Hôm qua, 18.9, Bộ Công thương tổ chức hội thảo “Cơ chế chính sách phát triển nguồn điện theo hình thức đối tác công tư (IPP) tại Việt Nam - những vấn đề đặt ra với nhà đầu tư”.
Ông Hoàng Trọng Hiếu, Chánh văn phòng Ban Chỉ đạo quốc gia về phát triển điện lực (gọi tắt Ban chỉ đạo), cho hay tính đến tháng 8, các dự án IPP đưa vào vận hành có tổng công suất khoảng 16.000 MW (chiếm 28,3% công suất đặt toàn hệ thống điện). Tuy nhiên, còn nhiều dự án có công suất lớn đã có trong quy hoạch bị chậm tiến độ, chưa xác định thời gian vận hành làm ảnh hưởng tới hệ thống điện, an ninh năng lượng quốc gia.
Khó khăn về thu xếp vốn cũng là rào cản lớn nhất mà các chủ đầu tư dự án nguồn điện theo hình thức IPP nêu ra, và kiến nghị Chính phủ cần có chính sách hỗ trợ như bao tiêu mua điện, chuyển đổi ngoại tệ...
Ông Dương Quang Thành, Chủ tịch HĐTV EVN, cho hay đã có nhiều dự án nguồn điện theo hình thức IPP, BOT thành công trong giai đoạn trước đây và hiện đã có những đóng góp nhất định cho hệ thống điện. Dù vậy, vẫn chưa có nhà máy BOT nào tham gia chào giá trên thị trường phát điện cạnh tranh. Hiện các nhà đầu tư cần cơ chế bảo lãnh của Chính phủ, nhưng ông Thành cho rằng rất khó vì số lượng các nhà đầu tư rất nhiều so với trước đây. Thay vào đó, theo ông Thành, các nhà đầu tư cần hướng đến năm 2022, khi có thị trường điện cạnh tranh. Ông Thành cho rằng mấu chốt vẫn là câu chuyện chính sách giá điện, bởi một khi chính sách giá điện đồng bộ giữa đầu vào - đầu ra để cân đối tài chính cho các bên tham gia trên thị trường, thì khi ấy Chính phủ không cần đưa ra hỗ trợ nào về đất đai, vay vốn mà vẫn có thể thu hút được đầu tư bên ngoài vào, tương tự như việc vừa qua đã có hơn 100 nhà máy điện mặt trời ngoài EVN, nhờ có chính sách giá điện 9,35 cent hấp dẫn họ.
Ông Hoàng Quốc Vượng, Thứ trưởng Bộ Công thương, cho biết theo đề án thị trường điện cạnh tranh thì sau năm 2024, EVN cũng chỉ là một bên mua điện của các nhà đầu tư. Do vậy, giá điện phù hợp là mấu chốt để kêu gọi thu hút đầu tư các dự án điện. Ông Nguyễn Anh Tuấn, Cục trưởng Cục Điều tiết điện lực - đơn vị chủ trì xây dựng Đề án thị trường điện cạnh tranh, thông tin thêm hiện nay, Việt Nam đã chuyển sang thị trường bán buôn điện cạnh tranh và dự kiến cuối năm nay tiến hành thí điểm cho các nhà đầu tư năng lượng tái tạo được bán điện tới các khách hàng sử dụng cuối cùng. “Cơ chế này phù hợp với nhiều người bán, mua, thay vì chỉ có 1 người mua là EVN và các tổng công ty điện lực hiện nay. Khi đó, các nhà máy được huy động thế nào thì phụ thuộc vào việc các nhà máy tham gia chào giá trên thị trường điện”, ông Tuấn nói.
Bình luận (0)