Chung tay 'cứu' chùa Cầu

Mạnh Cường
Mạnh Cường
04/01/2023 07:27 GMT+7

Tỉnh Quảng Nam chi hàng chục tỉ đồng để tu bổ di tích chùa Cầu, với sự chung tay của nhiều nhà nghiên cứu, nhà khoa học, cơ quan quản lý của VN và Nhật Bản, nhằm “cứu” biểu tượng của Di sản văn hóa thế giới Hội An.

Giữ gìn tối đa giá trị cốt lõi

Chùa Cầu (còn gọi là cầu Nhật Bản, Lai Viễn kiều) là công trình kiến trúc nghệ thuật độc đáo không chỉ ở VN mà còn hiếm thấy trên thế giới. Trải qua 4 thế kỷ cùng sự biến thiên của lịch sử, xã hội, chùa Cầu vẫn là biểu tượng đặc trưng của đô thị cổ Hội An (Quảng Nam). Dù đã qua 7 lần sửa chữa trước đây, nhưng trước sự bào mòn của thời gian cùng tác động của con người lẫn thiên tai, di tích hàng trăm năm tuổi này đang xuống cấp nghiêm trọng. Đặc biệt là phần mố cầu, trụ cầu bị nứt, nhiều cột và kèo bị hỏng nặng.

Di tích chùa Cầu tại phố cổ Hội An

MẠNH CƯỜNG

Để bảo vệ di tích quốc gia đặc biệt này, mới đây UBND TP.Hội An đã tổ chức lễ khởi công dự án tu bổ. Dự án có tổng kinh phí 20,2 tỉ đồng, từ ngân sách của tỉnh Quảng Nam và TP.Hội An, thời gian thi công 360 ngày do UBND TP.Hội An làm chủ đầu tư, Trung tâm Quản lý bảo tồn di sản văn hóa Hội An quản lý. Dự án có sự chung tay hỗ trợ của nhiều nhà nghiên cứu, nhà khoa học, cơ quan quản lý của VN và Nhật Bản.

Việc hạ giải, trùng tu tới đây sẽ được thực hiện từng bước. Các hạng mục tu bổ gồm: gia cố hệ nền, móng, mố, trụ cầu; hệ sàn, hệ khung gỗ, hệ mái; đồng thời cải tạo hệ thống điện, chống mối công trình...

Di tích chùa Cầu sẽ được tu bổ, bảo tồn một cách chân xác, toàn vẹn và đảm bảo bền vững lâu dài trong tương lai.

Ông Nguyễn Thanh Hồng, Giám đốc Sở VH-TT-DL tỉnh Quảng Nam

Ông Phạm Phú Ngọc, Giám đốc Trung tâm Quản lý bảo tồn di sản văn hóa Hội An, cho biết việc đầu tư cho một dự án đặc biệt như tu bổ chùa Cầu thì công tác đánh giá hiện trạng kỹ thuật của di tích được đặc biệt chú trọng và thực hiện hết sức kỹ lưỡng, toàn diện từ tổng thể đến chi tiết, từ cấu trúc nhìn thấy và không thấy được, cũng như kết hợp kinh nghiệm truyền thống với áp dụng các công nghệ khoa học hiện đại.

Các đơn vị chuyên môn đã tiến hành 2 đợt khoan địa chất để xác định kết cấu địa tầng, đánh giá khả năng gây lún móng và đo xung điện để đánh giá độ rung, tính ổn định của mố, trụ cầu. Đồng thời mở nhiều đợt khảo sát, đánh giá kết cấu và cấu kiện gỗ bằng sự kết hợp giữa máy móc thiết bị với kinh nghiệm. Việc số hóa kiến trúc hiện trạng công trình cũng được quan tâm thực hiện làm cơ sở dữ liệu khoa học cho việc so sánh, đối chiếu trước, trong và sau khi hoàn thành tu bổ công trình, nhằm đảm bảo di tích được tu bổ đạt chất lượng khoa học cao nhất, giữ gìn tối đa giá trị cốt lõi của di tích.

