Theo Viện Lowy (Úc), thế giới có 15 nước chưa ghi nhận ca nhiễm Covid-19 nào từ khi dịch bệnh bắt đầu lan ra bên ngoài Trung Quốc cách đây hơn 3 tháng, dù có khoảng 185 quốc gia và vùng lãnh thổ ghi nhận ca nhiễm.
Trong số 15 nước trên có 10 đảo quốc Thái Bình Dương, còn lại là Comoros và Lesotho tại châu Phi, Tajikistan và Turkmenistan tại Trung Đông và CHDCND Triều Tiên.
Đời sống xáo trộn
Dù chưa ghi nhận ca nhiễm Covid-19, các nước đang chứng kiến nhiều tác động đến đời sống kinh tế - xã hội trong bối cảnh toàn cầu hóa. Theo BBC, đảo quốc Comoros ở Đông Phi được các tổ chức quốc tế hỗ trợ kiểm tra triệu chứng du khách Trung Quốc từ tháng 1. Từ ngày 17.3, cuộc sống người dân bắt đầu xáo trộn lớn sau khi Tổng thống Azali Assoumani liên tiếp ban hành các quyết định giới hạn tổ chức sự kiện, cách ly, đóng cửa các cơ sở tôn giáo nhằm ngăn chặn đại dịch.
Còn tại khu vực nam Thái Bình Dương, dù chưa ghi nhận ca nhiễm Covid-19, nhưng Naurua, Kiribati, Tonga, Vanuatu và nhiều nước sớm ban bố tình trạng khẩn cấp quốc gia, tăng cường kiểm tra sức khỏe, giới hạn hoặc cấm người đến từ các nước có nguy cơ. Theo bà Ariitaimai Salmon, quản lý chuỗi siêu thị Au Bon Marche tại Vanuatu, nhiều người dân lo lắng về nguy cơ thiếu thực phẩm khiến bà phải vất vả trấn an rằng nguồn cung ứng sẽ không thiếu ngay cả khi chính phủ đóng cửa biên giới. Tuy nhiên, nhiều lao động trong ngành du lịch và dịch vụ tại Vanuatu và nhiều nước trong khu vực bị thất nghiệp do tình trạng vắng khách.
|
Thiệt hại kinh tế
Bên cạnh các tác động xã hội, nhiều nước chưa có ca nhiễm Covid-19 cũng đối diện với những ảnh hưởng lớn về kinh tế. Tại khu vực nam Thái Bình Dương, doanh thu từ du lịch chiếm đến 70% GDP và các lệnh giới hạn đi lại khiến nguồn thu này sụt giảm mạnh trong thời gian qua, theo trang The Diplomat. Tình trạng này khiến Bộ trưởng Du lịch vùng lãnh thổ Polynesia (thuộc Pháp) Nicole Bouteau cho biết nền kinh tế khu vực “đang trong thời kỳ đen tối”.
Tại đảo Cook, Giám đốc điều hành Tata Crocombe của khu nghỉ dưỡng nổi tiếng Rarotongan, cho biết hàng trăm nhân viên phải nghỉ việc vì khu nghỉ dưỡng này dự định đóng cửa trong 6 tháng. “Tôi nói với các nhân viên rằng không có khách nghĩa là không có thu nhập, họ là những người thông minh nên hiểu rõ”, ông chia sẻ.
Covid-19 lây nhiễm tại Trung Quốc trong những tháng qua cũng khiến Triều Tiên tạm dừng giao dịch thương mại với nước này nhằm đề phòng dịch bệnh. Theo tờ Chosun Ilbo, tất cả hoạt động lưu thông hàng hóa từ thành phố Đan Đông của Trung Quốc đến thành phố Sinuiju của Triều Tiên đã tạm ngưng từ ngày 28.1, trong khi Trung Quốc là đối tác thương mại lớn nhất nước này. Các chuyên gia kinh tế nhận định rằng trong bối cảnh toàn cầu hóa, hầu như tất cả các nước đều bị ảnh hưởng từ nguy cơ suy thoái kinh tế do Covid-19. Theo Hãng xếp hạng tín dụng Fitch Ratings (trụ sở tại Mỹ), các nhà hoạch định chính sách cần tiến hành mọi biện pháp nhằm giảm thiểu tác động, từ các chính sách tiền tệ đến cắt giảm lãi suất, hỗ trợ doanh nghiệp và người dân, bên cạnh các biện pháp kiểm soát dịch.
100 nền kinh tế cần IMF viện trợ
Hãng Reuters ngày 15.4 dẫn lời chuyên gia kinh tế trưởng của Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) Gita Gopinath cho hay 100 trong số 189 nước và vùng lãnh thổ thành viên đã liên hệ nhờ viện trợ nhằm đối phó Covid-19 và giảm thiểu tác động đến kinh tế, trong đó phân nửa là các nước thu nhập thấp.
IMF dự báo nền kinh tế toàn cầu sẽ giảm 3% trong năm nay và là đợt suy giảm lớn nhất kể từ Đại khủng hoảng giai đoạn 1929 - 1933, trước khi tăng trưởng 5,8% trong năm 2021 tùy vào tình hình dịch. IMF cho rằng khả năng cho vay 1.000 tỉ USD có thể giúp các nước đối phó đại dịch, nhưng các nước đang phát triển thì có thể cần hỗ trợ thêm. IMF khuyến cáo các nước tập trung chi cho việc xét nghiệm, trang thiết bị và các chi phí y tế khác, bên cạnh các biện pháp hoãn thuế, trợ cấp thu nhập và hỗ trợ người dân, doanh nghiệp bị ảnh hưởng nặng nhất.
|
Bình luận (0)