Chính trường Mỹ bất định sau vụ truy tố ông Trump

Như Trần
Như Trần
01/04/2023 05:33 GMT+7

Việc cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump bị truy tố đã khuấy đảo chính trường Mỹ và đường đua vào Nhà Trắng năm 2024.

Reuters ngày 30.3 đưa tin cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump (76 tuổi) đã bị truy tố trong cuộc điều tra hình sự do công tố viên Alvin Bragg ở Manhattan (bang New York) dẫn dắt. Quyết định được đưa ra sau nhiều tháng đại bồi thẩm đoàn xem xét bằng chứng.

Trước ông Trump, chưa có bất kỳ cựu tổng thống hay tổng thống đương nhiệm nào của Mỹ từng bị truy tố hình sự. Vụ việc này có thể sẽ định hình lại cuộc đua vào Nhà Trắng năm 2024.

Cựu Tổng thống Trump bị truy tố: Chuyện gì sẽ xảy ra?

Liệu ông Trump có phải ngồi tù ?

Hiện chưa rõ ông Trump phải đối mặt với cáo buộc nào vì bản cáo trạng chưa được công khai. Tuy nhiên, vụ việc này chủ yếu có liên quan đến khoản tiền "bịt miệng" 130.000 USD trả cho diễn viên phim khiêu dâm Stormy Daniels (tên thật là Stephanie Clifford) trước cuộc bầu cử tổng thống 2016. CNN dẫn lời 2 nguồn tin nói rằng ông Trump phải đối mặt với hơn 30 tội danh liên quan gian lận kinh doanh trong cáo trạng.

Văn phòng công tố viên Bragg cho biết họ đã liên lạc với các luật sư của ông Trump để sắp xếp điều khoản cho cựu tổng thống ra trình diện. Báo The Washington Post dẫn lời một nguồn tin cho biết ông Trump dự kiến ra hầu tòa tại Manhattan vào chiều 4.4 (giờ Mỹ).

Theo quy trình, khi bị cáo bị bắt giữ hoặc ra đầu thú, cảnh sát sẽ còng tay đưa người này đi lấy dấu vân tay và chụp ảnh (mugshot) lưu vào hồ sơ. Tuy nhiên, chưa từng có tiền lệ cho việc bắt giữ một cựu tổng thống như ông Trump. Vì vậy, có thể nhà chức trách sẽ thực hiện một số điều chỉnh. Cựu Tổng thống Trump cũng sẽ được các đặc vụ của Cơ quan Mật vụ Mỹ bảo vệ trong suốt quá trình ra trình diện.

Chính trường Mỹ bất định sau vụ truy tố ông Trump - Ảnh 1.

Ông Trump trong cuộc họp tại Nhà Trắng vào tháng 6.2020

Reuters

Việc ông Trump có phải ngồi tù hay không phụ thuộc không chỉ vào cáo trạng, mà còn vào bản án cuối cùng. Tờ The New York Times nhận định sau khi nghe cáo trạng, ông Trump gần như chắc chắn sẽ được cho về chứ không bị tạm giam. Cáo trạng có khả năng chỉ bao gồm các tội danh bất bạo động và các công tố viên không thể yêu cầu tạm giam bị cáo trong trường hợp này, theo luật của New York.

Chính trường Mỹ sục sôi

Ngay sau khi bị truy tố, cựu Tổng thống Trump ngày 30.3 đã ra tuyên bố nói ông hoàn toàn vô tội. Ông Trump cáo buộc đây là cuộc bức hại chính trị và can thiệp bầu cử nghiêm trọng nhất trong lịch sử. Hai luật sư Susan Necheles và Joseph Tacopina của ông Trump cho biết họ sẽ quyết liệt đấu tranh chống lại các cáo buộc.

CNN dẫn lời một nguồn tin Cộng hòa cho biết ông Trump còn kêu gọi các đồng minh chủ chốt trên Đồi Capitol, bao gồm các lãnh đạo đảng Cộng hòa, tăng cường hỗ trợ. Trong bài đăng trên Twitter, Chủ tịch Hạ viện Kevin McCarthy cáo buộc công tố viên Bragg đã gây thiệt hại không thể khắc phục cho nước Mỹ. Ông McCarthy cũng cho biết Hạ viện sẽ điều tra vụ việc để buộc tội ông Bragg và hành vi lạm dụng quyền lực.

Ông Trump cảnh báo "chết chóc và hủy diệt" nếu bị truy tố

Thậm chí 4 đối thủ tiềm năng của ông Trump trong cuộc cạnh tranh trở thành ứng viên tổng thống của đảng Cộng hòa cũng lên án bản cáo trạng. Theo Reuters, Thống đốc Ron DeSantis của Florida nói vụ truy tố là "chiêu trò" sử dụng hệ thống pháp luật phục vụ mục đích chính trị. Thượng nghị sĩ Tim Scott cho rằng đây là "trò hề", còn cựu Phó tổng thống Mike Pence nói vụ việc sẽ chia rẽ nước Mỹ. Ông Trump cũng nhận được sự ủng hộ của cựu Đại sứ Mỹ tại LHQ Nikki Haley, người đã tuyên bố tranh cử trong năm 2024.

