Chưa tăng lương cán bộ, công chức từ 1.7.2020

Lê Hiệp
Lê Hiệp
20/06/2020 07:37 GMT+7

Quốc hội quyết định chưa thực hiện tăng lương đối với cán bộ, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang và lương hưu từ ngày 1.7.2020.

Ngày 19.6, tại phiên bế mạc, Quốc hội đã biểu quyết thông qua Nghị quyết kỳ họp 9, Quốc hội khóa XIV, quyết định chưa thực hiện điều chỉnh mức lương cơ sở đối với cán bộ, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang và lương hưu từ ngày 1.7.2020 như lộ trình trước đó.

Giảm 70% kinh phí hội nghị, đi công tác

Theo đó, Nghị quyết kỳ họp 9 của Quốc hội (QH) nêu rõ, căn cứ tình hình thực tế, Chính phủ báo cáo Ủy ban Thường vụ QH về thời điểm điều chỉnh mức lương cơ sở.
Giải trình về nội dung này, Tổng thư ký QH Nguyễn Hạnh Phúc cho hay, quá trình thảo luận, một số ý kiến đề nghị chỉ dừng tăng mức lương cơ sở đối với cán bộ, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang song vẫn thực hiện điều chỉnh lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội, trợ cấp hằng tháng kể từ 1.7.2020 theo lộ trình.
Có ý kiến đề nghị quy định rõ thời điểm điều chỉnh mức lương cơ sở từ ngày 1.1.2021; có ý kiến đề nghị cân nhắc việc điều chỉnh lương hưu đối với người nghỉ hưu trước 1.1.1995 và người hưởng trợ cấp. Bên cạnh đó, một số ý kiến đề nghị căn cứ tình hình thực tế, Chính phủ báo cáo Ủy ban Thường vụ QH về thời điểm điều chỉnh mức lương cơ sở vào ngày 31.12.2020 hoặc trước ngày 1.1.2021.
Về vấn đề này, Ủy ban Thường vụ QH cho biết, để khắc phục tác động tiêu cực của đại dịch Covid-19 đến cân đối ngân sách nhà nước, việc chưa điều chỉnh mức lương cơ sở từ ngày 1.7.2020 là cần thiết, thể hiện sự đồng lòng cùng chia sẻ khó khăn với nhà nước.
Sau khi cân nhắc, Ủy ban Thường vụ QH đề nghị QH cho phép chưa thực hiện điều chỉnh mức lương cơ sở đối với cán bộ, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang và lương hưu từ ngày 1.7.2020. Đồng thời, giao Chính phủ, căn cứ tình hình thực tế để chủ động báo cáo Ủy ban Thường vụ QH về thời điểm điều chỉnh mức lương cơ sở.
Ngoài ra, theo nghị quyết vừa được QH thông qua, QH đồng ý bổ sung dự toán chi ngân sách nhà nước năm 2020 để bổ sung vốn điều lệ cho Ngân hàng Nông nghiệp - Phát triển nông thôn Việt Nam (Agribank) từ nguồn tăng thu, tiết kiệm chi ngân sách T.Ư năm 2019 tương ứng với số lợi nhuận sau thuế thực nộp ngân sách nhà nước năm 2020 của Agribank, không vượt quá 3.500 tỉ đồng.
QH cũng giao Chính phủ thực hiện các giải pháp chống thất thu, tiết giảm chi ngân sách nhà nước, cắt giảm tối thiểu 70% kinh phí hội nghị, đi công tác trong và ngoài nước còn lại của các bộ, cơ quan T.Ư và địa phương. Việc cắt giảm này không bao gồm Bộ Quốc phòng, Bộ Công an, Bộ Y tế; kinh phí thực hiện năm Chủ tịch ASEAN, năm Chủ tịch AIPA và các hoạt động ngoại giao quốc gia khác của Bộ Ngoại giao. Cũng theo yêu cầu của QH, Chính phủ phải tiết kiệm thêm 10% chi thường xuyên khác còn lại của năm 2020.

