Chủ tịch Hội Nhà văn TP.HCM: “Nhà thơ Phùng Hiệu luôn đau đáu trước thời cuộc“

Lê Công Sơn
Lê Công Sơn
01/11/2019 14:18 GMT+7

Sáng 1.11 tại TP.HCM, Hội Nhà văn TP.HCM và nhà thơ Phùng Hiệu đã tổ chức buổi ra mắt tập thơ mới “Biên bản thặng dư” của anh, với những nỗi niềm trắc ẩn giàu cảm xúc do NXB Hội Nhà văn vừa ấn hành.

Tham dự buổi ra mắt tác phẩm mới của nhà thơ Phùng Hiệu có nhạc sĩ Trần Long Ẩn, Chủ tịch Liên hiệp các Hội VHNT TP.HCM;  nhà văn Trần Văn Tuấn, Chủ tịch Hội Nhà văn TP.HCM cùng hai Phó Chủ tịch Hội Nhà văn TP.HCM: Phạm Sỹ Sáu, Phan Hoàng và đông đảo đồng nghiệp, các bạn yêu thơ.
Đồng cảm với những người lao động
Nhà thơ Phùng Hiệu sinh ra tại Đà Nẵng, lớn lên tại quê nhà  rồi vào Đồng Nai lập nghiệp, sau này lưu lạc mưu sinh tại TP.HCM. Anh hiện là Chi hội trưởng Chi hội Nhà văn Bến Nghé, chủ biên trang Văn Chương phương Nam của Hội Nhà văn TP.HCM. Vì từng có một tuổi thơ khó nhọc nên nhà thơ Phùng Hiệu luôn đồng cảm với những người lao động có cảnh đời khó khăn. 

Ban Nhà văn nữ tặng hoa chúc mừng nhà thơ Phùng Hiệu

Nhà thơ Phan Hoàng: "Thơ của Phùng Hiệu ngày càng chắc tay và Biên bản thăng dư tạo cho tôi sự kinh ngạc"

Sau nhiều tập thơ: Tình không dám ngỏ, Thức giấc, Dấu chân biển cả, Trong thế giới ngụy trang thì đến Biên bản thặng dư, giọng thơ của Phùng Hiệu trở nên chín muồi với những câu thơ trĩu nặng và đi vào lòng người: "Chợt một ngày tôi nhận ra tôi/Từng lang thang dưới bầu trời chữ nghĩa/Tôi nghe được tiếng hát của mưa/Tiếng cười của nắng/Tiếng nói của cỏ cây/Tiếng rên của mây/Tiếng buồn của đất/Tiếng núi đồi hoa cỏ yêu nhau... Tôi nghĩ thế giới này có thể sẽ mất đi/Nhưng còn lại vần thơ nhân cách" (Ngôn ngữ lên ngôi). Nhờ làm báo, gắn bó với lĩnh vực xây dựng, tác giả tập thơ đã đến tận công trường, len vào các công ty, xí nghiệp, nhà máy để tận mắt chứng kiến đời sống của những người lao động. Anh nghe được tiếng đời của những công nhân nhà máy, tiếng thở than của chị phụ hồ, lời trần tình của anh phu bốc vác, tiếng ta thán của những cô gái lầm lạc mưu sinh…
Nhà thơ đã nhìn thấy được “những mảnh đời loang lổ dấu chân đêm”, từ những em bé đánh giày trên vỉa hè thành phố đến những góa phụ quét rác thâu đêm, anh công nhân tăng ca về sáng. Xót xa hơn, anh còn nhìn thấy được cái chết của anh thợ xây trên công trường do tai nạn rơi xuống từ tầng 9, hay một chị công nhân bị cướp đi sinh mạng trong khu rừng cao su hoang vắng.

Bìa tập thơ mới xuất bản của nhà thơ Phùng Hiệu

Nhà thơ Phùng Hiệu luôn quan tâm đến những vấn đề thời sự và đời sống người lao động

Nhà thơ Khánh Chi - Ủy viên Hội đồng Thơ, Hội Nhà văn Việt Nam nhận xét: “Những câu thơ như: Anh lê những bước chân về phía công trường/ Lót vào lòng nắm xôi lên giá/ Anh không dám châm vào chiếc xe cà tàng giọt xăng đắt đỏ/ Đành đi bộ mỗi ngày đến trước bình minh… Hay: Chị rã bời rời khỏi xưởng may/ Và vội vã bước chân về sáng/ Đêm đã lắng tiếng đời đã cạn/ Phố sang ngày/ Trăng ngả phía tăng ca… Những hình ảnh ở đâu đó, trong những bài thơ khác, thơ tình chẳng hạn, có thể rất lãng mạn, nhẹ nhõm. Thế mà trong thơ của Phùng Hiệu, nổi trôi những bình minh và trăng sáng ấy trên phận người, lại khiến nó ngân lên một nỗi buồn khó tả".
Phát biểu tại buổi lễ ra mắt tập thơ, nhà văn Trần Văn Tuấn – Chủ tịch Hội Nhà văn TP.HCM cho rằng: “Phùng Hiệu là nhà thơ luôn đau đáu trước thời cuộc. Mỗi khi có sự kiện gì thời sự, anh đều nhanh nhạy phản ánh vào thơ, nhất là những vấn đề chủ quyền, biển đảo đang thu hút sư quan tâm của dư luận. Anh luôn dấn thân, sống hết sức có trách nhiệm trong vai trò một công dân và một nhà thơ - phẩm chất đang rất cần ở những cây bút trẻ hiện nay”.
Còn Phó Chủ tịch Hội Nhà văn TP.HCM Phạm Sỹ Sáu khi lên phát biểu, ông đưa cao tập thơ của Phùng Hiệu, khẳng định: “Đây cũng là giá trị thặng dư mà anh Phùng Hiệu nhận được từ quá trình lao động cật lực cùng người lao động. Dưới góc nhìn của nhà thơ, mọi thứ không chỉ là ca tụng về tình yêu đôi lứa mà ở đó còn có những ánh mắt nhìn thẳng vào dòng chảy chân thực của đời sống hiện tại, tình cảm rất đáng quý và trân trọng của nhà thơ Phùng Hiệu dành cho những người đã tạo ra thặng dư cho cuộc đời này”.
 
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.