Chuyên gia chỉ 4 dấu hiệu nhận biết nhanh trẻ bị xâm hại

Thúy Hằng
Thúy Hằng
20/09/2024 13:05 GMT+7

Chuyên gia Trần Thị Quế Chi, Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu khoa học giáo dục và đào tạo (IES) chỉ ra những dấu hiệu nhận biết nhanh trẻ bị xâm hại và cách xử trí, hành động nên có từ giáo viên, phụ huynh ngay thời điểm phát hiện trẻ bị xâm hại.


Chuyên gia chỉ 4 dấu hiệu nhận biết nhanh trẻ bị xâm hại- Ảnh 1.

Bà Trần Thị Quế Chi, Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu khoa học giáo dục và đào tạo (IES), tại chương trình của Sở GD-ĐT TP.HCM

ẢNH: THÚY HẰNG

Ngày 19.9, Sở GD-ĐT TP.HCM tổ chức buổi bồi dưỡng năng lực quản lý, nghiệp vụ nuôi dưỡng chăm sóc giáo dục trẻ em cho cán bộ quản lý, giáo viên mầm non. Tại đây, chuyên gia Trần Thị Quế Chi, Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu khoa học giáo dục và đào tạo (IES) chỉ ra những dấu hiệu nhận biết nhanh trẻ bị xâm hại và thông điệp "mỗi giáo viên cần trở thành người bạn đồng hành, là nơi trú ẩn an toàn cho trẻ".

TALKSHOW: Từ vụ Mái ấm Hoa Hồng, làm sao để nhận diện tội ác bạo hành?

Vì sao cần phát hiện sớm?

Điều 4 luật Trẻ em 2016 quy định "xâm hại trẻ em là hành vi gây tổn hại về thể chất, tình cảm, tâm lý, danh dự, nhân phẩm của trẻ em dưới các hình thức bạo lực, bóc lột, xâm hại tình dục, mua bán, bỏ rơi, bỏ mặc trẻ em và các hình thức gây tổn hại khác".

Bà Trần Thị Quế Chi khẳng định: "Việc phát hiện sớm các dấu hiệu của xâm hại trẻ em đóng vai trò sống còn trong việc bảo vệ trẻ khỏi những tổn thương sâu sắc và kéo dài". Những dấu hiệu nào cho thấy trẻ có nguy cơ bị xâm hại?

Bà Chi chỉ ra trước tiên là dấu hiệu về tâm lý. Trẻ bỗng thay đổi hành vi đột ngột. Nếu trẻ trở nên cáu kỉnh, lo âu, hoặc dễ bị kích động hơn bình thường, đây có thể là dấu hiệu của sự căng thẳng hoặc sang chấn tâm lý. Hoặc trẻ thu mình lại, nhút nhát, xa lánh bạn bè và các hoạt động xã hội có thể cho thấy trẻ đang phải đối mặt với những vấn đề tâm lý nghiêm trọng, có thể là hậu quả của việc bị xâm hại.

Bên cạnh đó, trẻ có biểu hiện căng thẳng, dễ hoảng sợ, hoặc mắc phải các rối loạn tâm lý như lo âu hoặc trầm cảm. Những cảm giác này có thể được thể hiện qua hành vi và cảm xúc hàng ngày của trẻ. Kế đó, trẻ luôn cảm thấy tội lỗi hoặc xấu hổ về bản thân và không thể nói chuyện về những gì đã xảy ra, đây có thể là dấu hiệu cho thấy trẻ đang gánh chịu sang chấn tâm lý nghiêm trọng và cảm thấy bị cô lập.

"Các thầy cô giáo hãy chú ý nhìn vào ánh mắt của trẻ, khi các giáo viên đón con đến lớp vào mỗi sáng, hãy quan sát ánh mắt của trẻ. Ánh mắt của trẻ không biết nói dối. Bình thường đó là ánh mắt trong veo, nhưng hôm nay ánh mắt đó bỗng sợ hãi, lo âu, các thầy cô hãy để ý, sự 'sàng lọc ban đầu' này có ý nghĩa rất quan trọng", bà Trần Thị Quế Chi nói.

