Kết luận cuộc họp này, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhận định dịch vi rút Corona chủng mới (gọi tắt nCoV) là căn bệnh nguy hiểm, chưa có vắc xin, lây lan nhanh trong khi nước ta hội nhập quốc tế sâu rộng. Khách du lịch nhiều nước, trong đó có du khách Trung Quốc, đến đông. Việt Nam cũng có đường biên giới dài với Trung Quốc, nơi xuất hiện dịch. Hiện lượng du khách Trung Quốc ở Việt Nam còn đông, do đó, có nguy cơ lây lan dịch ở Việt Nam.
Chấp nhận thiệt hại về kinh tế để bảo vệ sức khỏe người dân
Ngừng tất cả các chuyến bay từ vùng có dịch đến Việt NamBộ trưởng GTVT vừa ban hành chỉ thị yêu cầu các đơn vị liên quan như Tổng cục Đường bộ, Cục Hàng không, Đường sắt Việt Nam, Hàng hải Việt Nam thực hiện Chỉ thị 05/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ về việc phòng chống dịch cúm do vi rút Corona gây ra. Cụ thể, phối hợp với ngành y tế tổ chức kiểm soát chặt chẽ hành khách nhập cảnh tại các cửa khẩu (đường bộ, đường thủy, đường hàng không). Nếu phát hiện các trường hợp nghi ngờ mắc bệnh (sốt, ho, khó thở) tổ chức cách ly, quản lý kịp thời; có các phương án đáp ứng hiệu quả phù hợp với tình hình dịch. Chia sẻ các thông tin về họ tên, tuổi, số hộ chiếu, lịch trình đi lại trong vòng 14 ngày gần nhất, số ghế ngồi trên các phương tiện vận tải, địa chỉ nơi cư trú tại Việt Nam, thông tin liên hệ và số điện thoại nếu có của công dân các nước nhập cảnh vào Việt Nam được phát hiện mắc bệnh, nghi ngờ mắc bệnh viêm đường hô hấp cấp do nCoV và những tiếp xúc gần với người mắc bệnh theo yêu cầu của các tổ chức kiểm dịch y tế tại các cửa khẩu hoặc cơ quan y tế có thẩm quyền. Đặc biệt, Bộ GTVT yêu cầu Cục Hàng không Việt Nam tạm thời ngừng cấp phép các chuyến bay từ Việt Nam đến vùng có dịch của Trung Quốc và ngừng tất cả các chuyến bay từ vùng có dịch đến Việt Nam. Đồng thời, khuyến cáo hạn chế các chuyến bay đi, đến các khu vực đang có dịch tại Trung Quốc.
Mai Hà
|
Thủ tướng cũng giao thành lập cơ quan chỉ đạo cấp quốc gia về phòng, chống dịch nCoV do Phó thủ tướng Vũ Đức Đam đứng đầu và yêu cầu cần thông tin thường xuyên, nhất là các biện pháp phòng ngừa chủ động, không gây hoang mang cho người dân cũng như khuyến nghị người dân không đến các nơi tập trung đông người. Đặc biệt, Thủ tướng nhấn mạnh, Chính phủ chấp nhận một số thiệt hại về kinh tế để bảo vệ tính mạng, sức khỏe người dân.
|
Ngay sau chỉ đạo của Thủ tướng, Tổng cục Du lịch đã ra liên tiếp 3 văn bản liên quan đến dịch viêm phổi Vũ Hán. Trong văn bản mới nhất, Tổng cục Du lịch đề nghị các đơn vị trên quản lý và theo dõi chặt lịch trình, tình hình sức khỏe, hạn chế di chuyển đối với du khách Trung Quốc, khách du lịch nước ngoài đã qua vùng dịch nhập cảnh Việt Nam trong 14 ngày theo khuyến cáo của cơ quan y tế có thẩm quyền. Tổng cục Du lịch cũng đề nghị theo dõi chặt chẽ tình hình dịch bệnh viêm phổi Vũ Hán; tạm dừng tổ chức các đoàn khách du lịch tới các tỉnh, TP Trung Quốc đang có dịch, có người mắc bệnh dịch, không đón khách du lịch từ vùng có dịch vào Việt Nam.
