Chính sách cải tạo chung cư ‘quá đát’ thất bại

Lê Quân
Lê Quân
25/04/2022 15:55 GMT+7

Trong khi cơ chế cải tạo nhà chung cư cũ chưa cho thấy hiệu quả thì người dân ở căn hộ tập thể mỗi ngày vẫn đối mặt với tình trạng mất an toàn từ những ngôi nhà “quá đát”.

Vụ cháy tại nhà chung cư cũ (NCCC) B9 Kim Liên, Q.Đống Đa, Hà Nội lúc rạng sáng 21.4 khiến một gia đình có tới 5 người chết, 2 người bị thương như thêm một lần cảnh báo về mất an toàn ở NCCC, trong khi cơ chế cải tạo NCCC chưa cho thấy hiệu quả thực sự.

Vấn đề cải tạo NCCC đã được nhà nước đặt ra hơn 20 năm nay. Cả nước có hơn 2.500 NCCC nhưng mới chỉ cải tạo được trên 20 NCCC. Chênh lệch giữa 2 con số này đã phần nào bộc lộ rõ yếu kém của cơ chế cải tạo NCCC, năng lực của chính quyền.

Đáng chú ý, đa số những NCCC tái thiết thành công nhờ nằm ở vị trí đắc địa, dễ hài hoà lợi ích 3 bên: nhà nước - người dân - doanh nghiệp. Hàng nghìn NCCC còn lại vẫn nằm chờ cơ chế tái thiết, đồng nghĩa cả trăm nghìn người dân đang sống trong các căn hộ tập thể còn phải đối mặt với rủi ro mất an toàn.

Nghịch lý ở chỗ, trong khi theo xu thế chung, các tiêu chuẩn về nhà ở đang được đặt ra ngày một cao cấp hơn, mức độ yêu cầu an toàn cũng khắt khe hơn, thì giữa các đô thị văn minh, hiện đại vẫn tồn tại cả trăm nghìn căn hộ NCCC.

Thủ đô Hà Nội có nhiều NCCC nhất cả nước với 1.579 nhà, trong đó có không ít nhà bị đánh giá ở cấp C (nguy hiểm), D (đặc biệt nguy hiểm - có thể sập bất cứ lúc nào)… TP.HCM có gần 500 NCCC cũng tồn tại không ít nhà nguy hiểm, đặc biệt nguy hiểm. Các thành phố: Đà Nẵng, Hải Phòng, Nam Định… đang có hàng nghìn căn hộ NCCC đã xuống cấp, thậm chí dột nát, không an toàn về kết cấu cũng như phòng cháy chữa cháy, gây mất mỹ quan đô thị.

Tháng 10.2015, Nghị định 101/2015/NĐ-CP về cải tạo, xây dựng lại NCCC được ban hành để thúc đẩy công cuộc tái thiết các nhà tập thể được xây dựng từ nửa sau thế kỷ trước. Nhưng, hơn 5 năm sau, công cuộc tái thiết NCCC vẫn bế tắc. Chính sách cải tạo NCCC tỏ ra bất lực, thất bại, đặt ra yêu cầu phải có cơ chế mới. Các nguyên nhân khiến cải tạo NCCC được chỉ ra là cơ chế hỗ trợ đền bù di dời không phù hợp, thiếu nguồn lực, quy hoạch…

Tóm lại, công cuộc tái thiết NCCC sau nhiều năm vẫn loay hoay, thiếu giải pháp hiệu quả.

Giữa tháng 7.2021, Nghị định 69/2021/NĐ-CP về cải tạo, xây dựng lại NCCC được ban hành thay thế Nghị định 101. Đây giống như sự thừa nhận thất bại của chính sách cải tạo NCCC đưa ra trước đó.

Trong hội nghị tập huấn Nghị định 69 ở Hà Nội, ông Nguyễn Mạnh Khởi, Phó cục trưởng Cục Quản lý nhà và thị trường bất động sản, Bộ Xây dựng, cho biết vấn đề khó nhất trong công cuộc tái thiết NCCC là xác định hệ số đền bù, hỗ trợ di dời giải phóng mặt bằng; quy định về các trường hợp NCCC nào thuộc diện phải phá dỡ để xây dựng lại; lựa chọn chủ đầu tư…

Như vậy, sau nhiều năm, dù ban hành cơ chế mới, nhưng nhiều khó khăn cũ, trong đó vấn đề cốt lõi là hỗ trợ đền bù di dời vẫn chưa chắc chắn được thông toả, khó vẫn hoàn khó.

Sau khi Nghị định 69 được ban hành, đầu năm 2022, TP.HCM đặt mục tiêu khởi công xây dựng mới 14 NCCC cấp D ở các Q.1, Q.4, Q.6 và Q.Tân Bình. Trong khi đó, Hà Nội cũng đã ban hành đề án cải tạo, xây dựng lại NCCC trên địa bàn.

Theo đó, giai đoạn từ 2021 - 2025 sẽ lựa chọn 10 khu NCCC để cải tạo gồm: Kim Liên, Trung Tự, Khương Thượng, Thanh Xuân Bắc, Thanh Xuân Nam, Nghĩa Tân; và 4 khu có nhà nguy hiểm cấp D như: Giảng Võ, Thành Công, Ngọc Khánh, Bộ Tư pháp (P.Cống Vị, Q.Ba Đình).

Vậy là, cơ quan chức năng lại thêm một lần thể hiện quyết tâm tái thiết NCCC, và người dân lại thêm một lần hy vọng, chờ đợi.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.