Chuyên gia chỉ 4 dấu hiệu nhận biết nhanh trẻ bị xâm hại- Ảnh 2.

Chuyên gia chỉ 4 dấu hiệu nhận biết nhanh trẻ bị xâm hại- Ảnh 3.

Những kẻ hành hạ trẻ em bị pháp luật trừng trị nghiêm khắc, những hình ảnh trong phần trình bày của trung tá Bùi Thái Đức, chuyên viên chính Phòng Tham mưu, Công an TP.HCM tại Sở GD-ĐT TP.HCM

ẢNH: THÚY HẰNG

[VIDEO ĐIỀU TRA] Bóng tối sau mái ấm tình thương - Kỳ 1: Nỗi bất hạnh của trẻ sơ sinh

Thứ hai, bà Chi nói tới những dấu hiệu về thể chất. Nếu thấy trẻ có những chấn thương hoặc vết thương bất thường, các vết bầm tím, xước da, hoặc chấn thương ở những vùng nhạy cảm của cơ thể không giải thích được có thể là dấu hiệu của xâm hại thể chất. Các vết thương này cần được chú ý và điều tra kỹ lưỡng. Hoặc những thay đổi trong vệ sinh cá nhân của trẻ; dấu hiệu nhiễm trùng sinh dục hoặc các vấn đề tiểu tiện thường xuyên và đau đớn có thể là triệu chứng của việc trẻ bị xâm hại tình dục và cần được kiểm tra y tế ngay lập tức.

Thứ ba, dấu hiệu nhận biết nhanh trẻ bị xâm hại là căn cứ trên hành vi. Nếu thầy cô giáo thấy trẻ em có thể thể hiện hành vi tình dục không phù hợp với lứa tuổi của mình hoặc có sự hiểu biết về tình dục vượt quá mức cần thiết cho lứa tuổi. Điều này có thể là dấu hiệu của việc trẻ đã tiếp xúc với nội dung tình dục không phù hợp. Trẻ cũng có những thay đổi trong học tập, như khó khăn trong tập trung học, giảm hiệu suất học tập, hoặc không còn hứng thú với các hoạt động học tập...

Và thứ tư, là dấu hiệu trong quan hệ xã hội. Trẻ có thể giảm tương tác với bạn bè hoặc tránh tham gia các hoạt động xã hội mà trước đây chúng yêu thích. Sự giảm sút này có thể là dấu hiệu của sự cô lập và trầm cảm. Hoặc trẻ trở nên nghi ngờ, kỳ thị hoặc không tin tưởng người lớn xung quanh. Điều này có thể phản ánh sự mất lòng tin và cảm giác bị phản bội từ những người mà trẻ tin tưởng...

[VIDEO ĐIỀU TRA] Bóng tối trong mái ấm tình thương – Kỳ 2: Hành hạ không thương tiếc

Phụ huynh nên nói gì với trẻ khi phát hiện trẻ có dấu hiệu bị xâm hại?

Dang rộng vòng tay, hạ thấp độ cao, cúi xuống hoặc ngồi xuống để có thể ôm chặt con trong lòng là động tác đầu tiên và vô cùng quan trọng mà phụ huynh nên làm. Sự bình tĩnh và cư xử theo cách tôn trọng cảm xúc của trẻ, chia sẻ cảm xúc, đồng hành cùng trẻ là điều cần thiết, bà Chi nhấn mạnh.

"Cha mẹ nên nói với trẻ những câu như "Ba/mẹ tin tưởng con"; "Đó không phải lỗi của con", "Ba/mẹ sẽ tố cáo kẻ đã làm con đau; "Ba/mẹ sẽ không bao giờ để chuyện đó xảy ra với con nữa"… Không nên hỏi trẻ những câu như"Tại sao?", "Như thế nào?". Nếu trẻ chưa sẵn sàng kể chuyện, ba mẹ hãy bình tĩnh nói chuyện với trẻ vào dịp khác. Đặc biệt, lúc này trẻ cần những lời khuyến khích, động viên, thể hiện yêu thương từ cha mẹ", Phó viện trưởng IES trao đổi.

