Chuyện lạ: Thầy giáo bị mất việc do cơ thể... tự sản xuất rượu trong ruột

Thiên Lan
Thiên Lan
23/03/2023 00:09 GMT+7

Một thầy giáo đã mất việc trường trung học vì tội lái xe khi say rượu, do kiểm tra hơi thở phát hiện anh có nồng độ cồn quá cao… Nhưng thực ra anh này bị hội chứng tự sản xuất rượu (ABS), một tình trạng hiếm gặp khiến cơ thể sản xuất rượu trong ruột.

Anh Mark Mongiardo, ở Estero, Florida (Mỹ), cho biết các triệu chứng của anh xuất hiện lần đầu tiên vào năm 2006 khi anh còn dạy học tại Trường trung học New Milford ở New Jersey, khi các đồng nghiệp bắt đầu than phiền rằng anh nồng nặc mùi rượu mặc dù thực sự anh không bao giờ uống rượu khi làm việc, tờ New York Post đưa tin.

Vụ việc cuối cùng đã buộc anh phải chuyển công tác đến Học khu Liberty Central ở ngoại ô New York, vào năm 2018.

Một thầy giáo bị phạt nồng độ cồn và mất việc chỉ vì cơ thể - Ảnh 1.

Anh đã 2 lần vi phạm nồng độ cồn trong khi không hề uống!

Minh họa: Shutterstock

2 lần vi phạm nồng độ cồn trong khi không hề uống!

Nhưng chỉ 3 tuần sau, anh Mongiardo đã bất ngờ bị chặn lại và bị buộc tội lái xe khi say rượu. Anh đã bị sốc khi nồng độ cồn trong máu đo được khoảng 0,18 mg/ml - cao hơn nhiều so với giới hạn cho phép.

Một lần nữa vào năm 2019, anh lại bị chặn lại vì vừa lái xe vừa sử dụng điện thoại di động, đồng thời bị buộc phải thử máu và kiểm tra hơi thở, và lại có nồng độ cồn trong người. Mongiardo khẳng định, một lần nữa, rằng anh không uống một giọt rượu nào, nhưng vụ phạt này đã khiến anh bị nghỉ việc, theo New York Post.

Tôi mất tất cả. Tôi còn chờ thi hành án phạm trọng tội và phải đối mặt với án tù vì 2 lần lái xe khi say rượu trong khi tôi hoàn toàn không uống rượu.

Đến gặp bác sĩ và tìm ra câu trả lời

Sự cố cuối cùng đã khiến Mongiardo đến gặp bác sĩ chuyên khoa tiêu hóa có trụ sở tại Staten Island (Mỹ), tiến sĩ Prasanna Wickremesinghe, một trong số ít chuyên gia chuyên điều trị ABS, và ông đã chẩn đoán anh mắc bệnh này.

Một thầy giáo bị phạt nồng độ cồn và mất việc chỉ vì cơ thể - Ảnh 2.

Bệnh nhân mắc chứng tự sản xuất rượu trong ruột phải tuân theo chế độ ăn kiêng low-carb

Shutterstock

Mongiardo cho biết: Tôi bắt đầu khóc như điên vì đã tìm ra câu trả lời.

Tiến sĩ Wickremesinghe nói rằng không có khuôn khổ nào để chẩn đoán tình trạng này - vì về cơ bản là do bệnh nhân bị tác dụng phụ với thuốc kháng sinh.

Ông cho biết loại thuốc này có thể phá vỡ quần thể sinh vật trong ruột, khiến nấm và men chiếm ưu thế. Sau đó, khi tiêu thụ carbohydrate vào, ruột sẽ lên men rượu.

Tiến sĩ Wickremesinghe nói: Đó là trường hợp bệnh nhân có vẻ say rượu nhưng thực sự họ không hề uống.

Chuyên gia này đã điều trị cho 30 bệnh nhân mắc tình trạng này, với thuốc chống nấm và chế độ ăn kiêng ít tinh bột (low-carb) nghiêm ngặt.

Tiến sĩ Wickremesinghe nói thêm rằng anh đang làm việc để nâng cao nhận thức về ABS trong cộng đồng y tế nhằm giúp xác định nhiều bệnh nhân có thể mắc bệnh hơn - và hy vọng thiết lập một khuôn khổ để chẩn đoán và điều trị tình trạng này.

May mắn cho Mongiardo, các cáo buộc lái xe khi say rượu cuối cùng đã bị bác bỏ do các công tố viên chưa kịp truy tố anh.

Giờ đây, anh Mongiardo uống 30 viên thuốc mỗi ngày để điều trị ABS, tuân theo chế độ ăn kiêng low-carb và tự kiểm tra nồng độ cồn trong hơi thở trước khi ngồi sau tay lái, theo New York Post.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.