạng của các loài chim hoang dã là hết sức ý nghĩa và đáng trân trọng.

Những người hùng thầm lặng

Anh Nguyễn Hào Quang, thành viên điều phối dự án Mekong Shorebird của Birdlife, rủ tôi đi đếm chim di cư cùng nhóm của anh. Hành trình của nhóm xuyên suốt các bờ biển từ Ninh Thuận đến đất mũi Cà Mau, nhưng tôi chỉ xin tháp tùng vài nơi. Hành lý của nhóm lỉnh kỉnh đủ thứ, trong đó không thể thiếu ống nhòm, máy ảnh và tài liệu về chim. 6 giờ sáng, tất cả đã có mặt tại bãi biển mà đàn chim di cư từ phương Bắc về kiếm ăn. Đặt ống nhòm quan sát, Hào Quang quay sang nói:

Tác giả cùng tham gia chương trình bảo vệ chim di cư

THIÊN THẢO

“Thời điểm chim di cư về ồ ạt nhất là tháng 10 đến tháng 12, sau đó bắt đầu giảm dần do một số cá thể quyết định về nước sớm. Đến tháng 3, tháng 4, chim di cư lại tăng số lượng do một số loài từ Úc, Indonesia bay về phương Bắc và dừng nghỉ ở Việt Nam một vài ngày. Cho đến tháng 5 thì còn lại rất ít chim di cư ở Việt Nam. Vì thế, trong năm chúng tôi sẽ tổ chức nhiều chuyến đi khảo sát, kiểm tra chim di cư. Tổng cộng thời gian lên đến 6 tháng”.

Giữa cái “nắng như rang, gió như phang” ở Phan Rang, Ninh Thuận, những “sứ giả” bảo vệ chim di cư mồ hôi đầm đìa vẫn chăm chú theo dõi chim qua ống nhòm, chụp ảnh, ghi chép… Hầu như người nào trong đội cũng nhớ rõ và gọi tên những con chim quen thuộc các năm trước. Thỉnh thoảng họ reo lên vui sướng khi gặp lại những con chim cũ đặc biệt nhất trong đàn. “Có những con chim vì lý do nào đó không về, hoặc có thể chúng bị người ta săn bắt rồi”, anh Nguyễn Văn Thắng, một thành viên trong đội, buồn buồn nói. Văn Thắng hiện làm việc cho Công ty du lịch Hoang dã (Wildtour), đã gắn bó với các tổ chức bảo tồn như Birdlife, WWF, các vườn quốc gia, khu bảo tồn ở Việt Nam từ năm 2012. Anh cho biết có rất nhiều tổ chức bảo vệ động vật hoang dã ở Việt Nam. Tuy nhiên, trong việc bảo vệ chim thì Birdlife chính là NGO (tổ chức phi chính phủ) đầu mối và Mekong Shorebird là một dự án thuộc sự điều hành của Birdlife.

Bên cạnh tổ chức Birdlife, một nhóm bảo vệ chim Việt Nam dưới sự điều hành của Admin Tang A Pau, Bao Hoai Nguyen, Le Hung, Le Khac Quyen, Nam Ho cũng thường xuyên kêu gọi trên facebook việc bảo vệ chim. Gần đây, những người yêu chim đã thành lập được một hội chính thức gọi là “Chi hội nghiên cứu và bảo tồn chim hoang dã Việt Nam” trực thuộc Liên hiệp các hội Khoa học và Kỹ thuật, với sự điều hành của tiến sĩ Lê Mạnh Hùng trong vai trò chi hội trưởng.

Anh Hào Quang trên đường đi khảo sát, đếm chim

NVCC

Có thể coi những thành viên của tổ chức Birdlife, các nhà điểu học và những tình nguyện viên khác là sứ giả đặc biệt của chim hoang dã. Nếu không có tình yêu mãnh liệt, khát vọng bảo tồn thiên nhiên thì họ không thể nào bỏ rất nhiều công sức, thậm chí là “bán” sức khỏe, hy sinh tiền bạc để góp phần bảo vệ loài chim hoang dã. Nhiếp ảnh gia Tăng A Pẩu “ăn cơm nhà vác tù và hàng tổng” nhiều năm để theo dõi, ghi nhận hình ảnh loài sếu đầu đỏ ở tận Hòn Chông (Hà Tiên) theo sự ủy nhiệm của Hội Sếu thế giới ICF. Ông từng chịu cực trần thân, ăn ngủ vật vạ để theo cánh chim trời, trong đó có sếu đầu đỏ. “Nỗ lực của tôi và một số người khác là làm sao bảo tồn được đàn sếu quý. Thế nhưng nỗ lực của một số cá nhân đó không đủ để giữ đàn sếu. Buồn. Thật là buồn. Phải có sự chung tay của toàn xã hội mới có thể bảo vệ được sự sống của các loài chim hoang dã”, ông Pẩu buồn bã tâm sự.