Ngày 29.1, Bộ trưởng Bộ VH-TT-DL cũng có công điện gửi chủ tịch UBND các tỉnh, TP trực thuộc T.Ư, đề nghị sở VH-TT-DL, sở du lịch, chính quyền địa phương... theo dõi tình hình dịch bệnh, yêu cầu các doanh nghiệp (DN) tạm dừng các đoàn khách du lịch tới các tỉnh, TP Trung Quốc đang có dịch, có người nhiễm bệnh và không đón khách du lịch từ vùng có dịch vào Việt Nam... đồng thời tuyên truyền người dân không đi du lịch đến vùng có dịch.
Còn ông Phạm Cao Vỹ, Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Sa Pa (Lào Cai), cho biết trước và trong Tết Nguyên đán hằng năm là mùa cao điểm khách du lịch Trung Quốc đến Sa Pa. Mùa du lịch tết năm nay, nhiều DN làm hợp đồng đặt trước cả vài trăm phòng đón khách Trung Quốc nhưng đến nay đều đã thông báo hủy tour, ngừng đón khách đến Sa Pa.
Hủy nhiều tour du lịch
Tạm thời không cấp thị thực du lịch cho người đến từ vùng có dịch viêm phổi Vũ HánNgày 29.1, Bộ Công an có điện gửi các đơn vị trực thuộc, công an các tỉnh, TP trực thuộc T.Ư yêu cầu tăng cường công tác phòng, chống dịch bệnh viêm phổi cấp do chủng mới của vi rút Corona gây ra. Trong công điện, lãnh đạo Bộ Công an yêu cầu lực lượng quản lý xuất nhập cảnh tạm thời không giải quyết cấp thị thực du lịch vào Việt Nam đối với những người đến từ vùng có dịch bệnh viêm phổi Vũ Hán. Công an các đơn vị, địa phương phối hợp các bộ, ngành liên quan kiểm soát chặt chẽ việc xuất nhập cảnh tại các cửa khẩu đường bộ, đường không, đường biển (cả người và hàng hóa, đặc biệt là nghiêm cấm việc nhập, vận chuyển động vật hoang dã vào Việt Nam), có biện pháp soi chiếu, sàng lọc, kiểm dịch y tế nghiêm ngặt tại các cửa khẩu; tham mưu chính quyền địa phương tuyên truyền, vận động người dân không qua lại đường mòn, lối mở biên giới tới các vùng dịch bệnh tại Trung Quốc để phòng ngừa bị lây nhiễm bệnh. Đáng chú ý, Bộ Công an cho biết, lợi dụng diễn biến phức tạp của dịch bệnh, số đối tượng phản động, chống đối trong và ngoài nước đã đăng tải, phát tán lên không gian mạng các thông tin không đúng sự thật, xuyên tạc tình hình liên quan đến dịch bệnh tại Việt Nam, gây hoang mang trong dư luận người dân; tiềm ẩn nguy cơ gây mất an ninh, trật tự. Bộ Công an yêu cầu công an các đơn vị, địa phương tăng cường kiểm tra, phát hiện, ngăn chặn, xử lý các đối tượng tung tin thất thiệt về tình hình dịch bệnh; chủ động kế hoạch, phương án phòng, chống, tham gia dập tắt dịch bệnh và bảo đảm an ninh, trật tự trong tình huống có dịch bệnh bùng phát.
Trong một diễn biến liên quan, trưa 28.1, Công an Bình Thuận đã triệu tập bà Nguyễn Thị Liên Dung (34 tuổi, trú P.Phú Tài, TP.Phan Thiết) để làm rõ thông tin bà này đăng trên mạng xã hội. Tại trụ sở Công an P.Phú Tài, bà Dung thừa nhận chính mình là người tung tin “Tình hình ở Bệnh viện An Phước có 6 người nghi nhiễm vi rút Corona, đã bị nhốt cách ly”. Ngay sau đó, trả lời Thanh Niên, bác sĩ Lê Văn Anh - Phó giám đốc Bệnh viện đa khoa An Phước, khẳng định: “Từ trước Tết Nguyên đán đến nay bệnh viện không khám chữa bệnh cho bất cứ bệnh nhân nào người Trung Quốc. Thông tin trên mạng xã hội là hoàn toàn sai sự thật”.
