Sau đây, chuyên gia sẽ chia sẻ cách tập lý tưởng và hiệu quả nhất cho bạn, theo tờ Indian Express.
Tiến sĩ Mickey Mehta, chuyên gia sức khỏe hàng đầu Ấn Độ, khuyên: Trước hết, hãy tập chậm rãi, nhịp nhàng và dưới mức tối đa, chớ bao giờ đưa cơ thể đến mức kiệt sức. Hãy tập để giúp giải phóng năng lượng chứ không làm cạn kiệt năng lượng của bạn.
Bắt đầu từ từ, không tập quá sức đến mức đau đớn và kiệt sức hoàn toàn. Bí quyết là chỉ tập đến mức thở gấp. Vì vậy, khi tập đến mức cảm thấy khó chịu, hãy dừng lại.
Tập thể dục chậm và nhịp nhàng mang lại một số lợi thế so với tập luyện cường độ cao.
Tập luyện quá mức cũng có thể gây đau nhức, tích tụ axit lactic, chấn thương đầu gối, khớp và cả vấn đề về tim, theo Indian Express.
Tùy chỉnh cách tập của bạn theo nhu cầu và khả năng của các nhóm tuổi khác nhau để đạt được những lợi ích sức khỏe lớn nhất.
Sau đây là cách tập thể dục cho từng lứa tuổi.
Cách tập thể dục tốt nhất theo độ tuổi
Độ tuổi 20 - 30: Từ 20 đến 30 tuổi, cơ thể có thể lực và sức chịu đựng cao. Trong giai đoạn này, trọng tâm chính là phát triển nền tảng vững chắc cho sức khỏe trong tương lai.
Kết hợp các bài tập aerobic, bao gồm chạy, đạp xe hoặc bơi lội, để tăng cường sức khỏe cho tim. Để phát triển và duy trì khối lượng cơ bắp, việc rèn luyện sức mạnh với tạ hoặc các bài tập thể hình là rất cần thiết. Các bài tập linh hoạt, như yoga, có thể giúp cải thiện khả năng vận động và giảm nguy cơ chấn thương.
Độ tuổi 30 - 40: Khi bạn bước vào độ tuổi 30 và 40, trách nhiệm thường tăng lên cùng với yêu cầu của công việc và cuộc sống gia đình. Hãy cân bằng giữa tập thể dục và các nỗ lực khác.
Lý tưởng nhất là các bài tập aerobic để duy trì sức khỏe tim mạch. Tuy nhiên, có thể cần phải giảm tần suất và cường độ một chút để phù hợp với các vấn đề sức khỏe khác. Tập luyện sức mạnh vẫn rất cần để ngăn ngừa sự suy giảm cơ bắp do tuổi tác. Kết hợp các hoạt động như đi bộ nhanh và căng duỗi trong giờ nghỉ để duy trì hoạt động suốt cả ngày.
Độ tuổi từ 50 trở lên: Khi bạn bước qua tuổi 50, sức khỏe khớp trở thành mối quan tâm lớn.
Các bài tập aerobic tác động thấp, như bơi lội hoặc đạp xe, được ưu tiên hơn trong giai đoạn này vì các bài tập tác động mạnh có thể gây căng thẳng quá mức cho các khớp, theo Indian Express.
Tập luyện sức mạnh vẫn rất cần thiết và tập trung vào việc duy trì khối lượng cơ bắp và hỗ trợ sức khỏe của xương.
Khi già đi, cảm giác thăng bằng thường suy giảm, vì vậy hãy kết hợp các bài tập thăng bằng để giảm nguy cơ té ngã. Để giữ cho cơ thể linh hoạt, hãy nhắm đến ít nhất 150 phút hoạt động cường độ vừa phải mỗi tuần, tăng dần tính linh hoạt.
Bình luận (0)