Chính phủ 'tung' gói hỗ trợ người lao động 26.000 tỉ đồng

02/07/2021 04:44 GMT+7

Gói hỗ trợ sẽ tập trung chủ yếu vào đối tượng bị ảnh hưởng sâu bởi dịch là người lao động trực tiếp, với thủ tục chi tối giản và giao quyền chủ động cho địa phương quyết định chi hỗ trợ nhóm lao động tự do.

Ngày 1.7, dưới sự chủ trì của Thủ tướng Phạm Minh Chính, Chính phủ họp phiên thường kỳ tháng 6.2021, thảo luận về tình hình kinh tế - xã hội 6 tháng đầu năm và phương hướng, nhiệm vụ 6 tháng cuối năm 2021.

Không thay đổi mục tiêu

Phát biểu tại phiên họp, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh tới thời điểm này chúng ta vẫn chưa thay đổi mục tiêu đã đề ra, nhưng phải chủ động, linh hoạt, sáng tạo, hài hòa giữa phòng chống dịch bệnh và phát triển KT-XH. Theo đó, có nơi, có lúc phải ưu tiên cho nhiệm vụ phòng chống dịch; có nơi, có lúc phải ưu tiên cho nhiệm vụ phát triển KT-XH và có nơi, có lúc phải cân bằng cả hai mục tiêu, nhiệm vụ này.
Thủ tướng lấy ví dụ, Bắc Ninh, Bắc Giang thời gian vừa qua đã ưu tiên cho nhiệm vụ ngăn chặn, đẩy lùi dịch bệnh, hiện nay đang ưu tiên cho nhiệm vụ thúc đẩy sản xuất, kinh doanh. Một số địa phương như Hà Nội cần kết hợp hài hòa, hợp lý, hiệu quả giữa hai nhiệm vụ, mục tiêu. TP.HCM và các tỉnh Đông Nam bộ đang phải tập trung cho nhiệm vụ phòng chống dịch. Hơn nữa, ngay trong một địa phương như TP.HCM, có những quận, huyện tập trung phòng chống dịch, nhưng những quận, huyện khác tình hình dịch bệnh không căng thẳng, phải tập trung phát triển kinh tế.

Sáng 2.7: TP.HCM thêm 118 ca Covid-19, ghi nhận tổng cộng 4.739

Tại buổi họp báo diễn ra sau đó, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Trần Văn Sơn cho biết thêm đây là phiên họp rất quan trọng, nhìn lại kết quả 6 tháng đầu năm để nhận rõ khó khăn và đặt ra giải pháp 6 tháng tới. Về tình hình KT-XH, Chính phủ thống nhất việc triển khai nhiệm vụ trong bối cảnh dịch Covid-19 có rất nhiều khó khăn, dịch Covid-19 đặc biệt nghiêm trọng, ảnh hưởng tới tất cả mọi lĩnh vực.

Ưu tiên và hỗ trợ TP.HCM đàm phán mua vắc xin

Tại buổi họp báo, Thứ trưởng Bộ Y tế Trần Văn Thuấn cho biết dịch tại TP.HCM cơ bản được kiểm soát, tuy nhiên vẫn tiềm ẩn nhiều yếu tố khó lường. Theo ông Thuấn, cuối tuần vừa rồi, Thủ tướng trực tiếp chỉ đạo công tác phòng chống dịch tại TP.HCM, Bình Dương, Đồng Nai... trên tinh thần quyết liệt nhất. Bộ Y tế đặt tổ công tác đặc biệt tại TP.HCM do Thứ trưởng Nguyễn Trường Sơn phụ trách. “Tới đây, Chính phủ thống nhất ưu tiên cấp thêm vắc xin cho TP.HCM, tạo điều kiện cho thành phố đàm phán mua thêm vắc xin”, ông Thuấn cho hay.
Về cơ chế chia sẻ rủi ro với các đơn vị nghiên cứu vắc xin trong nước, ông Thuấn cho biết thêm, Thủ tướng và Chính phủ hết sức quan tâm. Bộ Y tế tăng cường hỗ trợ các nhà nghiên cứu, sản xuất vắc xin như Nanocovax bằng cách trong thời gian ngắn huy động nguồn lực về cán bộ y tế, nhà nghiên cứu tăng cường mẫu nghiên cứu đạt được 13.000 người trong tiêm thử nghiệm đợt 3. Hiện chưa hoàn thành đợt 2, tuy nhiên bước đầu đánh giá có nhiều yếu tố tích cực nên cho phép thử nghiệm gối đầu đợt 3 để đảm bảo thời gian nghiên cứu rút ngắn tối đa.
Chính phủ đánh giá, 6 tháng đầu năm, kinh tế vĩ mô ổn định, tăng trưởng kinh tế khả quan dù chịu tác động từ dịch bệnh. Tốc độ tăng trưởng GDP đạt 5,64%, cao hơn nhiều so với cùng kỳ năm 2020. Lạm phát được kiểm soát, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) bình quân 6 tháng tăng thấp nhất kể từ năm 2016 trở lại đây. Các cân đối lớn được đảm bảo. Tiến độ thu ngân sách tích cực, lũy kế 6 tháng đạt 57,7% dự toán, tăng 15,3% so với cùng kỳ năm 2020... Những kết quả bước đầu trong thực hiện mục tiêu kép, bảo đảm an ninh quốc phòng và đẩy mạnh đối ngoại thời gian qua đã giúp tăng cường, củng cố niềm tin của nhân dân và cộng đồng doanh nghiệp.
Theo ông Sơn, các thành viên Chính phủ thống nhất nhận định tình hình kinh tế thế giới còn rất nhiều khó khăn, dịch bệnh Covid-19 phức tạp; ở trong nước sản xuất kinh doanh khó khăn, đặc biệt lĩnh vực du lịch, doanh nghiệp (DN) nhỏ và vừa và các tỉnh có dịch bùng phát. “Chính phủ thống nhất không để công việc trì trệ, đổi mới tư duy, nhận diện đúng tình hình đưa ra quyết sách, chính sách hiệu quả cao nhất. Chỉ thực hiện giãn cách, phong tỏa khi thực sự cần thiết. Mua vắc xin nhanh nhất, nhiều nhất có thể nhưng không để tiêu cực xảy ra; triển khai tiêm vắc xin an toàn, hiệu quả để sớm đạt được miễn dịch cộng đồng”, ông Sơn thông tin.

