Chứng khoán hưởng lợi nhờ tăng trưởng kinh tế

Mai Phương
Mai Phương
27/12/2024 06:15 GMT+7

Năm 2024, giá vàng tăng kỷ lục và dẫn đầu mức sinh lãi; nhưng sang năm mới 2025 thì liệu các kênh đầu tư có đổi ngôi hay không? Theo các chuyên gia, năm 2025 chứng khoán sẽ soán ngôi vương nhờ hưởng lợi từ sự tăng trưởng mạnh của nền kinh tế trong kỷ nguyên mới.

Giá vàng nhẫn tăng sốc 35% trong năm 2024

Vàng luôn là kênh đầu tư nóng nhất trong năm 2024, thế nhưng tính đến thời điểm hiện tại, giá vàng miếng SJC được mua vào ở mức 82,5 triệu đồng/lượng và bán ra 84,5 triệu đồng/lượng. So với cuối năm 2023, mỗi lượng vàng miếng SJC tăng 10,5 triệu đồng, tương ứng tăng 14%. Trong khi đó, vàng nhẫn 4 số 9 tại Công ty vàng bạc đá quý SJC được mua vào 82,5 triệu đồng và bán ra 84,3 triệu đồng/lượng, tăng 34% so với cuối năm 2023. 

Tuy nhiên, sau khi trừ đi chênh lệch giữa giá mua và giá bán thì người mua vàng miếng SJC sau một năm chỉ có mức lãi 11% và giữ vàng nhẫn SJC sẽ có lãi gần 31%. Đây là mức tăng cao nhất trong vòng một năm của kim loại quý trong cả thập kỷ qua. Nếu so với kỷ lục mà vàng miếng SJC đạt được với giá 92,4 triệu đồng/lượng trong tháng 5 thì mức tăng là 25%; còn vàng nhẫn tăng 35% so với đầu năm 2024.

Trên thị trường thế giới, giá vàng liên tục lên cơn sốt ngay từ những tháng đầu năm và kéo dài đến đầu tháng 11. Giá vàng thế giới cũng lập đỉnh kỷ lục lên gần sát 2.800 USD/ounce và chỉ mới quay đầu hạ nhiệt sau khi ông Donald Trump đắc cử Tổng thống Mỹ. Tính chung đến nay, giá kim loại quý trên thế giới đã tăng 28% so với đầu năm. Nghĩa là những người đã mua vàng đầu năm đến nay đều có lời cao.

Chứng khoán hưởng lợi nhờ tăng trưởng kinh tế- Ảnh 1.

TTCK là kênh đầu tư được đánh giá sáng nhất trong năm 2025

ẢNH: NHẬT THỊNH

Ngược lại với sự bứt phá của vàng, chứng khoán những ngày cuối năm và nửa cuối năm 2024 trở thành nỗi ám ảnh với nhiều nhà đầu tư (NĐT), dù nửa đầu năm nay cũng giao dịch sôi động và nhiều cổ phiếu tăng khá. Mức tăng của VN-Index trong năm nay cũng chỉ tương đương với đà đi lên của cả năm 2023. Tuy nhiên, trên thị trường chứng khoán (TTCK), sự phân hóa khá lớn vì luôn xuất hiện tình trạng sẽ có NĐT cá nhân thu được lãi nhưng cũng có người thua lỗ. Nếu xét ở từng cổ phiếu thì cũng có nhiều mã tăng vọt lập kỷ lục mới, nhưng cũng có nhiều cổ phiếu sụt giảm thê thảm.

Riêng đối với thị trường bất động sản (BĐS), sau nhiều năm ảm đạm thì năm nay đã dần ấm hơn. Theo đánh giá của nhiều công ty môi giới BĐS, nhìn chung các phân khúc chính đã tăng giá so với đầu năm. Chẳng hạn, giá căn hộ chung cư tại Hà Nội hay TP.HCM bình quân tăng khoảng 8 - 15%. Tương tự, giá nhà riêng lẻ tại Hà Nội và TP.HCM cũng tăng 10 - 20% do nhiều người đã xuống tiền mua vào để ở hoặc để đầu tư khi lãi suất (LS) cho vay vẫn còn ở mức thấp. 