Hiện công an đã lập biên bản, lấy lời khai của người đưa tin sai sự thật này gửi đến Sở Thông tin - Truyền thông Bình Thuận để xử lý theo quy định của pháp luật.
Thái Sơn - Quế Hà
|
Trao đổi với PV Thanh Niên, một lãnh đạo Sở Du lịch Quảng Ninh cho biết, lượng khách Trung Quốc nhập cảnh vào Việt Nam qua cửa khẩu quốc tế Móng Cái dịp Tết Nguyên đán chỉ bằng 1/3 so với cùng kỳ 2019. Trong khi đó, tại khu du lịch Bãi Cháy (TP.Hạ Long, Quảng Ninh), do ảnh hưởng của dịch bệnh khiến dòng khách “tour 0 đồng” đã vắng hẳn. Các cửa hàng chuyên phục vụ đối tượng khách này rơi vào tình cảnh “cửa đóng then cài”.
Cũng từ mùng 2 tết (ngày 26.1), Giáo xứ Chánh tòa tại TP.Đà Nẵng thông báo tạm đóng cửa nhà thờ Chánh tòa (nhà thờ Con Gà) vì lo ngại vi rút Corona. Đây là địa điểm yêu thích của du khách nước ngoài, đông nhất là du khách Hàn Quốc, Trung Quốc. Trước đó, từ 30 tết (ngày 24.1), khách sạn Riverside trên đường Trần Hưng Đạo (Q.Sơn Trà) cũng từ chối nhận đoàn khách đến từ Trung Quốc và hoàn lại tiền đã đặt hơn chục phòng lưu trú. Chủ khách sạn cho biết chấp nhận thiệt hại về kinh tế để đảm bảo an toàn cho cán bộ nhân viên và du khách đang lưu trú tại khách sạn, người dân và du khách Đà Nẵng nói chung... Từ mùng 3 tết (ngày 27.1), Sở Du lịch TP.Đà Nẵng cũng yêu cầu các công ty lữ hành tạm dừng đón khách từ Trung Quốc đến TP.Đà Nẵng.
Căng sức ngăn chặn vi rút corona xâm nhập Việt Nam
Du khách Trung Quốc mua khẩu trang về làm “quà”Sáng 29.1, ghi nhận của PV Thanh Niên tại TP.Móng Cái (Quảng Ninh), các cửa hàng bán khẩu trang hầu như rơi vào tình cảnh “cháy hàng”. Tại các cửa hàng vật tư y tế trên địa bàn TP.Móng Cái, mỗi chiếc khẩu trang than hoạt tính có giá bán lẻ 10.000 đồng/chiếc, trong khi thời điểm chưa có dịch chỉ 2.000 đồng/chiếc. Tuy nhiên, mỗi người chỉ được mua mỗi lần 1 hộp. Còn tại cửa khẩu quốc tế Móng Cái, khu vực xuất cảnh dễ dàng trông thấy cảnh người Trung Quốc “tay xách nách mang” những túi khẩu trang hoạt tính về nước. Bà Lương Vĩ Hồng (60 tuổi, du khách đến từ Quảng Tây, Trung Quốc) nói: “Tôi nghe người nhà nói rằng ở Trung Quốc, người dân mua khẩu trang quá nhiều, nên mặt hàng này hiện đang khan hiếm. Tiện chuyến đi du lịch, tôi mua khẩu trang về dùng và làm quà biếu cho người thân".