Bản tin Covid-19 ngày 1.7: Ngày kỷ lục 713 ca mắc, số bệnh nhân ở TP.HCM 'leo thang' chóng mặt

12 giải pháp hỗ trợ trực tiếp người lao động

Tại phiên họp, Bộ trưởng Bộ LĐ-TB-XH Đào Ngọc Dung cho biết Chính phủ vừa ký ban hành Nghị quyết 68 về một số chính sách hỗ trợ đối với người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch Covid-19. Trong đó, đưa ra 12 giải pháp hỗ trợ người lao động với số tiền 26.000 tỉ đồng.
“Gói này sẽ tập trung chủ yếu vào đối tượng bị ảnh hưởng sâu bởi dịch, cụ thể là người công nhân lao động trực tiếp”, ông Dung nhấn mạnh và cho biết thêm nghị quyết đề ra 4 nguyên tắc cơ bản là kịp thời, đúng đối tượng; đơn giản nhất, thủ tục giảm 2/3 so với gói trước; khả thi; trong 1 đối tượng không hỗ trợ 2 lần (trừ phụ nữ mang thai, cha mẹ nuôi trẻ em dưới 6 tuổi, trẻ đang là F0 và F1 phải cách ly); phân bổ ngân sách rõ ràng giữa T.Ư và địa phương.
Trong 12 nhóm đối tượng, riêng lao động tự do sẽ được hỗ trợ theo tính chất đặc thù hơn. Cụ thể, theo Bộ trưởng Đào Ngọc Dung, trong chỉ đạo của Bộ Chính trị và Chính phủ nhấn mạnh đến lao động tự do - đối tượng bị ảnh hưởng sâu, trực tiếp nhưng cũng là đối tượng khó có thể triển khai nhất. Trước kia, gói hỗ trợ tại Nghị định 42 rất khó triển khai, có nơi tổ trưởng dân phố đi 8 - 9 lần khảo sát mới hỗ trợ được vì người lao động tự do di chuyển thường xuyên. Do đó, nếu Chính phủ ban hành chính sách hỗ trợ cụ thể, ngân sách cho nhóm này khó khả thi.
“Hà Nội, TP.HCM có đông lao động tự do cũng thống nhất ủng hộ và Chính phủ quyết định ra chủ trương nhưng giao toàn quyền cho các địa phương căn cứ vào điều kiện, khả năng ngân sách chủ động xây dựng tiêu chí, mức tiền. Chẳng hạn, trong gói 86 tỉ đồng của TP.HCM vừa thông qua cũng xác định một số nhóm lao động chạy xe ba gác, bốc vác, bán vé số dạo...”, ông Dung nói thêm.
Tính chung từ khi đại dịch Covid-19 xảy ra, Chính phủ ước tính đưa ra 160.000 tỉ đồng ngân sách hỗ trợ. Riêng Nghị quyết 42 có 14,4 triệu người được thụ hưởng tổng số ngân sách và chính sách hỗ trợ khác khoảng 39.000 tỉ đồng.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.