Chủ tịch TP.HCM: 'Chấm dứt ngay việc chờ góp ý bằng văn bản'

01/04/2023 15:03 GMT+7

'Gần đây, một số sở phản ánh lấy ý kiến các sở khác nhưng chưa phản hồi nên phải chờ. Tôi đề nghị chấm dứt việc này', Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi nói.

Yêu cầu trên được Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi kết luận trong phiên họp kinh tế - xã hội của UBND TP.HCM sáng 1.4. 

Sau khi Tổng cục Thống kê công bố tăng trưởng kinh tế TP.HCM chỉ 0,7% trong quý 1/2023, ông Phan Văn Mãi cho biết, báo chí và mạng xã hội những ngày qua đã đặt nhiều câu hỏi về việc "điều gì đang xảy ra", "thành phố đang gặp vấn đề gì?".

Ông Phan Văn Mãi cho rằng cần suy nghĩ nghiêm túc, xác định hành động trọng tâm, quyết liệt để sớm thoát khỏi tình trạng này và tiếp tục vươn lên. 

"Khó khăn của đại dịch Covid-19 rất lớn nhưng chúng ta cũng đứng dậy đi tới. Khó khăn lần này không nhỏ nhưng chắc chắn chúng ta cũng phải đứng dậy đi tới", ông Mãi nói.

Nêu nhiệm vụ, giải pháp trong tháng 4 và quý 2/2023, Chủ tịch UBND TP.HCM yêu cầu từng sở, ngành, địa phương, mỗi cán bộ, công chức, viên chức phải rà soát lại công việc với tinh thần trách nhiệm cao nhất, thực hiện tốt nhất chức trách, nhiệm vụ.

Chủ tịch TP.HCM: 'Chấm dứt ngay việc chờ góp ý bằng văn bản' - Ảnh 1.

Ông Phan Văn Mãi tại cuộc họp

T.N

Đối với nhóm công việc cần sự phối hợp giữa các cơ quan chuyên môn, ông Phan Văn Mãi dẫn lại quy chế phối hợp và yêu cầu các đơn vị không chờ đợi nhau khi xin ý kiến. Trong thời gian nhất định, nếu đơn vị được xin ý kiến không phản hồi thì coi như đồng ý.

"Gần đây, một số sở phản ánh lấy ý kiến các sở khác nhưng chưa phản hồi nên phải chờ. Tôi đề nghị chấm dứt việc này", ông Mãi yêu cầu và giao Văn phòng UBND TP.HCM tổng hợp danh sách đơn vị không trả lời để có hình thức nhắc nhở.

Các sở ngành cần xác định dự án tồn đọng cần tập trung xử lý trong quý 2/2023, báo cáo trước ngày 15.4

Ông Phan Văn Mãi, Chủ tịch UBND TP.HCM

Hiện các Sở: QH-KT, TN-MT, KH-ĐT, Xây dựng, LĐ-TB-XH và Văn phòng UBND TP.HCM đang dẫn đầu danh sách các đơn vị có nhiều vấn đề tồn đọng. Lãnh đạo thành phố yêu cầu 6 cơ quan này rà soát, phân nhóm và công bố lên trang web các dự án chậm trễ.

Ngoài ra, 138 dự án bất động sản gặp vướng mắc mà Hiệp hội Bất động sản TP.HCM đề nghị tháo gỡ cũng sẽ được phân nhóm ưu tiên xử lý. 

"Các sở ngành cần xác định dự án tồn đọng cần tập trung xử lý trong quý 2, báo cáo trước ngày 15.4", ông Mãi nêu mốc thời gian xử lý.

Xem nhanh 12h ngày 1.4: Diễn biến vụ vợ chồng bấm được 4 ‘siêu biển số’ | Bí ẩn 2 vụ trộm xe giống hệt nhau

Tăng tốc đầu tư công, gỡ khó cho doanh nghiệp

Công tác giải ngân vốn đầu tư công tại TP.HCM đang đi vào vết xe cũ của năm 2022 khi quý 1/2023 giải ngân chưa tới 1.000 tỉ đồng, đạt khoảng 2% số vốn đã giao là hơn 43.400 tỉ đồng. 

Trong cơ cấu tổng vốn đầu tư công, 4 ban quản lý dự án lớn (đường sắt, giao thông, hạ tầng, dân dụng và công nghiệp) chiếm 67%. Đối với Ban Giao thông, dự án Vành đai 3 chiếm 80% vốn trong năm 2023.

Với vai trò dẫn dắt của đầu tư công, Chủ tịch Phan Văn Mãi yêu cầu 4 ban quản lý, chủ đầu tư dự án trọng điểm thường xuyên cập nhật tiến độ, đôn đốc giải quyết các vướng mắc phát sinh.

Trong tháng 4.2023, kỳ họp chuyên đề của HĐND TP.HCM dự kiến sẽ thông qua nhiều tờ trình quan trọng như điều chỉnh kế hoạch đầu tư công trung hạn 2021 - 2025, kế hoạch đầu tư công năm 2023 cùng một số dự án khác.

Chủ tịch TP.HCM: 'Chấm dứt ngay việc chờ góp ý bằng văn bản' - Ảnh 3.

Lãnh đạo TP.HCM yêu cầu tăng tốc giải ngân đầu tư công trong những tháng tới

H.MAI

Ông Phan Văn Mãi cũng yêu cầu chuẩn bị sẵn các dự án để khi nhận được khoản tiền thu vượt kế hoạch năm 2022 (dự kiến khoảng 7.200 tỉ đồng) thì triển khai ngay. 

Bên cạnh đó, Sở Tài chính và Sở Tư pháp khẩn trương hoàn thiện thủ tục để mua sắm tài sản công sau thời gian dài bị đình trệ.

Liên quan đến các khó khăn của doanh nghiệp, Chủ tịch TP.HCM đề nghị cần tập trung tháo gỡ các thủ tục về đất đai, đầu tư, xây dựng, PCCC; thủ tục hoàn thuế cho doanh nghiệp, giới thiệu các gói tín dụng chung cả nước. 

Đối với gói tín dụng riêng của hệ thống ngân hàng tại TP.HCM khoảng 80.000 tỉ đồng và 100 triệu USD, các ngân hàng cần công khai lĩnh vực, điều kiện, hồ sơ để doanh nghiệp tiếp cận vốn.

Đối với chương trình kích cầu, ông Phan Văn Mãi cho biết trong nghị quyết thay thế Nghị quyết 54/2017, TP.HCM đề xuất dùng ngân sách để kích cầu, hỗ trợ lãi suất. Nếu Quốc hội thông qua tại kỳ họp tháng 5.2023 thì trong tháng 7.2023, thành phố có thể triển khai.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.