Những ai sai phạm liên quan dự án Thủ Thiêm sẽ bị xử lý đích đáng
'Chúng tôi xác định rất rõ giải quyết vấn đề Thủ Thiêm trên cơ sở lợi ích của người dân Thủ Thiêm. Những cá nhân sai phạm liên quan dự án sẽ bị xử lý đích đáng', Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thành Phong nói.
Tự động phát
Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thành Phong lần thứ 3 tiếp người dân Thủ Thiêm
Thủ Thiêm được xem là một "siêu dự án" về đô thị mới, khi có đến khoảng 15.000 hộ dân với khoảng 60.000 nhân khẩu có nhà đất trên địa bàn 5 phường: Bình An, Bình Khánh, An Khánh, Thủ Thiêm và An Lợi Đông (Q.2) thuộc diện di dời, giải tỏa.
Kể từ khi Thủ tướng Chính phủ quyết định phê duyệt đến nay, Thủ Thiêm với mục tiêu xây dựng trở thành trung tâm tài chính, thương mại tầm cỡ và hiện đại đã trải qua 22 năm triển khai quy hoạch với 4 đời Chủ tịch UBND TP.HCM: ông Võ Viết Thanh (1996 - 2001); ông Lê Thanh Hải (2001 - 2006), ông Lê Hoàng Quân (2006 - 2015), và đương nhiệm là ông Nguyễn Thành Phong. Trong 22 năm triển khai quy hoạch Thủ Thiêm, việc phát sinh khiếu nại, tố cáo xảy ra gần 20 năm qua, khi TP.HCM tiến hành thu hồi đất.
Các khiếu nại, tố cáo phát sinh "đỉnh điểm" kéo dài từ giai đoạn 2004 đến nay, chủ yếu liên quan đến ranh quy hoạch, chính sách đền bù giải tỏa còn một số bất cập mà người dân cho là chưa thỏa đáng, vi phạm quy định pháp luật về đất đai.
Liên quan đến những khiếu nại, tố cáo của người dân Thủ Thiêm, trong một thời gian dài, Thanh tra Chính phủ đã có 4 báo cáo kết luận; các bộ, ngành cũng có hàng loạt văn bản đề nghị giải quyết. Đặc biệt, Thủ tướng Chính phủ đã 14 lần có văn bản yêu cầu Chủ tịch UBND TP.HCM giải quyết đúng pháp luật.
Tuy nhiên, cho đến ngày 7.9 vừa qua, khi Thanh tra Chính phủ ban hành thông báo kết luận số 1483, tái khẳng định nhiều sai phạm xảy ra ở Thủ Thiêm, việc khiếu nại của người dân "là có cơ sở", đồng thời kiến nghị giải quyết cụ thể nhiều nội dung, chính quyền TP.HCM mới chính thức triển khai kế hoạch "giải quyết vấn đề Thủ Thiêm" một cách có hệ thống.
Hai luồng ý kiến qua 2 lần tiếp dân
Để có thể xây dựng, hoàn chỉnh chính sách mới liên quan đến việc tái bồi thường, hỗ trợ cho các hộ dân có nhà đất bị thu hồi, giải tỏa từng chịu thiệt thòi do chính sách trước đây còn bất cập, đặc biệt là các hộ dân được xác định ngoài ranh quy hoạch Thủ Thiêm, trong kế hoạch giải quyết của TP.HCM, Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thành Phong dự kiến tiếp dân 3 lần.
Lần 1 tiếp dân tổ chức vào ngày 18.10, chủ yếu tiếp các hộ dân trong phạm vi đất 4,3 ha thuộc khu phố 1, P.Bình An mà Thanh tra Chính phủ xác định ngoài ranh quy hoạch Thủ Thiêm.
Lần thứ 2 tiếp dân tổ chức vào ngày 7.11 vừa qua, chủ yếu tiếp các hộ dân có nhà đất bị thu hồi, giải tỏa trên địa bàn P.Bình An và P.Bình Khánh (giáp ranh giới khu vực 4,3 ha).
Lần tiếp dân này (lần thứ 3), chủ yếu tiếp các hộ dân P.An Khánh, P.Thủ Thiêm và P.An Lợi Đông - khu vực bị giải tỏa để làm vùng lõi Thủ Thiêm và khu tái định cư, hệ thống giao thông...
