Điểm sản xuất tự chủ phương án phòng chống dịch
Cụ thể, các hiệp hội đề nghị không áp dụng phong tỏa; cách ly theo vùng địa lý, quản lý, phòng chống dịch theo điểm (điểm dân cư, điểm dịch vụ, điểm sản xuất, các điểm có F0 là điểm đỏ). Tập trung quản lý dịch bệnh bằng việc xét nghiệm định kỳ và xác suất tại các điểm. Lấy tổ dân phố, tổ phòng chống Covid cộng đồng làm nòng cốt phòng chống dịch tại các điểm dân cư. Các tổ chức, doanh nghiệp (DN) chủ động sắp xếp số lao động tham gia làm việc tại các điểm.
Điểm sản xuất tự chủ lập phương án phòng chống dịch, thực hiện 5K; xét nghiệm xác suất 10% lao động với tần suất 7 ngày/lần. Bộ Y tế hướng dẫn rõ ràng cho DN về quy tắc xét nghiệm Covid-19 trong nhà máy, DN. Điểm sản xuất tổ chức sản xuất theo khu vực, giờ ăn linh hoạt, hạn chế tiếp xúc; phun khử khuẩn hằng ngày. Khi có F0, khoanh vùng, tách F0, F1, chủ động phương án cách ly, điều trị, khôi phục sản xuất trong ngày, đồng thời thông báo cho y tế địa phương.
Tại điểm dân cư, đối với điểm căn hộ, chỉ cách ly căn hộ có F0. Căn hộ khác trong tòa nhà nếu xét nghiệm âm tính thì không phải cách ly. Cách ly cả tầng nếu có 2 căn hộ trở lên có F0 trong cùng một tầng. Cách ly cả tòa nhà nếu có F0 từ 5 tầng khác nhau trở lên. Đối với điểm căn nhà, chỉ cách ly căn nhà có F0. Cách ly cả ngõ, phố nếu có trên 5 căn nhà cùng có F0.
Đặc biệt, các hiệp hội đề xuất việc thống kê y tế, thử nghiệm phòng chống dịch chi phí thấp. Theo đó, Bộ Y tế theo dõi thống kê dữ liệu dịch bệnh, độ tuổi, nhóm máu, bão Cytokine, tỷ lệ nhiễm bệnh khi đã tiêm 1 hoặc 2 mũi vắc xin Covid-19, thời gian vắc xin hết tác dụng, nguyên nhân tử vong để có cơ sở khoa học trong phòng chống dịch. Tổng kết việc thử nghiệm lâm sàng đối với các loại thuốc đã đưa vào điều trị. Cho thử nghiệm và đánh giá việc phòng bệnh và điều trị F0 bằng các dược liệu phổ biến và rẻ tiền tại VN.
Cần lập các tổ công tác hỗ trợ doanh nghiệp
Để phục hồi kinh tế, ông Trần Quang Trung, Chủ tịch Hiệp hội Sữa VN, cho biết 14 hiệp hội DN mong muốn Chính phủ chỉ đạo Ngân hàng Nhà nước các bộ ngành liên quan thực hiện miễn, giảm các loại thuế, phí, tiền điện, nước, các biện pháp đã nêu trong Nghị quyết 105... Đối với cá nhân, hộ kinh doanh, DN vừa và nhỏ, cho phép cộng lãi suất ngân hàng vào dư nợ gốc trong 24 tháng; gia hạn nợ 12 tháng đối với dư nợ ngắn hạn, 24 tháng đối với nợ trung, dài hạn.
Chính phủ hỗ trợ các nhà máy, cụm nhà máy, khu công nghiệp lập các cơ sở lưu trú, lập các trạm y tế tại chỗ hoặc lưu động để triển khai phòng, chống dịch. Các tỉnh thành cần thành lập tổ công tác hỗ trợ DN, là thành viên Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch; có kênh liên lạc trực tiếp với Tổ công tác đặc biệt của Thủ tướng để kịp thời giải quyết các vấn đề của DN. Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch địa phương cần tăng thêm các đại diện của khối kinh tế, trong đó có đại diện các DN và hiệp hội.
Bà Nguyễn Thị Hồng Minh, Chủ tịch Hiệp hội Thực phẩm minh bạch, cho rằng tinh thần cao nhất của cộng đồng DN là luôn chung tay với Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ, cùng với cách tiếp cận chống dịch linh hoạt mới, yêu cầu khởi động lại nền kinh tế là rất cấp bách để đảm bảo cả 3 trụ cột y tế, kinh tế, xã hội như “kiềng 3 chân”. Cộng đồng DN rất hoan nghênh Thủ tướng Chính phủ tại cuộc họp ngày 29.8 đã xác định quan điểm “phải sống chung lâu dài với dịch bệnh, không thể khống chế tuyệt đối, phải thích ứng và có cách làm phù hợp, tức là chuyển từ mục tiêu “zero Covid” hiện nay sang mục tiêu “sống chung với Covid”. Quan điểm này phù hợp với quan điểm của WHO nêu ngày 7.9 và của nhiều quốc gia trên thế giới.
Bình luận (0)