Còn với Nguyễn Văn Thắng, dù những chuyến đi thực địa dài ngày và nối tiếp nhiều khi gây mệt mỏi, nhưng không vì thế mà anh bỏ cuộc. “Làm những thứ mình đam mê, mình thích và đặc biệt là góp phần bảo vệ sự tồn vong của chim hoang dã thì vất vả gian nan mấy mình cũng sẽ vượt qua được”, Thắng tâm sự. Niềm vui của Thắng cũng như những sứ giả thiện lành của loài chim là mỗi năm có thể nhìn thấy nhiều hơn chim di cư, chim rừng ngay tại nước mình, “sướng” hơn nữa là có thể thấy loài chim đặc hữu Việt Nam, chim quý chưa bị diệt chủng.

Về vùng quê vận động bảo vệ chim hoang dã

NVCC

“Cuộc chiến” bảo vệ chim

Như đã đề cập trong bài viết kỳ trước, nạn săn bắt chim di cư (chủ yếu ở các vùng duyên hải) và các loài chim hoang dã ở các khu vực rừng núi chưa bao giờ nguội đi. Dưới đồng bằng, vùng duyên hải chim sa vào lưới giăng; trên rừng chim rơi vào bẫy, vào tầm ngắm họng súng những kẻ săn bắt bất hợp pháp. Trong khi một số cơ quan chức năng có “công cụ” để ngăn chặn, xử lý họa “điểu tặc” chưa thật sự làm tốt việc của mình, thì những người như các anh Quang, Thắng, TS Lê Mạnh Hùng, nhiếp ảnh gia Tăng A Pẩu… vẫn nhẫn nại âm thầm tuyên truyền, vận động người dân từ bỏ việc săn bắt chim và tìm cách để bảo tồn chúng... Tôi còn được biết ông Nguyễn Hoài Bảo, giảng viên bộ môn Điểu học của Trường ĐH Khoa học tự nhiên thuộc ĐH Quốc gia TP.HCM, Giám đốc Công ty du lịch Wildtour, mới đây còn gửi công văn đến Cục Kiểm lâm, Cục Bảo tồn thiên nhiên và đa dạng sinh học, Cục Cảnh sát môi trường đề nghị được tham gia bảo vệ chim hoang dã.

Nhóm anh Nguyễn Hào Quang trong một chuyến đi giải cứu chim

NVCC

Câu chuyện “tuyên giáo” để thay đổi ý thức của người dân về việc bảo vệ các loài chim của họ không hề dễ dàng. “Có những người săn bắt chim hoang dã vì mục đích kiếm tiền. Họ rất cứng đầu, thậm chí đe dọa chúng tôi. Vì thế, vận động được họ bỏ nghề săn bắt chim là cả một quá trình gian nan”, anh Hào Quang chia sẻ. Tuy nhiên, tín hiệu đáng mừng là bằng nỗ lực không biết mệt mỏi, các tình nguyện viên của dự án Mekong Shorebird đã thuyết phục được người dân gỡ bỏ dần các loại lưới “tàng hình” mắc như thiên la địa võng để bắt chim trời ở một số nơi. “Chương trình vận động này thực hiện 5 ngày mỗi tháng. Sau một thời gian, số lượng lưới bẫy chim ở các khu vực được vận động giảm rõ rệt”, anh Nguyễn Hào Quang cho biết. (còn tiếp)

Dự án Mekong Shorebird chịu trách nhiệm chính trong việc kiểm đếm chim biển di cư hằng năm về khu vực ven biển phía nam Việt Nam. Khuôn khổ dự án này không chỉ là kiểm đếm mà còn vận động bà con đồng hành với chính quyền để bảo vệ các loài chim hoang dã. Dự án đã phối hợp cùng các sinh viên Trường ĐH Khoa học tự nhiên TP.HCM và các nhiếp ảnh gia yêu chim từ khắp Việt Nam đi đến những vùng ven biển có nhiều chim di cư để vận động bà con không săn bắt.

Chim trời phiêu du ký

Khướu quý Việt Nam kêu cứu

Sếu ơi !

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.