Sáng 15.8, Ủy ban Thường vụ Quốc hội tổ chức phiên chất vấn về việc thực hiện 4 nghị quyết về giám sát và 4 kết luận về chất vấn của Ủy ban Thường vụ Quốc hội từ đầu nhiệm kỳ đến hết năm 2018.
Chưa báo cáo kết quả xử lý sai phạm trong các dự án BOT
Trình bày báo cáo tổng hợp nội dung thẩm tra các báo cáo về việc thực hiện 8 nghị quyết, kết luận của Ủy ban Thường vụ Quốc hội nếu trên, Tổng thư ký Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc cho hay, liên quan nghị quyết về một số nhiệm vụ và giải pháp tiếp tục hoàn thiện và đẩy mạnh việc thực hiện chính sách pháp luật về đầu tư và khai thác các công trình giao thông theo hình thức hợp đồng xây dựng - kinh doanh - chuyển giao (BOT), Chính phủ vẫn chưa tổng hợp kết quả kiểm điểm trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân để xảy ra khuyết điểm, vi phạm và báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Quốc hội.
Bên cạnh đó, đến nay vẫn còn một số trạm vẫn chưa được xử lý dứt điểm, triệt để những bất cập (Trạm Bắc Thăng Long - Nội bài, Trạm Bỉm Sơn - Thanh Hóa, Trạm Cai Lậy, Trạm Thái Nguyên - Chợ Mới).
Ngoài ra, hiện tại đã phát sinh thêm một số trạm thu phí tồn tại bất cập nhưng chưa được đề cập tại báo cáo của Chính phủ, cụ thể: trạm T2 quốc lộ 91 thuộc dự án BOT quốc lộ 91; Cần Thơ - An Giang; và trạm Hòa Lạc - Hòa Bình thuộc Dự án đầu tư xây dựng dự án đường Hòa Lạc - Hòa Bình và cải tạo, nâng cấp quốc lộ 6 đoạn Xuân Mai - Hòa Bình theo hình thức BOT.
Việc triển khai thu phí tự động không dừng tại tất cả các tuyến quốc lộ được đầu tư theo hình thức hợp đồng BOT trên cả nước còn chậm 1 năm so với nhiệm vụ được giao.
Rút kinh nghiệm để tránh lệ thuộc vào nhà tài trợ vốn ODA
Liên quan tới nghị quyết về một số nhiệm vụ và giải pháp tiếp tục đẩy mạnh việc thực hiện chính sách pháp luật về quản lý và sử dụng vốn vay nước ngoài (ODA), theo Tổng thư ký Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc, những hạn chế, bất cập trong quản lý và sử dụng vốn ODA và vốn vay ưu đãi nước ngoài chưa có chuyển biến mạnh mẽ. Tình trạng giải ngân thấp so với kế hoạch giao chưa được khắc phục kịp thời.
Cạnh đó, vẫn còn tồn tại những dự án sử dụng vốn vay ODA chưa hiệu quả từ khâu huy động (đàm phán hiệp định, điều kiện vay) dẫn đến việc thực hiện, sử dụng vốn kém hiệu quả, tạo ra nhiều hệ luỵ cho nền kinh tế, chẳng hạn như dự án đường sắt Hà Nội - Hà Đông, việc đội vốn của các tuyến đường sắt đô thị TP.HCM, tồn tại của một số dự án liên quan đến một số tuyền đường cao tốc...
Theo ông Phúc, cần có phương án xử lý để giải quyết đối với những dự án cụ thể này nói riêng và rút kinh nghiệm chung về việc xây dựng tiêu chí, điều kiện vay thật sự hiệu quả, tránh việc lệ thuộc vào nhà tài trợ.
Ngoài ra, công tác phân bổ, giao kế hoạch cho từng dự án cụ thể chưa được thực hiện kịp thời, ảnh hưởng đến tiến độ triển khai và giải ngân.
Ông Phúc dẫn chứng, năm 2018, mức giải ngân vốn ODA, vốn vay ưu đãi cấp phát từ ngân sách trung ương chỉ đạt 53,65% kế hoạch Quốc hội giao; trong 5 tháng đầu năm, nguồn vốn này mới giải ngân được gần 2.000 tỉ đồng, đạt khoảng 7% (trên tổng số hơn 28.000 tỉ đồng kế hoạch được giao), đây là số liệu giải ngân rất thấp, cần sớm có giải pháp quyết liệt để tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc.
Ngập úng, ùn tắc xảy ra tại nhiều đô thị với tần suất gia tăng
Về thực hiện kết luận của Ủy ban Thường vụ Quốc hội trong lĩnh vực xây dựng, theo ông Phúc, tình trạng ngập úng, ách tắc giao thông, ô nhiễm môi trường xảy ra ở nhiều đô thị với tần suất gia tăng và chưa có giải pháp xử lý hữu hiệu; thủ tục hành chính đối với dự án đầu tư xây dựng còn phức tạp, đặc biệt là ở bước chuẩn bị dự án. Đặc biệt, việc công khai, minh bạch trong hoạt động quy hoạch xây dựng chưa được bảo đảm.
Đáng chú ý, tình trạng xây dựng không phép, không phù hợp với quy hoạch, chậm thực hiện các kết luận thanh tra… vẫn tiếp diễn. Ngoài ra, tình trạng cán bộ, công chức vi phạm trong lĩnh vực xây dựng vẫn còn gây bức xúc trong xã hội, dẫn đến các vi phạm không được xử lý nghiêm, kéo dài như sai phạm ở khu đô thị Thủ Thiêm, xử lý vi phạm tòa nhà 8B Lê Trực...; thậm chí có trường hợp thanh tra của Bộ Xây dựng bị khởi tố.
|
Bình luận (0)