Theo đó, một luồng ý kiến tán đồng nội dung kết luận số 1483 của Thanh tra Chính phủ công bố ngày 7.9.2018, đồng thời bày tỏ thiện chí sẵn sàng hợp tác với chính quyền TP.HCM để hướng đến giải quyết dứt điểm "vấn đề Thủ Thiêm" một cách hợp tình, hợp lý "vì đã quá mệt mỏi khi phải đi khiếu nại triền miên".
Luồng ý kiến còn lại tỏ ra chưa thật sự đồng ý với nội dung kết luận số 1483 của Thanh tra Chính phủ, vì cho rằng nhiều vấn đề mà họ khiếu nại, kiến nghị chưa được làm rõ. Luồng ý kiến này cho rằng, để giải quyết được trọn vẹn "vấn đề Thủ Thiêm" cần tiếp tục làm rõ những khiếu nại, kiến nghị của họ, từ đó mới xây dựng chính sách giải quyết thỏa đáng. Nếu không, theo luồng ý kiến này, khiếu nại Thủ Thiêm "sẽ không có điểm dừng".
tin liên quan
Ông Nguyễn Thành Phong nói gì khi tiếp dân Thủ Thiêm?
Cầu thị lắng nghe ý kiến đa chiều
Trước ý kiến của các hộ dân, Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thành Phong khẳng định mục đích của các buổi tiếp dân, là thành phố cầu thị lắng nghe, cả ý kiến đồng thuận và chưa đồng thuận, trước khi có thể ban hành chính sách mới.
Những nội dung thuộc thẩm quyền của TP.HCM, thì thành phố tích cực, tập trung giải quyết theo hướng tốt nhất có thể. Những nội dung vượt thẩm quyền của TP.HCM thì TP.HCM kiến nghị, đề xuất TƯ cho chủ trương giải quyết, nhằm vừa đảm bảo quyền lợi chính đáng, ổn định cuộc sống của người dân có nhà đất bị thu hồi, và để chấm dứt khiếu nại kéo dài, vượt cấp; tạo điều kiện thuận lợi cho TP.HCM tiếp tục xây dựng, phát triển Thủ Thiêm nói riêng và TP.HCM nói chung.
Về xử lý trách nhiệm các cá nhân, tổ chức gây ra sai phạm, ông Nguyễn Thành Phong khẳng định TP.HCM đang tiến hành tổ chức kiểm điểm, giải quyết theo thẩm quyền được giao quản lý cán bộ, công chức trực thuộc. Riêng cán bộ lãnh đạo thuộc diện Trung ương quản lý, thì TP.HCM báo cáo TƯ xem xét, xử lý.
Về quy hoạch Thủ Thiêm, ông Nguyễn Thành Phong cam kết khi tiếp tục triển khai thực hiện, TP.HCM nhất quán quan điểm làm đúng theo phê duyệt của Thủ tướng Chính phủ, nhất quán không chấp nhận việc làm sai quy hoạch trong thời gian tới.
Ông Nguyễn Thành Phong nhiều lần bày tỏ mong muốn người dân đồng hành, thiện chí hợp tác, chia sẻ cùng với chính quyền TP.HCM để cùng hướng đến kết quả tốt đẹp trong việc giải quyết "vấn đề Thủ Thiêm".
Vẫn nóng câu chuyện "bản đồ Thủ Thiêm"
Trong rất nhiều vấn đề hệ trọng liên quan đến Thủ Thiêm, những tưởng câu chuyện bản đồ quy hoạch cơ bản được sáng tỏ khi Thanh tra Chính phủ công bố kết luận 1483, tuy nhiên trong buổi tiếp dân ngày 7.11 vừa qua lại phát sinh tình tiết mới.
Nhiều ý kiến cho rằng nhà đất của họ cũng nằm ngoài ranh quy hoạch Thủ Thiêm, đồng thời lại đề nghị cung cấp bản đồ Thủ Thiêm để có thể xác định ranh giới quy hoạch.
Về vấn đề này, Chánh văn phòng UBND TP.HCM Võ Văn Hoan cho biết TP.HCM có mười mấy bản đồ liên quan đến quy hoạch, hạ tầng Thủ Thiêm. Tuy nhiên, hầu hết các bản đồ đều làm từ hơn 20 năm trước, với nhiều yếu tố khách quan của thời điểm đó nên khá thô sơ, và đặc biệt là về ranh quy hoạch "không thống nhất nhau".
|
Bình luận (0)