Phân khúc đất nền tại các vùng ven Hà Nội và TP.HCM cũng ghi nhận có mức tăng trung bình từ 10 - 15% nhưng thanh khoản thấp hơn căn hộ chung cư và nhà riêng lẻ. Theo chuyên gia tài chính Phan Dũng Khánh, trong các kênh đầu tư quen thuộc với người Việt thì vàng tăng mạnh nhất, kế tiếp là chứng khoán, thị trường BĐS cũng tăng nhưng không diễn ra đồng đều trên cả nước và cũng không có chỉ số thống kê chính thức nào nên sẽ khó so sánh. Tất cả 3 kênh đầu tư nói trên đều có lãi cao hơn nhiều so với LS tiết kiệm chỉ ở mức bình quân khoảng 5%/năm trong năm nay.

Chứng khoán lên ngôi nhờ kinh tế tăng trưởng

Chỉ còn vài ngày nữa là bước sang năm mới 2025, các NĐT sẽ suy nghĩ về kế hoạch lựa chọn nào để có thể sinh lời cao nhất. Nhiều chuyên gia kinh tế đều có chung quan điểm, trong năm tới, TTCK có triển vọng nhất vì nhiều doanh nghiệp (DN) đã lấy lại đà hồi phục và tăng trưởng trong năm 2024. Cùng với các quyết sách về vĩ mô của Chính phủ thì kinh tế VN trong năm mới sẽ tiếp tục tăng trưởng cao. Chứng khoán được coi là hàn thử biểu của nền kinh tế nên chắc chắn sẽ có triển vọng tốt. Hơn nữa, đầu tư vào cổ phiếu dễ khi chỉ cần số tiền nhỏ, trong khi BĐS hay vàng thì phải cần rất nhiều tiền.

Chứng khoán hưởng lợi nhờ tăng trưởng kinh tế- Ảnh 2.

Giá vàng tăng mạnh nhất năm 2024

ẢNH: ĐỘC LẬP

PGS-TS Đinh Trọng Thịnh (Học viện Tài chính) phân tích, khi ông Donald Trump nhậm chức Tổng thống Mỹ, cũng như nhiệm kỳ trước đây, USD được duy trì sức mạnh và đứng ở mức cao. Kinh tế tăng trưởng thì dòng vốn đầu tư sẽ tập trung vào các hoạt động sản xuất và chứng khoán nhiều hơn là mua vàng như năm nay. Tại VN, Chính phủ đưa ra mục tiêu tăng trưởng GDP 7% và phấn đấu đến 8% trong năm 2025 và mục tiêu này chắc chắn sẽ đạt được bởi năm 2024, xuất khẩu của VN vào thị trường Mỹ tăng gấp hơn 3 lần và dự báo năm tới sẽ tiếp tục tăng. Dòng vốn đầu tư nước ngoài (FDI) cũng liên tục chảy vào VN. Đồng thời quyết tâm nâng hạng TTCK từ thị trường cận biên lên thị trường mới nổi cũng là động lực thu hút thêm dòng vốn nước ngoài. Song song đó là hàng loạt chương trình, chính sách thể hiện quyết tâm của Chính phủ để thúc đẩy kinh tế đạt tăng trưởng theo mục tiêu.

"Trong năm mới 2025, khi kinh tế VN tiếp tục tăng trưởng cao, hoạt động sản xuất kinh doanh phát triển thì TTCK sẽ là kênh tăng tốt nhất. BĐS cũng có thể tăng nhưng không thể mạnh ngay mà chỉ phục hồi dần. Thị trường BĐS thanh khoản còn yếu, các DN trong ngành này phát triển không đồng đều. Riêng LS tiết kiệm cũng sẽ nhích dần nhưng không quá nhiều vì Chính phủ cũng muốn giữ ổn định để tập trung hỗ trợ tăng trưởng kinh tế", PGS-TS Đinh Trọng Thịnh chia sẻ thêm.

