Chuyên gia hướng dẫn cách điều chỉnh nguyện vọng thông minh

Quý Hiên
Quý Hiên
03/09/2021 18:05 GMT+7

Hơn 2 ngày nữa là hết hạn thí sinh được điều chỉnh nguyện vọng đăng ký xét tuyển. Luật sư Nguyễn Thị Kim Phụng chia sẻ một số thông tin giúp thí sinh và phụ huynh có được lựa chọn thay đổi nguyện vọng thông minh.

Theo lịch của Bộ GD-ĐT, đến 17 giờ ngày 5.9, cổng thông tin tuyển sinh sẽ đóng với các thí sinh, vì đó là thời hạn cuối cùng các em được quyền truy cập hệ thống để điều chỉnh nguyện vọng. Năm nay, Bộ GD-ĐT cho phép thí sinh được làm đi làm lại 3 lần việc điều chỉnh nguyện vọng đăng ký xét tuyển. Vì vậy, có một số thí sinh dù đã điều chỉnh nguyện vọng rồi nhưng vẫn muốn làm lại khi chưa yên tâm với việc điều chỉnh của mình.

Hệ thống xét tuyển hoạt động theo cơ chế nào?

Trao đổi với PV Thanh Niên, luật sư Nguyễn Thị Kim Phụng, nguyên Vụ trưởng Vụ Giáo dục ĐH, Bộ GD-ĐT, cho rằng để điều chỉnh nguyện vọng thông minh, trước hết thí sinh cần hiểu cơ chế hoạt động hệ thống xét tuyển.
Bà Kim Phụng cho biết, hệ thống xét tuyển chung từ điểm thi THPT được chạy trên phần mềm để ra kết quả trúng tuyển vào ngành/trường có thứ tự ưu tiên cao nhất trong danh sách đăng ký hoặc điều chỉnh nguyện vọng của thí sinh
Ví dụ, bạn Nguyễn Văn A 25 điểm khối A00 (toán, lý, hóa), đã tính điểm ưu tiên khu vực, điểm ưu tiên đối tượng. Trong khi đó, bạn A đã đăng ký nguyện vọng của mình theo thứ tự sau (con số trong ngoặc là thông tin điểm trúng tuyển năm 2020 của ngành tương ứng):
NV2: công nghệ thông tin (CNTT), HV Công nghệ Bưu chính Viễn thông (27,44).
NV3: Điện tử - viễn Thông, Trường ĐH Bách khoa Hà Nội (27,30).
NV4: CNTT hợp tác với New Zealand, Trường ĐH Bách khoa Hà Nội (25,55).
NV5: CNTT, Trường ĐH Giao thông vận tải (24,75).
NV6: CNTT, Trương ĐH Mở Hà Nội (23).
NV7: CNTT, Trường ĐH Thủy Lợi (22,75).
Với bảng sắp xếp nguyện vọng như trên, với điểm xét tuyển mà bạn A đã đạt được, bạn A sẽ đỗ NV5. Với cơ chế hoạt động của hệ thống xét tuyển như đã nói trên, bạn A sẽ không được hệ thống đưa vào danh sách xét tuyển ở 2 nguyện vọng sau (NV6 và NV7). Nếu bạn A hài lòng với kết quả đó (mặc dù có thể vẫn tiếc vì đã không đỗ các nguyện vọng cao hơn), thì việc sắp xếp nguyện vọng của bạn là ổn.
Tuy nhiên, nếu bạn A mong muốn đỗ vào ngành CNTT của Trường ĐH Mở Hà Nội, hoặc vào ngành CNTT của Trường ĐH Thủy lợi, hơn là đỗ vào ngành CNTT Trường ĐH Giao thông vận tải, thì sao?
Để trả lời câu hỏi này, thí sinh cần phải xác định được 2 loại nguyện vọng: nguyện vọng yêu thích và nguyện vọng an toàn. Ngay cả trong nguyện vọng an toàn cũng có thể có nhiều nguyện vọng trong nhóm nguyện vọng được xem là an toàn nên thí sinh cũng cần phải quan tâm đến mức độ yêu thích của mình với từng nguyện vọng.
Cụ thể ở trường hợp trên, nếu bạn A thích Trường ĐH Thủy lợi hơn hết thảy trong số 3 trường thuộc diện nguyện vọng an toàn (NV5, NV6, NV7), thì bạn A đặt Trường ĐH Thủy lợi lên trên 2 trường kia (ở vị trí NV5) để được trúng tuyển vào trường yêu thích hơn.

Các bước để xác định nguyện vọng yêu thích và nguyện vọng an toàn

Bước 1, thí sinh phải xác định mình mong muốn đỗ vào những trường ĐH nào đó, với phổ ngành lựa chọn rộng, hay muốn chọn một ngành cụ thể rồi từ đó sẽ chọn trường có đào tạo ngành đó. Bà Kim Phụng cho rằng lý tưởng nhất là thí sinh biết mình mong muốn được đăng ký xét tuyển vào ngành nào, sau đó căn chọn trường mà ngành thí sinh yêu thích có điểm trúng tuyển phù hợp với điểm xét tuyển của thí sinh.
Việc lựa chọn ngành, thí sinh căn cứ vào các yếu tố sau: vào định hướng nghề nghiệp tương lai; phù hợp với tính cách, phẩm chất, thế mạnh; sự đam mê, yêu thích; cơ hội việc làm… Các em có thể tìm hiểu trên google thông tin về ngành học sau này sẽ làm những nghề nghiệp gì, phù hợp với người có tính cách ra sao, ngành rộng hay ngành hẹp thế nào…
Bước 2, thí sinh lựa chọn ra danh sách các trường ĐH có ngành đúng và ngành tương ứng, cùng với thông tin điểm chuẩn năm trước của các ngành này.
Ngành tương ứng là các ngành liên quan và gần với ngành lựa chọn. Ví dụ, muốn học CNTT thì có thể chọn khoa học máy tính hoặc điện tử - viễn thông là ngành tương ứng. Đến đây, các em lại sử dụng công cụ tìm kiếm trên mạng internet với các từ khóa tên trường, ngành, điểm chuẩn. Nên xem thông tin trên trang của trường, hoặc xem ở các báo chính thống. Không nên xem trên các trang trôi nổi, hoặc các nguồn tin thiếu kiểm chứng, để tránh việc thông tin thiếu chính xác.
Bước 3, các em sắp xếp các nguyện vọng (ngành, trường) theo thứ tự điểm chuẩn 2020 từ cao xuống thấp (điểm chuẩn theo tổ hợp môn thi thí sinh chọn).
Bước 4, loại bỏ các nguyện vọng có điểm chuẩn quá cao so với điểm của bạn (cao hơn 4-6 điểm); các em chỉ nên giữ lại 5-8 nguyện vọng.
Bước 5, các em phân loại và xếp theo thứ tự nguyện vọng theo “ngành yêu thích nhất” và theo “trường mình yêu thích nhất”.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.