Chuyên gia chỉ 4 dấu hiệu nhận biết nhanh trẻ bị xâm hại- Ảnh 4.

Ngày 19.9, Sở GD-ĐT TP.HCM tổ chức buổi bồi dưỡng năng lực quản lý, nghiệp vụ nuôi dưỡng chăm sóc giáo dục trẻ em cho cán bộ quản lý, giáo viên mầm non

ẢNH: THÚY HẰNG

17 cơ quan liên quan bảo vệ trẻ em nhưng xâm hại trẻ vẫn diễn ra hàng ngày hàng giờ

Bà Trần Thị Quế Chi nhìn nhận Việt Nam có tới 17 cơ quan liên quan đến bảo vệ trẻ em. Tuy nhiên, những vụ việc xâm hại trẻ em vẫn đang diễn ra hàng ngày, hàng giờ.

Đặc biệt trong giai đoạn những năm 2020-2021, số vụ việc xâm hại trẻ em so với giai đoạn 2019-2020 tăng lên cả về số vụ, số đối tượng và số trẻ em bị xâm hại. Đáng chú ý là những vụ việc liên quan đến hành vi giao cấu với trẻ đủ từ 13 - dưới 16 tuổi và hiếp dâm trẻ em đều tăng tương đương 13% và 20%.

Theo Cục Trẻ em (Bộ LĐ-TB&XH), từ 2020-2022 phát hiện 5.693 vụ, 6.514 đối tượng, xâm hại 5.904 trẻ em, trong đó trẻ em là nạn nhân dưới 6 tuổi chiếm tỷ lệ 7,02% (năm 2020), 6,54% (năm 2021), 6,65% (năm 2022); hiếp dâm trẻ em tăng cả về số vụ, số đối tượng và nạn nhân.

Tỷ lệ trẻ em bị bạo lực trong gia đình có xu hướng tăng (năm 2020 chiếm 5,55%; năm 2021 chiếm 5,98%; năm 2022 chiếm 7,5%); sử dụng mạng xã hội để xâm hại trẻ em tăng cao (năm 2022 là 421 vụ tăng 1,45% so với năm 2020).

Bà Trần Thị Quế Chi cho biết những hậu quả của việc xâm hại trẻ em không chỉ là những tổn thương tức thời mà còn là những ảnh hưởng lâu dài, để lại dấu ấn không thể xóa nhòa trong cuộc đời của trẻ. Từ các vấn đề tâm lý như trầm cảm và lo âu đến những khó khăn về thể chất và học tập, sự tác động này làm thay đổi toàn bộ quỹ đạo phát triển của trẻ. Đồng thời, trẻ cũng có thể gặp khó khăn trong việc thiết lập và duy trì các mối quan hệ lành mạnh trong tương lai...

[VIDEO ĐIỀU TRA] Bóng tối trong mái ấm tình thương – Kỳ 3: Tuổi thơ bị ‘đầu độc’

Các bước phụ huynh cần làm khi trẻ bị xâm hại

  • Cách ly trẻ với kẻ lạm dụng trẻ;
  • Hỗ trợ tâm lý trẻ;
  • Giữ lại toàn bộ vật chứng liên quan vụ xâm hại, không tắm không thay quần áo cho trẻ khi phát hiện sự việc;
  • Khai thác thông tin từ trẻ, ghi lại thông tin;
  • Đưa trẻ đến cơ quan công an gần nhất để tố cáo;
  • Kiểm tra sức khỏe cho trẻ càng sớm càng tốt;
  • Có thể tìm kiếm sự giúp đỡ từ các tổ chức xã hội, nhân viên công tác xã hội để tìm kiếm các nguồn lực hỗ trợ;
  • Có thể tìm chuyên viên tham vấn tâm lý để giúp trẻ vượt qua cú sốc này.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.