Đồng quan điểm, chuyên gia tài chính Phan Dũng Khánh cho rằng kênh chứng khoán có tiềm năng tăng trưởng khi kinh tế VN đang hướng đến kỷ nguyên số. Trong năm 2024, VN-Index không tăng mạnh do nhóm cổ phiếu ngành tài chính và BĐS chiếm đa số. Khi nhóm cổ phiếu này chưa tăng cao thì VN-Index khó bứt phá mạnh. Nhưng hàng loạt cổ phiếu khác đã gia tăng, nhất là nhóm công nghệ ghi nhận hiệu quả cao trong năm 2024 và sẽ tiếp tục duy trì sức hấp dẫn trong năm tới. Hơn nữa, việc Chính phủ bắt tay hợp tác với NVIDIA để xây dựng các trung tâm về trí tuệ nhân tạo (AI) hay thúc đẩy phát triển ngành bán dẫn, chuyển đổi số khiến nhiều tập đoàn nước ngoài cũng gia tăng chú ý đến VN. Bên cạnh đó, nhóm năng lượng, nguyên vật liệu, hàng tiêu dùng, vận tải và cả BĐS đều được kỳ vọng sẽ sớm mở ra xu hướng tích cực. 

"Thời gian qua dòng tiền chủ yếu giao dịch ở nhóm cổ phiếu blue-chip thuộc VN30. Trong khi nhiều cổ phiếu thuộc nhóm vốn hóa trung bình có kết quả kinh doanh khả quan nhưng vẫn bị giảm. Do vậy, nhóm này sẽ có nhiều tiềm năng tăng trưởng trong thời gian tới. Vì vậy, mặc dù VN-Index vẫn có thể tăng không quá cao nhưng các NĐT cá nhân có thể lựa chọn những cổ phiếu kỳ vọng tăng trưởng cao hơn mức tăng của VN-Index nói chung", ông Khánh lưu ý.

Đồng tình, chuyên gia kinh tế, TS Đinh Thế Hiển cũng khẳng định: TTCK trong năm mới sẽ vẫn là kênh "sáng" nhất. Bởi một số kênh khác như vàng, BĐS còn gặp khó khăn. Đặc biệt, những chính sách gần đây đã thể hiện quyết tâm của Chính phủ để nâng hạng TTCK từ thị trường cận biên lên thị trường mới nổi là một trong những động lực giúp thu hút dòng vốn nước ngoài quay trở lại thị trường. Tuy nhiên, ông Hiển cho rằng khi kinh tế phát triển ổn định, các kênh đầu tư cũng khó có thể mang lại lợi nhuận quá cao, lên đến 20 - 30%/năm. Mức lãi đó chỉ dành cho số rất ít những người quá giỏi, chấp nhận rủi ro cao và thường có thắng có thua trong nhiều giai đoạn. Vì vậy NĐT cá nhân đừng đặt kỳ vọng quá cao theo kiểu lãi đậm khi tham gia trên TTCK.

Bất động sản, vàng ít cơ hội

Có cái nhìn khá cụ thể về các kênh đầu tư, TS Đinh Thế Hiển nhận xét: Thị trường BĐS chỉ mới tăng trở lại ở nhóm căn hộ chung cư do giai đoạn trước đó phân khúc này không tăng nhiều mà chỉ có đất nền, nhà phố lên giá. Từ mặt bằng giá thấp nên căn hộ được nhiều người chú ý nhiều hơn và giao dịch ấm hơn trước. Nhưng điều này chưa đủ để làm giá "tham chiếu" cho cả thị trường. Theo ông Hiển, thị trường BĐS năm 2025 cũng chưa thể tốt hơn nhiều do giá các phân khúc vẫn cao so với thu nhập của nhiều người dân. Giá quá cao thì người mua còn dè dặt nên thanh khoản cũng khó tăng mạnh. Vì vậy, BĐS cũng có cơ hội đầu tư nhưng chỉ những người có nghiên cứu kỹ, đánh giá được các phân khúc có tiềm năng thì mới có thể đạt được lợi nhuận. Với góc nhìn đó, ông Hiển khuyến cáo, đừng vay nợ quá lớn để đổ tiền vào BĐS vì sẽ dẫn đến rủi ro nhiều.