Chuyển đổi 3 dự án cao tốc Bắc - Nam sang đầu tư công

Cũng trong phiên họp cuối cùng của kỳ họp 9, với đa số đại biểu QH tán thành, QH đã thông qua nghị quyết chuyển đổi 3 dự án thuộc dự án cao tốc Bắc - Nam từ hình thức đầu tư theo hình thức đối tác công tư (PPP) sang đầu tư bằng ngân sách nhà nước. Theo đó, 3 dự án được QH đồng ý chuyển sang đầu tư công bao gồm: dự án đoạn Vĩnh Hảo - Phan Thiết, dự án Mai Sơn - QL45 và dự án Phan Thiết - Dầu Giây.
Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý nghị quyết này của Ủy ban Thường vụ QH, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh cho hay, ngoài dự án không có được nhà đầu tư qua vòng sơ tuyển, trong quá trình thảo luận, một số ý kiến không tán thành việc chuyển đổi 2 dự án Mai Sơn - QL45 và dự án Phan Thiết - Dầu Giây vì cho rằng 2 dự án này có tiềm năng, khả thi nhất để thực hiện theo phương thức đối tác công tư (PPP) và đề nghị Chính phủ cần lựa chọn dự án khác để chuyển đổi.
Tuy nhiên, Ủy ban Thường vụ QH cho rằng, việc chuyển đổi sang đầu tư công là cần thiết, cấp bách nhằm sớm giải quyết nhu cầu giao thông lớn (nhu cầu vận tải lớn nhất trong 11 dự án thành phần) do kết nối với cửa ngõ các trung tâm kinh tế, chính trị lớn nhất của cả nước (Hà Nội và TP.HCM).
Bên cạnh đó, 2 dự án này, mặc dù đã có nhà đầu tư qua vòng sơ tuyển, nhưng có tỷ lệ vốn nhà nước tham gia ít, cần huy động số vốn ngoài ngân sách lớn, nhất là vốn tín dụng, vì vậy, việc lựa chọn được nhà đầu tư có thể gặp khó khăn. Việc chuyển đổi 2 dự án thành phần này sang phương thức đầu tư công sẽ bảo đảm khả năng thành công cao hơn cho các dự án thành phần.
Với phương án chuyển đổi này, ngân sách nhà nước sẽ bổ sung vốn đầu tư cho dự án 23.461 tỉ đồng. Theo giải trình của Ủy ban Thường vụ QH, Chính phủ sẽ trình QH bố trí vốn theo quy định và điều hành kế hoạch đầu tư công trung hạn và hằng năm một cách hợp lý, linh hoạt, hạn chế các tác động đến nợ công và trần nợ công. Bên cạnh đó, các dự án sau khi hoàn thành sẽ nhượng quyền để thu hồi vốn nhà nước, đây cũng là giải pháp phù hợp để huy động nguồn lực xã hội và giảm thiểu tác động đến nợ công.
Ông Thanh cũng cho biết, việc chuyển đổi phương thức đầu tư chỉ thực hiện đối với 3 dự án thành phần như Chính phủ trình. Các dự án thành phần đầu tư theo phương thức PPP còn lại vẫn được thực hiện theo đúng quy định tại nghị quyết trước đây của QH. Đối với các dự án chuyển đổi từ phương thức đầu tư PPP sang đầu tư 100% vốn đầu tư công, dự thảo nghị quyết yêu cầu các dự án phải hoàn thành chậm nhất là cuối năm 2022.

QH thông qua nhiều cơ chế đặc thù cho Hà Nội, Đà Nẵng

Trong phiên họp ngày 19.6, QH đồng ý thông qua Nghị quyết thí điểm một số cơ chế, chính sách tài chính, ngân sách đặc thù đối với TP.Hà Nội; Nghị quyết thí điểm tổ chức mô hình chính quyền đô thị và một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP.Đà Nẵng.
Theo đó, QH đồng ý nhiều cơ chế đặc thù cho cả Hà Nội và Đà Nẵng. Đáng chú ý, các nghị quyết vừa được QH thông qua đồng ý cho HĐND các TP này quyết định thu các loại phí chưa được quy định trong danh mục phí, lệ phí có trong luật Phí và lệ phí. Các TP cũng sẽ được điều chỉnh (tăng, giảm) mức phí hoặc tỷ lệ phí đã có trong luật Phí và lệ phí, trừ các loại phí thuộc nguồn thu của ngân sách T.Ư 100%.
Ngân sách TP sẽ được hưởng 100% số thu tăng thêm từ các khoản thu phí đã được QH đồng ý nêu trên, để đầu tư cơ sở hạ tầng kinh tế - xã hội và chi sự nghiệp kinh tế, khoa học - công nghệ, giáo dục, y tế và phúc lợi xã hội thuộc nhiệm vụ chi của ngân sách các TP. Ngoài ra, QH cũng thông qua giảm 30% thuế thu nhập doanh nghiệp năm 2020 đối với doanh nghiệp có tổng doanh thu năm 2020 không quá 200 tỉ đồng. 
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.