Chưa có khiếu kiện về cuộc thi Gạo ngon Việt Nam

Chí Nhân
Chí Nhân
12/11/2022 07:14 GMT+7

Đó là thông tin Ban tổ chức cuộc thi Gạo ngon Việt Nam lần thứ 3 năm 2022 công bố tại buổi họp báo chính thức do đơn vị này tổ chức hôm qua 11.11 tại TP.HCM về những “ồn ào” sau cuộc thi.

Trước đó có thông tin ông Hồ Quang Cua (cha đẻ của gạo ST25, ST24, có sản phẩm gạo ST24 tham gia cuộc thi và đoạt giải nhì) khiếu kiện về kết quả.

Không thể liên lạc được với ông Hồ Quang Cua

Mở đầu cuộc họp báo, ông Nguyễn Ngọc Nam, Chủ tịch Hiệp hội Lương thực VN (VFA), đồng thời là Trưởng BTC cuộc thi Gạo ngon VN năm 2022, cho biết: “Một ngày sau cuộc thi, sáng 5.11 anh Hồ Quang Cua gọi điện cho tôi thông báo sẽ khiếu nại kết quả vì nghi ngờ giống gạo đoạt giải nhất là TBR39 không hợp lệ và có khả năng “đánh tráo giống” ST24. Tuy nhiên từ đó đến nay, những thông tin mà chúng tôi có được về sự “phản ứng” của anh Cua với cuộc thi đều thông qua báo chí, chưa có văn bản khiếu nại chính thức nào. BTC chúng tôi cũng đã tập hợp thông tin, liên lạc với anh Cua để biết rõ những vấn đề mà báo chí nêu nhưng anh không nhận điện thoại.

Cụ thể, ông Lê Thanh Tùng, Phó cục trưởng Cục Trồng trọt (Bộ NN-PTNT), hay ông Trần Ngọc Trung, Phó chủ tịch VFA, Trưởng ban giám khảo cuộc thi, đã gọi điện 2 lần nhưng không thành công. Chúng tôi cũng liên hệ với phía DNTN Hồ Quang Trí (đại diện pháp nhân của gạo ST24 và ST25 tham gia cuộc thi) để tìm hiểu rõ vấn đề cũng như mời anh Cua lên làm việc nhưng cũng không thành công”.

Ông Nguyễn Ngọc Nam khẳng định: Cuộc thi có mục tiêu và tiêu chí rõ ràng; BTC đã công bố rộng rãi và gửi đến các địa phương, đơn vị dự thi và phương tiện truyền thông.

Cuộc thi Gạo ngon VN năm 2022

Chí Nhân

“Tôi xin khẳng định cuộc thi tổ chức hoàn toàn đúng quy chế và thể lệ, Ban giám khảo và BTC đều công tâm và nghiêm túc. Việc chúng tôi tổ chức họp báo ngày hôm nay để làm rõ những thông tin không hay, thiếu chính xác, làm ảnh hưởng đến uy tín cuộc thi và ngành lúa gạo VN nói chung”, ông Nam nhấn mạnh.

Liên quan đến cuộc thi gạo ngon quốc tế sắp diễn ra, ông Nam cho biết: Sau những ồn ào gần đây, hiện tại Hiệp hội chỉ nhận được hồ sơ và mẫu đề xuất đi thi quốc tế từ phía Công ty cổ phần Tập đoàn Lộc Trời, với giống Lộc Trời 28 đoạt hạng ba. Còn việc ông Hồ Quang Cua có đưa sản phẩm gạo tham gia cuộc thi quốc tế hay không là tùy thuộc vào cá nhân và DNTN Hồ Quang Trí, cũng như thể lệ cuộc thi, Hiệp hội không có ý kiến. Trong khi đó, Công ty cổ phần Tập đoàn Thái Bình Seed (ThaiBinh Seed) giành giải nhất Gạo ngon VN 2022 chưa chốt phương án tham gia.

Vì sao gạo đang khảo nghiệm vẫn được thi ?

Dù không có đơn thư khiếu kiện cho tới thời điểm này nhưng liên quan đến khả năng giống bị đánh tráo, ông Trần Ngọc Trung, Phó chủ tịch VFA, Trưởng ban giám khảo cuộc thi, giải thích: Ban giám khảo không biết được gạo nào là gạo nào do gạo được mã hóa thành các con số. Việc mã hóa này được tiến hành độc lập. Ban giám khảo vo gạo, nấu theo quy định. Phòng nấu có camera giám sát và truyền hình trực tiếp ra hội trường lớn bên ngoài để tất cả mọi người giám sát. Cơm sau khi nấu phải để nguội và thử.

Ban giám khảo đến từ: VFA, Hội Đầu bếp VN, Trung tâm Khảo nghiệm giống, sản phẩm cây trồng Nam bộ, Công ty CP giám định - khử trùng FCC và trải qua thời gian đánh giá khá lâu mới có kết quả. “Tôi liên tiếp 3 lần làm Trưởng ban giám khảo cuộc thi, trong khi hai lần trước đều tốt đẹp nhưng không ngờ lần này lại có dư luận không hay như vậy”, ông Trung chia sẻ.