Chuyên gia tài chính Phan Dũng Khánh thì cho rằng thị trường BĐS cuối năm 2024 ấm hơn đầu năm; vốn FDI, vốn tín dụng vào BĐS cũng tăng. Như vậy thị trường BĐS đã thoát khỏi vùng đáy và sẽ tiếp tục đà tăng trong 2025 - 2026. Riêng vàng sẽ là kênh khó tăng giá trong năm 2025 khi nhu cầu và giá đã tăng vọt trong năm nay. Hơn nữa, việc ông Donald Trump chính thức trở thành Tổng thống Mỹ với quan điểm làm gia tăng sức mạnh của USD và điều đó sẽ tác động tiêu cực cho giá vàng. "Theo quan điểm cá nhân tôi, có thể chia tỷ lệ đầu tư gồm 40% vào chứng khoán, 40% cho BĐS và 20% cho vàng. Tùy thuộc vào mỗi cá nhân có thể tăng hay giảm tỷ lệ giữa kênh chứng khoán và BĐS tùy theo kinh nghiệm hay sự yêu thích và mức độ chịu rủi ro khác nhau", ông Khánh chia sẻ.

Cùng chung nhận định, PGS-TS Đinh Trọng Thịnh cho rằng vàng là tài sản trú ẩn an toàn và được lựa chọn nhiều khi bất ổn địa chính trị gia tăng. Trong năm 2025, nhiều chuyên gia kỳ vọng những bất ổn này dịu xuống. Các chính sách về thuế quan, đối ngoại của Tổng thống Donald Trump sẽ theo xu hướng thúc đẩy kinh tế Mỹ mạnh hơn và đẩy giá trị USD tăng cao. Khi kinh tế phát triển thì các NĐT trên toàn cầu nói chung sẽ ít quan tâm đến vàng, do đó kim loại quý cũng sẽ khó tăng mạnh như năm nay. 

Tương tự, kênh BĐS trong nước dù đã bắt đầu ấm hơn nhưng chưa đồng đều. Thị trường này còn đối mặt nhiều khó khăn, chỉ có thể tăng từ từ và thanh khoản chưa lên cao. Hơn nữa, trong khi chứng khoán hay vàng dễ dàng mua bán vì giá trị thấp thì không phải ai cũng đủ tiền để mua BĐS. Ông Thịnh cũng nhận định, ngoài các kênh đầu tư truyền thống nói trên, LS tiết kiệm tại các ngân hàng cũng sẽ không biến động nhiều khi Chính phủ vẫn giữ mục tiêu ổn định LS để hỗ trợ kinh tế phát triển. Nhưng có thể LS sẽ có thời điểm nhích thêm khoảng 0,5% so với mặt bằng hiện nay. 

Lãi suất ổn định, BĐS đáng quan tâm

Lãi suất tại VN trong năm 2025 còn phụ thuộc vào diễn biến tỷ giá hối đoái. Nếu Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) chỉ giảm LS thêm 2 đợt với mức tổng cộng 0,5% như họ vừa công bố thì VN cũng không có nhiều dư địa để giảm LS. Trong 3 tháng đầu năm 2025, có thể LS tiết kiệm tại các ngân hàng sẽ giảm trở lại so với hiện nay khi nhu cầu vốn của DN, người dân xuống thấp, sau đó mới tăng dần trở lại đến cuối năm theo chu kỳ của nền kinh tế. Tuy nhiên nhìn chung cả năm thì LS tiết kiệm cũng không biến động nhiều, dao động trong khoảng từ 5 - 6%/năm tùy theo kỳ hạn và số tiền gửi của khách hàng như hiện nay. Hơn nữa, Chính phủ vẫn duy trì chính sách tiền tệ ổn định để hỗ trợ kinh tế phát triển, đạt được mục tiêu đề ra là 7% cho năm tới và phấn đấu tăng đến 8%. 

