Chương trình phục hồi kinh tế 347.000 tỉ mới giải ngân 20%, có tâm lý sợ sai

Lê Hiệp
Lê Hiệp
17/10/2022 12:59 GMT+7

Chương trình phục hồi, phát triển kinh tế tổng quy mô lên tới 347.000 tỉ trong 2 năm 2022 - 2023 nhưng tới nay mới giải ngân 20,2%. Chính phủ cho biết, có tâm lý e ngại, sợ mắc sai phạm trong thực hiện.

Đã giải ngân 20,2%

Bộ trưởng Bộ KH-ĐT thừa ủy quyền của Thủ tướng gửi báo cáo tới Quốc hội về kết quả thực hiện Chương trình phục hồi, phát triển kinh tế

gia hân

Chính phủ vừa có báo cáo Quốc hội Kết quả thực hiện Nghị quyết số 43 của Quốc hội về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ Chương trình phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội (Chương trình).

Thay mặt Chính phủ báo cáo, Bộ trưởng Bộ KH-ĐT Nguyễn Chí Dũng cho biết, đến ngày 30.9, số vốn giải ngân đạt trên 61.000 tỉ đồng, bằng khoảng 20,2% tổng quy mô nguồn lực của Chương trình.

Con số này không bao gồm 46.000 tỉ đồng, tương đương 2 tỉ đô la Mỹ dự kiến sử dụng để nhập khẩu vắc xin, thuốc điều trị, trang thiết bị y tế do việc thực hiện cần căn cứ yêu cầu phòng, chống dịch Covid-19 thực tế.

Cụ thể, về chính sách hỗ trợ tiền thuê nhà cho người lao động, đến ngày 23.9 đã giải ngân hơn 3.544 tỉ đồng hỗ trợ tiền thuê nhà cho hơn 5 triệu người lao động, vượt số đối tượng hỗ trợ so với mục tiêu tại thời điểm xây dựng (4 triệu người).

Đồng thời, Ngân hàng Chính sách xã hội đã giải ngân các chính sách tín dụng ưu đãi đến ngày 30.9 đạt 10.704 tỉ đồng cho gần 240.000 đối tượng khách hàng vay vốn, trong đó chính sách cho vay giải quyết việc làm giải ngân 7.000 tỉ đồng, đạt 100% kế hoạch.

Đề cập đến chính sách hỗ trợ 2% lãi suất cho các khoản vay thông qua ngân hàng thương mại của doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ gia đình, ông Dũng cho biết, đến hết tháng 9, các ngân hàng thương mại đã giải ngân hỗ trợ khoảng 29 tỉ đồng, tạm tính doanh số hỗ trợ lãi suất trên 15.000 tỉ đồng, dư nợ được hỗ trợ lãi suất đạt trên 13.000 tỉ đồng.

“Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã sớm quán triệt, tổ chức triển khai thực hiện chính sách, nhưng kết quả giải ngân thực hiện chính sách còn chưa đạt kỳ vọng”, ông Dũng đánh giá.

Về các chính sách thuế, ông Dũng cho biết, đến ngày 28.9, đã miễn thuế giá trị gia tăng đầu ra, thuế môi trường đối với nhiên liệu bay và một số khoản thuế, phí, lệ phí khác là 39.422 tỉ đồng.

Đã gia hạn các loại thuế, tiền thuê đất là 97.895 tỉ đồng, trong đó gia hạn thời hạn nộp thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế thu nhập cá nhân và tiền thuê đất là 91.525 tỉ đồng; gia hạn thời hạn nộp thuế tiêu thụ đặc biệt với ô tô sản xuất hoặc lắp ráp trong nước là 6.370 tỉ đồng.

Chi phí cơ hội hỗ trợ thông qua các chính sách gia hạn thời gian nộp thuế và tiền thuê đất là 7.400 tỉ đồng.

Về việc phân bổ vốn cho các nhiệm vụ, dự án thuộc Chương trình, lãnh đạo Bộ KH-ĐT thông tin, Thủ tướng Chính phủ đã giao 147.138 tỉ đồng kế hoạch đầu tư vốn ngân sách T.Ư của Chương trình cho 94 nhiệm vụ, dự án.

Đối với các dự án còn lại, Thủ tướng giao các bộ, cơ quan, địa phương tiếp tục rà soát, hoàn thiện thủ tục đầu tư, đủ điều kiện giao vốn của Chương trình, báo cáo Thủ tướng và Chính phủ để báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến trước khi tiếp tục giao kế hoạch vốn.

Với kế hoạch năm 2022, Thủ tướng đã giao tổng số vốn 38.155 tỉ đồng từ nguồn vốn của Chương trình cho 4 nhiệm vụ thuộc Chương trình và 254 dự án thuộc kế hoạch đầu tư công trung hạn.

Theo ông Dũng, nhu cầu nguồn lực của Chương trình trong năm 2022 dự kiến là 82.585 tỉ đồng, trong đó đối với khoản dự kiến giảm thu 64.000 tỉ đồng đến thời điểm hiện tại dự kiến không phải tăng bội chi do khả năng thu ngân sách nhà nước của năm 2022 vượt dự toán.

Đối với khoản chi đầu tư phát triển 38.150 tỉ đồng đã được Ủy ban Thường vụ Quốc hội phê duyệt, dự kiến cũng không cần huy động vốn để thực hiện do có thể sử dụng nguồn tăng thu, cắt giảm và tiết kiệm chi ngân sách T.Ư năm 2022.

Hiện Chính phủ đã tổng hợp nhu cầu nguồn lực thực hiện Chương trình còn lại trong năm 2023 trong quá trình xây dựng dự toán năm 2023 để báo cáo Quốc hội.

Sức ép giải ngân lớn

Nêu vướng mắc khi thực hiện chương trình, Bộ trưởng Bộ KH-ĐT chỉ ra, việc xây dựng, ban hành các văn bản hướng dẫn chi tiết việc triển khai một số chính sách thuộc Chương trình còn chậm, chưa đáp ứng yêu cầu đề ra.

Bên cạnh một số chính sách thực hiện chưa được như kỳ vọng, còn tình trạng một số chính quyền địa phương tạo thêm các thủ tục mới bên cạnh các trình tự, thủ tục đã có sẵn, làm người thụ hưởng có tâm lý e ngại, không đăng ký chính sách. Chính sách hỗ trợ tiền thuê nhà cho người lao động được ông Dũng đưa ra làm dẫn chứng.

Với chỉ 2 năm thực hiện (2022 - 2023) trong khi danh mục nhiệm vụ, dự án sử dụng vốn Chương trình mới được giao kế hoạch cuối tháng 9, ông Dũng e ngại sẽ tạo sức ép cho tiến độ thực hiện và giải ngân, đặc biệt đối với các dự án giao thông quy mô lớn.

Có nhiều nguyên nhân được Bộ trưởng Dũng nêu, nhưng về mặt chủ quan, ông cho rằng việc xây dựng, ban hành, quán triệt triển khai các chính sách đôi khi còn chưa được quan tâm đúng mức, gây chậm trễ trong triển khai.

Các cấp, các ngành ở một số nơi còn chưa quán triệt đầy đủ về tầm quan trọng của Chương trình, chưa tích cực đẩy mạnh triển khai các chính sách hỗ trợ thuộc phạm vi mình quản lý, chưa làm tốt công tác thông tin, tuyên truyền để người dân hiểu đúng về chính sách.

Đáng chú ý, Bộ trưởng KH-ĐT Nguyễn Chí Dũng cho biết, "còn có tâm lý e ngại, sợ mắc sai phạm trong thực hiện".

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.