Hầu như ở thời nào, ở xã hội nào cũng có người làm, người buôn và người dùng tiền giả, dù loại tội phạm này bị pháp luật trừng phạt rất nghiêm minh.
Thời gian gần đây, với sự phát triển của mạng xã hội, việc mua bán tiền giả thậm chí đã không còn lén lút, bí mật như ngày trước. Nhiều “địa chỉ ảo” kèm cả số điện thoại liên lạc công khai nhận đổi tiền với tỷ lệ cực kỳ hấp dẫn “1 đổi 10”, “1 đổi 20”..., kiểu như chỉ với 1 triệu đồng tiền thật có thể “mua” ngay 10 triệu đồng, thậm chí 20 triệu đồng tiền giả. Thời điểm cận tết bán mua hối hả, tấp nập cũng là thời điểm “dân chơi” tiền giả rục rịch kiếm ăn.
Nhận định được thực tế này, trong những ngày cuối cùng của năm 2020, Công an H.Vĩnh Linh (Quảng Trị) đã đánh sập đường dây sản xuất, tiêu thụ tiền giả liên tỉnh do Phạm Thanh Tưởng (27 tuổi, ngụ tổ 48 P.Hòa Hiệp Nam, Q.Liên Chiểu, TP.Đà Nẵng) cầm đầu, cùng 4 nghi phạm khác để điều tra về hành vi “làm, tàng trữ, vận chuyển, lưu hành tiền giả”.
Vụ việc này cho thấy, nhiều người vẫn còn rất mơ hồ về việc “mua bán” và “xài” tiền giả, ngoài một số muốn thu lợi, có không ít kẻ xem đó như một... trò chơi, cho vui. Thậm chí, nhiều người trẻ còn chia sẻ cho nhau vài tờ tiền giả để tiêu khiển, giữ làm “kỷ niệm“. Vậy nên, ý thức và nhận thức pháp luật của người dân vẫn luôn được ngành chức năng đề cao trong công cuộc chống tiền giả. Hơn hết lúc này, những người đang “mơ hồ” kiểu đó cần hiểu điều đơn giản rằng: Tiền có thể giả, nhưng chế tài của luật pháp (phạt tù) thì không.
Bình luận (0)