Heo rừng… gây tai nạn giao thông
Chuyện heo rừng gây tai nạn giao thông khá hy hữu, ít ai ngờ tới, nhưng được ông Trần Văn Thắng, Phó giám đốc VQG U Minh Thượng (H.U Minh Thượng, Kiên Giang), xác nhận là thật 100%.
Ông Thắng cho biết đã có ít nhất 2 vụ tai nạn giao thông do heo rừng gây ra, làm cán bộ thuộc đơn vị phải nhập viện. Mới đây nhất, ông Lê Văn Trọng, Phó trưởng Phòng du lịch VQG U Minh Thượng là một nạn nhân của tai nạn giao thông do heo rừng gây ra.
|
Ông Trọng kể, khoảng 18 giờ ngày 2.10.2018, ông được lãnh đạo VQG U Minh Thượng phân công cùng một đồng nghiệp khác đi kiểm tra, nhắc nhở du khách hết giờ câu cá, không được lưu lại trong rừng.
Sau khi kiểm tra xong, ông từ hồ Hoa Mai về lại trụ sở VQG U Minh Thượng thì bất thình lình có một con heo rừng chừng 60 kg tông trực diện vào xe máy ông đang chạy. “Tôi chạy tốc độ 40 km/giờ, gặp phải cú tông như "trời giáng" nên không kịp trở tay”, ông Trọng nói.
“Không ngờ hậu quả hết sức nặng nề. Chụp X-Quang cho thấy tôi bị gãy 2 cây be sườn, phải chuyển lên Bệnh viện đa khoa tỉnh Kiên Giang cấp cứu, điều trị cả tuần. Riêng xe máy thì cong vành, gãy kính chiếu hậu, tốn bạc triệu tiền sửa chữa”, ông Trọng nhớ lại. May mắn cho ông là hôm đó có đồng nghiệp đi cùng hỗ trợ và đưa đi bệnh viện cấp cứu kịp thời.
|
Ông Thắng cho biết thêm trước đó khá lâu, hai cán bộ của VQG U Minh Thượng là ông Danh Hồng Na (hiện công tác tại Trung tâm giáo dục thường xuyên H.Gò Quao, Kiên Giang) và ông Lê Văn Dững (hiện công tác tại Hạt kiểm lâm H.Kiên Hải) bị tai nạn giao thông mà "kẻ" gây ra cũng chính là… mấy chú heo rừng.
tin liên quan
Xe ngựa ở 'thủ phủ' du lịch sinh thái gây tai nạn, người đi bộ bị kéo lêHôm đó, khoảng 22 giờ đêm, ông Na và ông Dững đi từ trong khu vực hồ Hoa Mai để về trung tâm hành chính H.U Minh Thượng thì bị một chú heo rừng húc thẳng vào hông xe máy khiến cả hai té lăn một đoạn dài. Hậu quả, một người bị chấn thương khá nặng phải chuyển lên Bệnh viện đa khoa tỉnh Kiên Giang cấp cứu, người ngồi phía sau té nằm lên chú heo rừng nên chỉ bị trầy xước. Riêng chú heo rừng gần 60 kg chết ngay tại chỗ vì bị đồ gác chân đâm vào bụng.
Hiện nay, để đảm bảo an toàn giao thông, đoạn từ gần trụ sở VQG U Minh Thượng vào khu vực hồ Hoa Mai được có lắp đặt bảng ghi chú ý: “Chạy chậm, đoạn đường cong có cầu thường xuyên xảy ra tại nạn”. Theo ông Trọng, mục đích chính để du khách lái xe cẩn trọng, trong đó có đề phòng heo rừng gây... tai nạn giao thông.
Ông Võ Hoàng Phong, Trưởng Đài truyền thanh H.An Biên, là một người rất đam mê câu cá. Thứ bảy hoặc chủ nhật là ông thu xếp công việc gia đình rồi chạy xe vào VQG U Minh Thượng mua vé câu cá. “Câu cá không chỉ thu được một mớ cá trê có giá trị, hấp dẫn, mà con để đầu óc thanh thản”, ông Phong nói.
|
“Có lần, tôi câu được khoảng 6 kg cá trê thì trời đã tối. Tuy nhiên, thấy cá ăn mồi liên tục, ham quá nên tôi chưa chịu về. Lát sau, tôi nghe tiếng sột soạt sau lưng, quay lại thì không thấy gì nên câu tiếp. Vài phút sau, tôi lại nghe tiếng khì khì, nhưng quay lại thì không thấy gì cả. Đến lần thứ 3 vẫn có tiếng động sau lưng. Lúc này, tôi cảm thấy lạnh xương sống và thật sự là có cảm giác “sợ ma”, ông Phong kể.
Ông Phong kể tiếp: “Lấy lại bình tĩnh, lần thứ 4, tôi lại nghe tiếng nhai sột sột nữa nên quyết định lại gần xem có chuyện gì. Trong ánh sáng yếu ớt, hiện ra trước mắt tôi là một con heo rừng đen thui chừng 80 kg, sau đó nó chạy ra khỏi đám sậy và phóng tọt xuống ao ven đường. Liền tức khắc, tôi gom đồ đạc, lên xe chạy thoát thân”.
"Khi ra khỏi rừng, về đến nhà mà vẫn còn bần thần, bởi lúc ấy chỉ có một mình giữa cánh rừng bạt ngàn tràm, trời thì nhá nhem tối…", ông Phong nhớ lại.
Heo rừng “đòi ăn cơm”
Theo ông Trần Văn Thắng, hiện chưa có thống kê đầy đủ VQG U Minh Thượng còn bao nhiêu heo rừng. Tuy nhiên, thường thường, vào khoảng 17 - 18 giờ hàng ngày sẽ xuất hiện vài con, hoặc có 1 - 2 đàn heo ra bìa rừng, bờ kênh tìm măng, sậy non, khoai mì, môn nước, chuối... để ăn.
Trung tâm cứu hộ bảo tồn và phát triển sinh vật thuộc VQG U Minh Thượng hiện chăm sóc 9 con heo rừng (6 con lớn và 3 con nhỏ), trong đó có một số con bị thương do tai nạn giao thông được đưa về Trung tâm chữa trị, thuần dưỡng. Hàng ngày, cán bộ Trung tâm cho các chú heo rừng ăn khoai mì, chuối… và ăn cơm.
|
Theo một số cán bộ VQG U Minh Thượng, heo rừng sau khi được chữa trị xong thì thả cho về lại rừng. Tuy nhiên, có chuyện hy hữu là do đã quen được chăm sóc và cho ăn cơm nên hễ cứ vào tầm chiều là một số con lại tìm khu vực hồ Hoa Mai (nơi có quán phục vụ ăn uống cho khách du lịch - PV) để kiếm cơm ăn.
Một số người phục vụ quán thấy vậy thường để cơm thừa cho heo rừng ăn. Sau thời gian quen ăn cơm, tầm chiều tối đến heo rừng lại về tìm cơm và… đòi ăn cơm.
Đại tá Bành Văn Đởm, nguyên Trưởng trại giam Kênh 7, nguyên Giám đốc Vườn quốc gia U Minh Thượng, người cả đời gắn bó với rừng, đề nghị: "Heo rừng là một trong những loài đặc trưng của Vườn quốc gia U Minh Thượng. Do vậy, để giữ môi sinh của rừng tốt, ngoài việc bảo vệ rừng thì cần có biện pháp phòng, chống các đối tượng trộm cắp lén lút vào đặt bẫy để bắt heo rừng”.
|
Bình luận (0)