Không chỉ chiếc khẩu trang y tế (giá trị thực bán tại hiệu thuốc là 2.000 - 3.000 đồng/cái) được bán với giá 35.000 đồng/chiếc tại sân bay Nội Bài bị phản ứng dữ dội trên mạng, cùng ngày (27.1), một du khách đi Hội An cũng chia sẻ hóa đơn mua 3 khẩu trang y tế như trên với giá 150.000 đồng tại siêu thị nhỏ ở Hội An. Cũng loại khẩu trang y tế loại thường này, tại một số điểm vui chơi giải trí khu vực miền Trung, giá bán lẻ từ 10.000 - 20.000 đồng/cái trong những ngày tết, sau thông tin về nguy cơ nCoV đang lan tràn trên diện rộng. Loại khẩu trang cao cấp có van thở 3M với chức năng kháng khuẩn, chống bụi mịn, siêu vi rút được bán giá 20.000 - 25.000 đồng/chiếc vào cuối tháng 12.2019, nay được một số tiệm thuốc ở TP.Đà Nẵng và Huế “hét” giá 40.000 - 50.000 đồng/chiếc cho những khách mua vội ra sân bay. Đặc biệt, trên một số trang mạng, hộp khẩu trang 3M đạt chỉ số N95 lọc các loại hạt bụi siêu nhỏ và vi rút, giá bán từ 500.000 - 700.000 đồng/hộp 25 chiếc nay được bán giá 1,15 triệu đồng/hộp 25 chiếc, bán lẻ 99.000 đồng/chiếc. Loại thứ 2 là Uni-charm 3D dành cho trẻ em gói 3 cái giá 15.000 đồng tại các cửa hàng tiện lợi, nay gói 3 cái lên gấp đôi 30.000 đồng. Tương tự, loại cho người lớn ngày thường bán giá 4.000 - 5.000 đồng/chiếc, giá bán lẻ 10.000 đồng/chiếc tại một số quầy thuốc, trên mạng rao giá 280.000 đồng/100 cái. Dược sĩ tại quầy thuốc Mạnh Tý (TP.Huế, Thừa Thiên-Huế) cho biết, từ ngày có thông tin lan tràn có tính đe dọa và mất kiểm soát của nCoV, lượng khẩu trang bán ra cao gấp 10 lần so với trước, nhưng thông tin người tiêu dùng nắm được tính năng sử dụng khẩu trang khá mơ hồ.
Ng.Nga - L.N.Hiếu
|
Các tỉnh miền Tây Nam bộ cũng đang khẩn trương thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về công tác ứng phó với nCoV. Ngày 29.1, ông Phạm Tấn Hòa, Phó chủ tịch UBND tỉnh Long An, cho biết thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, UBND tỉnh này đã phát đi công văn chỉ đạo Sở Y tế, Sở Công thương chủ trì, phối hợp với quân sự, công an, hải quan, chính quyền các địa phương, đặc biệt là những nơi có QL1 đi qua và biên giới tiếp giáp với Campuchia… Tại Kiên Giang, UBND tỉnh đã ra văn bản chỉ đạo các sở, ngành và các huyện, thị trong tỉnh tăng cường phòng, chống dịch bệnh. Theo đó, UBND tỉnh chỉ đạo tổ chức kiểm soát chặt chẽ hành khách nhập cảnh tại các cửa khẩu (đường bộ, đường thủy, đường hàng không), đặc biệt là Cảng hàng không quốc tế Phú Quốc để kịp thời phát hiện và xử lý các trường hợp nghi ngờ nhiễm nCoV. Ngoài ra, Đội kiểm dịch quốc tế của tỉnh Kiên Giang đã có mặt túc trực tại Cảng hàng không quốc tế Phú Quốc để thực hiện công tác kiểm dịch.
Chiều 29.1, bà Nguyễn Thị Hồng Phượng, Giám đốc Cảng hàng không Liên Khương (Lâm Đồng), cho biết lúc 2 giờ 50 ngày 30.1, chuyến bay của Hãng hàng không Qingdao Airlines sẽ đưa 175 hành khách người Trung Quốc từ Đà Lạt về tỉnh Cam Túc (Trung Quốc). Trước đó, chiều đến của chuyến bay này không chở hành khách nào. Hãng hàng không Qingdao Airlines cũng đã thông báo sẽ hủy tất cả các chuyến bay trên tuyến này từ ngày 1 - 9.2.
Bình luận (0)