Liên quan đến vấn đề giống lúa TBR39 - giải nhất cuộc thi, đang được khảo nghiệm và chưa được cấp phép thương mại hóa, ông Lê Thanh Tùng, Phó cục trưởng Cục Trồng trọt (Bộ NN-PTNT), giải thích: “Đây là cuộc thi gạo ngon. Có những điều thuộc về quy chế thẩm quyền của BTC, chúng tôi sẽ giải đáp và giải quyết nếu có khiếu nại chính thức. Có những ý kiến bên lề liên quan đến công tác giống thì lại là chuyện khác và nếu có khiếu kiện lại phải mời những đơn vị có liên quan tham gia giải quyết. Nhưng chúng tôi khẳng định làm đúng quy chế của cuộc thi. Khi nào có quy chế mà BTC làm sai quy chế thì đó lại là chuyện khác. Còn về việc vì sao giống gạo đang khảo nghiệm mà vẫn được thi? Thì nó có trong quy chế được thống nhất cả từ phía các đơn vị dự thi. Vì bản chất công tác làm giống mất rất nhiều thời gian; ít nhất 5 - 7 năm mới cho ra một giống mới, nếu làm nghiêm túc phải mất đến 10 năm. Chính vì vậy, nhiều cuộc thi gạo ngon cứ quanh quẩn vài ba giống. Việc cho những giống đang khảo nghiệm tham gia cuộc thi nhằm mở rộng cơ hội để các nhà làm giống có điều kiện thăm dò thị trường, khả năng thương mại hóa tốt hơn và để cuộc thi luôn mới mẻ, tăng sức cạnh tranh vì sự phát triển của gạo VN”.

Cũng theo ông Tùng, các doanh nghiệp tham gia cuộc thi đều phải chịu trách nhiệm về mẫu gạo dự thi của mình. BTC cũng đã lưu mẫu các đơn vị gửi dự thi. Về việc giống gạo này có phải là “ruột” giống gạo kia hay không thì vượt quá quy chế, thể lệ và năng lực, thẩm quyền của BTC. Nếu có khiếu kiện, khiếu nại chính thức bằng văn bản thì tùy theo nội dung BTC sẽ giải quyết hoặc đề nghị các cơ quan có thẩm quyền giải quyết.

Cũng theo BTC, tại lễ khai mạc cuộc thi, đại diện các doanh nghiệp như Công ty cổ phần Tập đoàn Lộc Trời, DNTN Hồ Quang Trí cũng phát biểu mong muốn có thêm những giống mới tham gia cuộc thi và cuộc thi tìm kiếm được những giống gạo ngon, để ngành gạo VN phát triển.

Liên lạc với ông Hồ Quang Cua sau buổi họp báo, ông Cua nói: “Tôi đang tập trung vào cuộc thi Gạo ngon quốc tế nên tôi sẽ không làm văn bản khiếu kiện cuộc thi nữa”.

Ngày 4.11, tại TP.HCM, cuộc thi Gạo ngon VN lần 3 năm 2022 được tổ chức. Ở nội dung gạo thơm có 8 mẫu dự thi gồm: ST24, ST25, TBR39, Lộc Trời 28, VD20, Đài Thơm 8, OM8, OM48 của 6 đơn vị: Công ty CP Tập đoàn ThaiBinh Seed (Thái Bình), Công ty TNHH thương mại HK (Tiền Giang), Công ty TNHH lúa gạo VN (Đồng Tháp), Công ty CP tập đoàn Lộc Trời (An Giang), Doanh nghiệp tư nhân Hồ Quang Trí (Sóc Trăng) và Viện Lúa ĐBSCL.

Kết quả, sản phẩm gạo TBR39 đoạt hạng nhất, ST24 giải nhì và Lộc Trời 28 hạng ba. Tuy nhiên, sau khi có kết quả, dư luận lại ồn ào vì có thông tin từ ông Hồ Quang Cua cho rằng cuộc thi có nhiều điều không khách quan, khoa học và gian lận về giống…, đồng thời tuyên bố trả lại giải thưởng cuộc thi.

Xuất khẩu gạo sang Trung Quốc, Mỹ, EU tăng mạnh

Theo Tổng cục Hải quan, xuất khẩu gạo VN sang thị trường Trung Quốc trong tháng 10 đạt gần 132.000 tấn, tăng gần 67% về lượng so với tháng 10.2021. Đây là tín hiệu tích cực vì Trung Quốc là một trong những khách hàng nhập khẩu gạo lớn nhất của VN bên cạnh Philippines, nhưng những tháng đầu năm nay sản lượng nhập khẩu giảm mạnh. Lũy kế 10 tháng của năm 2022, xuất khẩu gạo sang Trung Quốc đạt 757.500 tấn, trị giá gần 383 triệu USD, giảm 18% về lượng và giảm 17% về giá trị so với cùng kỳ năm trước.

Bên cạnh đó, xuất khẩu của VN sang các thị trường cao cấp cũng ghi nhận tăng trưởng cao. Trong 10 tháng, xuất khẩu gạo sang thị trường Mỹ tăng 85%; sang thị trường EU tăng 82%. Đặc biệt là thị trường EU, chỉ trong 3 quý đầu năm nay đã đạt tới 120.000 tấn so với hạn ngạch phi thuế quan chỉ có 80.000 tấn. Theo Hiệp hội Lương thực VN (VFA), sau gần 2 năm thực thi Hiệp định EVFTA giữa VN và EU, xuất khẩu gạo nói riêng của VN đang dần khẳng định chỗ đứng tại thị trường EU.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.