Nhà Trắng và Tổng thống Joe Biden không đưa ra bình luận về vụ việc. Tuy nhiên, Thượng nghị sĩ Dân chủ Chuck Schumer, Lãnh đạo Đa số tại Thượng viện, đã kêu gọi các bên giải quyết vấn đề một cách bình tĩnh. "Tôi khuyến khích cả những người chỉ trích và ủng hộ ông Trump hãy để quá trình diễn ra một cách hòa bình và theo luật", ông Schumer nói.

Chính trường Mỹ bất định sau vụ truy tố ông Trump - Ảnh 2.

Cảnh sát đứng gác bên ngoài Tòa án Hình sự Manhattan ở New York ngày 30.3

Reuters

Tác động chính trị

Bản cáo trạng lịch sử của ông Trump khiến cuộc đua vào Nhà Trắng năm 2024 trở nên bất định hơn bao giờ hết. CNN nhận định vụ việc đã tạo ra một tiền lệ mới có thể sẽ khiến nước Mỹ thay đổi, dù bản án cuối cùng như thế nào đi nữa. Sẽ có những lo ngại rằng các tổng thống Mỹ trong tương lai sẽ dễ bị truy tố hơn. Tuy nhiên, nếu ông Trump thực sự phạm tội, việc cựu tổng thống không phải chịu trách nhiệm sẽ gửi đi thông điệp rằng kẻ mạnh có thể thoát khỏi những hành vi mà người Mỹ bình thường không thể làm được.

Các chiến lược gia và nhà phân tích chính trị cho biết những người ủng hộ trung thành của ông Trump sẽ không bị lay chuyển vì cựu tổng thống bị truy tố. Thậm chí, AP đưa tin ông Trump và nhóm vận động tranh cử hy vọng bản cáo trạng sẽ khơi dậy sự tức giận của những người ủng hộ và củng cố quyết tâm bỏ phiếu của họ. Sau khi bị truy tố, ông Trump đã ngay lập tức kêu gọi những người ủng hộ quyên tiền cho cuộc chiến pháp lý. Theo Reuters, ông Trump đã huy động được hơn 2 triệu USD kể từ ngày 18.3, khi cựu tổng thống nói rằng mình sắp bị bắt.

Một cuộc thăm dò gần đây của Reuters/Ipsos cho thấy ông Trump đang là người dẫn đầu trong đảng Cộng hòa trên đường đua tổng thống năm 2024. Tuy nhiên, vụ việc cũng đẩy ông Trump vào thế nguy hiểm. Các cuộc thăm dò dư luận cho thấy nhiều cử tri đảng Cộng hòa đang tìm kiếm một người thay thế cựu tổng thống. Bên cạnh đó, những tranh cãi xoay quanh ông Trump còn có thể làm lung lay thêm vị thế của đảng Cộng hòa tại các bang chiến trường vốn đã nghiêng về phe Dân chủ trong nhiều kỳ bầu cử gần đây.

Rủi ro xảy ra bất ổn

CBS News đưa tin Sở Cảnh sát New York (NYPD) đang huy động và chuẩn bị cho mọi nguy cơ bất ổn sau tin tức về vụ truy tố. NYPD cũng thông báo sẽ triển khai thêm lực lượng trên đường phố khắp 5 quận. Động thái này là điều cần thiết, với việc ông Trump ngày 24.3 đã cảnh báo về nguy cơ "chết chóc và hủy diệt" nếu phải đối mặt với cáo buộc hình sự.

Một số ít người ủng hộ ông Trump đã tập trung tại khu nghỉ dưỡng Mar-a-Lago của cựu tổng thống ở bang Florida vào ngày 30.3 và vẫy cờ dọc theo đường cao tốc. Trong khi đó, một số cuộc biểu tình chống ông Trump đã diễn ra tại New York cùng ngày.

Ông Trump có thể tiếp tục tranh cử hay không ?

Bản cáo trạng Tổng thống Trump phải đối mặt đã đặt ra một loạt câu hỏi pháp lý. Một trong số đó là liệu ông Trump có thể tranh cử tổng thống khi bị truy tố, hoặc thậm chí là bị kết tội, hay không?

Tạp chí Time dẫn lời giáo sư luật bầu cử Richard Hasen tại Trường Luật của Đại học California cho biết câu trả lời là "có". Theo hiến pháp Mỹ, một ứng viên tổng thống chỉ cần đáp ứng đủ 3 điều kiện: sinh ra ở Mỹ, trên 35 tuổi và đã sống ở Mỹ ít nhất 14 năm. Vì vậy, vụ việc dường như không có bất kỳ ảnh hưởng pháp lý nào đến chiến dịch tranh cử của ông Trump, ngay cả khi cựu tổng thống phải ở tù.

Tuy nhiên, một số rào cản trên thực tế có thể khiến việc tranh cử của ông Trump trở nên khó khăn hơn. Giáo sư luật hiến pháp Saikrishna Prakash tại Trường Luật của Đại học Virginia nói nếu phải ở tù, ông Trump sẽ không thể tham gia các cuộc mít tinh hay sự kiện tranh cử. Dù vậy, điều này không nhất thiết cản trở khả năng giành chiến thắng của cựu tổng thống.

Song, tình trạng pháp lý sẽ trở nên không rõ ràng nếu ông Trump tái đắc cử trong khi đối mặt với các cáo buộc hoặc bản án sắp được thi hành. Ông Prakash cho biết tổng thống đương nhiệm có quyền miễn trừ và không thể bị truy tố hoặc chịu án phạt.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.