Sau đó chat group cũng chìm vào quên lãng bởi như vô số những chat group từ bạn bè, phụ huynh, đồng nghiệp, họ hàng…
Vậy mà từ sau cái tết đầu tiên của “năm cô vít” đến nay, cái chat group vốn đã mốc meo kia lại phát huy hiệu quả đến không ngờ, nhất là khi dịch Covid-19 bùng phát khắp nơi. Người lớn thì trao đổi những vấn đề “đại sự” như công việc, thu nhập, sức khỏe, thông tin bệnh dịch, chợ búa, giá cả… Rồi chia sẻ với nhau cách thức cài đặt và sử dụng phần mềm Bluezone nhằm truy vết tiếp xúc và cảnh báo người nhiễm Covid-19 bằng cách sử dụng giao thức BLE. Trong khi các bạn nhỏ cũng tha hồ “tám” với nhau đủ thứ chuyện trên đời. Từ cách học hành online ở trường mình rồi rủ nhau học cách làm bánh, làm đồ handmade, xếp giấy origami…
Nhân dịp nghỉ dài ngày, gia đình đã bàn bạc để tận dụng chất xám “cây nhà lá vườn” để chia sẻ, hướng dẫn các kỹ năng khác nhau cho con cháu trong nhà.
Anh chị tôi là giảng viên ngoại ngữ ở một trường đại học nên thông qua chat group đã hướng dẫn cả nhà kỹ năng tự học hiệu quả, cách học ngôn ngữ online, các chương trình học trực tuyến miễn phí.
Tôi thì hướng dẫn các cháu kỹ năng chọn lọc và chia sẻ những thông tin hữu ích lên chat group của gia đình để mọi người cùng tham khảo.
Là cô giáo dạy năng khiếu nên bà xã tôi đã chia sẻ với các bạn nhỏ trong nhà về kiến thức âm nhạc và dạy đàn online vào 3 buổi tối mỗi tuần.
Cậu em trai là thủ thư ở một trường cấp hai, lại là thành viên của một câu lạc bộ nhiếp ảnh, nên có điều thú vị để các cháu tha hồ “làm phiền”. Nào là tủ sách nào hay, tựa sách nào đã có bản PDF hoặc có thể đọc không mất tiền, cách chụp ảnh đẹp, bố cục, ánh sáng cho mỗi chủ đề ảnh.
Trong khi đó, với kiến thức của một cô giáo sinh học, cô em dâu của tôi lại thu hút các bạn nhỏ với các kỹ năng rất thực tế như pha chế nước rửa tay, giữ gìn sức khỏe, trồng cây này, nuôi con nọ…
Và bỗng dưng má tôi bỗng trở thành một Vlogger bất đắc dĩ. Chẳng qua là do cô cháu gái được trường cho nghỉ, chỉ học online đã rủ rê bà ngoại làm món này, nấu món nọ rồi quay thành clip đăng lên chat group cho những người ở xa thấy mà… thèm chơi.
Nhờ trao đổi thông tin mỗi ngày mà cả nhà như đang ở gần bên nhau, dù các gia đình nhỏ sống cách nhau hàng trăm cây số. Thành viên nào nhiều ngày không thấy “lên sóng” đều được quan tâm, thăm hỏi… Ngược lại, khi phát hiện các bạn nhỏ online nhiều thời gian, thì cũng được người lớn “thăm hỏi” theo cách đặc biệt hơn.
Từ chuyện đứa cháu trai ở dưới quê bị cha mẹ phạt vì nghe theo bạn đi hái trộm xoài của hàng xóm, sau đó được đại gia đình tuyên dương khi biết “phục thiện” qua việc lên mạng học làm khẩu trang từ khăn giấy rồi bỏ vô bao phát cho người đi đường. Rồi đến chuyện có gia đình vì lo lắng thái quá khi mang gần hết cái chợ về nhà trước thời điểm cách ly xã hội để rồi gạo với mì gói ăn đến… tết năm sau vẫn chưa hết được.
Từ kinh nghiệm gia đình sử dụng chat group trong giai đoạn cả nước đồng loạt giãn cách xã hội, tôi nghiệm ra rằng, nếu biết sử dụng đúng cách, đúng chỗ thì công nghệ chính là phương tiện để phòng chống dịch bệnh rất hiệu quả.
Bình luận (0)