“Việc trùng tu nhằm bảo tồn di tích, giữ gìn tối đa giá trị cốt lõi của di tích trong tổng thể chung của khu phố cổ Hội An và góp phần duy trì sự ổn định lâu dài, tăng độ bền vững, tuổi thọ cho di tích cũng như tôn tạo cảnh quan, cải tạo môi trường”, ông Phạm Phú Ngọc khẳng định.

Nhiều hạng mục của chùa Cầu xuống cấp buộc phải chống đỡ

Thời điểm “vàng”

Trao đổi với Thanh Niên, ông Nguyễn Văn Sơn, Chủ tịch UBND TP.Hội An, cho hay trước thực trạng xuống cấp ngày càng nghiêm trọng của chùa Cầu, tỉnh Quảng Nam và TP.Hội An đã tổ chức nhiều hội thảo để bàn giải pháp trùng tu. Hồ sơ cũng qua nhiều bước, đúng quy định của pháp luật và đã có ý kiến thẩm định của Bộ VH-TT-DL cũng như Văn phòng UNESCO Hà Nội góp ý. Đặc biệt, các chuyên gia Nhật Bản đã thẩm định và đồng tình.

“Vì di tích đã xuống cấp nên trước cơn bão Noru vừa rồi địa phương phải huy động lực lượng để chống đỡ. Khi phải liên tục chống đỡ như vậy thì di tích sẽ không bền. Mà tới lúc nó sụp đổ thì không thể trùng tu lại tốt được. Đây là thời điểm chín muồi nhất, có thể nói là thời điểm “vàng” để trùng tu chùa Cầu”, ông Nguyễn Văn Sơn khẳng định.

Theo hồ sơ trùng tu, cơ quan chuyên môn sẽ hạ giải từng phần, tới đâu là đánh dấu cấu kiện để xem cái nào còn sử dụng lại được, cái nào sử dụng một phần và cái nào phải bỏ đi. Tất cả mọi việc, từng công đoạn đều thực hiện một cách khoa học và sẽ không ảnh hưởng đến du khách tham quan.

Nhiều hạng mục bằng gỗ đang xuống cấp nghiêm trọng

Theo ông Sơn, du khách vẫn có thể tham quan chùa Cầu dưới dạng đang trùng tu và chứng kiến quá trình trùng tu di tích đặc biệt này. “Trùng tu chùa Cầu không thể triển khai như công trình cơ bản bình thường được. Bởi chùa Cầu không chỉ là di tích quốc gia đặc biệt, có lịch sử lâu đời mà còn mang tính biểu tượng hàng trăm năm cho mối quan hệ VN - Nhật Bản, nên việc trùng tu được triển khai thận trọng, đảm bảo tính nguyên tắc di sản”, ông Sơn nói.

Ông Nguyễn Thanh Hồng, Giám đốc Sở VH-TT-DL tỉnh Quảng Nam, cho biết công tác chuẩn bị đầu tư cho dự án trùng tu chùa Cầu đã được TP.Hội An tổ chức thực hiện hết sức chu đáo và kỹ lưỡng từ khâu sưu tầm, nghiên cứu lịch sử, văn hóa, kiến trúc, khảo sát đánh giá hiện trạng kỹ thuật, tổ chức tham vấn chuyên gia… Tuy nhiên, công tác triển khai thi công trên thực tiễn mang ý nghĩa quan trọng hơn, là yếu tố then chốt quyết định cho thành công của dự án, nhất là đối với một dự án tu bổ di tích đặc biệt như chùa Cầu. Vì vậy, trong quá trình trùng tu, cần quán triệt xuyên suốt những quan điểm, nguyên tắc cơ bản, giải pháp về khoa học - kỹ thuật mà quá trình chuẩn bị dự án đã đề ra. Đồng thời, cần tranh thủ học hỏi, tiếp nhận kỹ thuật, kinh nghiệm nhất là từ các chuyên gia Nhật Bản để phục vụ công tác bảo tồn lâu dài giá trị của di sản này.

“Di tích chùa Cầu sẽ được tu bổ, bảo tồn một cách chân xác, toàn vẹn và đảm bảo bền vững lâu dài trong tương lai”, ông Nguyễn Thanh Hồng nói.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.