Trong khi đó, giá vàng rất khó dự báo nhưng chắc chắn không thể tăng vọt như năm nay. Riêng thị trường BĐS đáng để quan tâm trở lại vì đã ấm dần lên ở một số phân khúc như căn hộ chung cư. Sau đó thông thường dòng tiền sẽ lan tỏa và chuyển sang những phân khúc khác. Thậm chí với một số BĐS như đất nền hiện vẫn còn có thể mua được với giá "ngộp". Theo cá nhân tôi, nếu phân chia tỷ lệ đầu tư thì sẽ rót 50% vào BĐS vì đây là tài sản có giá trị lớn. Kế đến sẽ đầu tư vào chứng khoán 20% tài sản, mua vàng từ 10 - 15% và còn lại là nắm giữ tiền mặt, gửi ngân hàng.

PGS-TS Nguyễn Hữu Huân, ĐH Kinh tế TP.HCM

Chứng khoán hưởng lợi nhờ tăng trưởng kinh tế- Ảnh 3.

Lãi suất tiết kiệm dự báo ít biến động trong năm 2025

ẢNH: NGỌC THẮNG

 

Thị trường chứng khoán vẫn hấp dẫn

Chúng tôi kỳ vọng dòng tiền nước ngoài sẽ quay trở lại TTCK VN vào năm tới, phần lớn nhờ vào tốc độ tăng trưởng lợi nhuận của các công ty niêm yết, từ 13% trong năm 2024 lên 17% trong năm 2025. Hơn nữa, định giá của thị trường vẫn hấp dẫn với tỷ lệ P/E (giá/lợi nhuận) dự phóng là 12 lần, thấp hơn 1 độ lệch chuẩn so với trung bình 10 năm của VN-Index và thấp hơn 20% so với mức định giá của các nước cùng khu vực như Malaysia, Thái Lan, Indonesia và Philippines.

Sự tăng trưởng lợi nhuận mà chúng tôi kỳ vọng trong năm 2025 một phần dựa vào sự phục hồi của thị trường BĐS nhà ở trong năm tới (từ mức tăng trưởng lợi nhuận cốt lõi 9% trong năm 2024 lên 20% trong năm 2025), điều này cũng sẽ hỗ trợ tăng trưởng lợi nhuận của các ngân hàng, vì cho vay mua nhà sẽ tăng nhanh cùng với hoạt động phát triển BĐS. Tỷ trọng lớn của ngành ngân hàng trong VN-Index có nghĩa là ngay cả khi lợi nhuận tăng trưởng một cách khiêm tốn (từ 14% trong năm 2024 lên 17% trong năm 2025) cũng sẽ thúc đẩy đáng kể tổng mức tăng trưởng lợi nhuận của VN-Index. Bên cạnh đó, tâm lý NĐT đang được cải thiện nhờ vào kỳ vọng ngày càng lớn rằng TTCK VN sẽ được nâng hạng từ thị trường cận biên lên thị trường mới nổi vào năm 2026, khi VN hiện nay đã đáp ứng gần như tất cả các tiêu chí của FTSE để được xem xét nâng hạng. Tâm lý này cũng được củng cố bởi sự lạc quan về các biện pháp mà Chính phủ công bố nhằm thúc đẩy tăng trưởng GDP của VN trong năm 2025 và các năm tiếp theo.

Ông Michael Kokalari, Giám đốc Phòng Phân tích kinh tế vĩ mô và Nghiên cứu thị trường, VinaCapital

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.