Chuyện những tên đường ở TP.HCM: Vì sao trùng tên hoặc sai nhưng chậm sửa?

10/11/2022 13:35 GMT+7

Nhiều năm qua, các nhà nghiên cứu đã chỉ ra những tên đường trùng, tên đường bị đặt sai ở TP.HCM nhưng đến nay, số các tên đường được sửa lại chỉ tính lác đác, vì sao như vậy?

Để có câu trả lời cho những thắc mắc trên, PV Thanh Niên đã có cuộc trao đổi với ông Hoàng Nghị, Trưởng phòng Quản lý di sản, Sở Văn hóa và Thể thao TP.HCM – người tham gia Hội đồng Đặt, đổi tên đường TP.HCM từ ngày đầu thành lập đến nay.

Cân nhắc khi thay đổi tên đường

PV: Xin hỏi ông, ở TP.HCM có khoảng bao nhiêu con đường, vì sao các tên đường bị trùng nhau?

TP.HCM hiện có khoảng 2.000 tuyến đường. Việc các tên đường bị trùng lặp nhau thì ở đây có mấy lý do như sau:

Thứ nhất là do TP.HCM trước đây gồm 3 đơn vị hành chính khác nhau, đó là TP.Sài Gòn, Chợ Lớn và tỉnh Gia Định. Việc đặt tên đường là do mỗi đơn vị, nên việc trùng tên đường cũng là lẽ dễ hiểu.

Ở Q.1 có đường Nguyễn Huệ, Q.Gò Vấp có đường Quang Trung

Nhật Thịnh

Từ khi thống nhất đất nước cho đến năm 1995, không có đơn vị nào quản lý việc đặt tên đường nên quận, huyện, tổ chức cá nhân đặt cũng là một trong các nguyên nhân bị trùng tên.

Năm 1995, Hội đồng Đổi, đặt tên đường được thành lập, hội đồng đã rà soát lại tất cả các tên đường trên địa bàn TP. Những đường bị trùng tên thì đánh giá xem tuyến nào cần đổi, tuyến nào không, làm sao để trên địa bàn TP chỉ có 1 tên đường mang tên 1 nhân vật lịch sử.

Có giai đoạn, TP đã ký văn bản đổi 26 tên đường trùng tên trong quận. Trong đó có những tên đặt cho 3 - 4 con đường, như vậy là biết bao nhiêu con đường đã đổi tên.

Poll TNO
Trắc nghiệm về tên đường ở TP.HCM?

Khi trình đề án thì thấy đổi tên đường sẽ thay đổi nhiều nên HĐND TP cân nhắc kỹ lưỡng, trùng tên trong quận thì đổi; còn trùng tên khác quận, huyện vẫn giữ lại để tránh xáo trộn đời sống người dân. Hiện nay, tên các đường trùng nhau cũng hầu như là trùng giữa các quận, huyện với nhau, chứ trong cùng một quận, huyện mà còn trùng là rất hiếm.

PV: Thưa ông, việc đổi, đặt tên đường hiện nay được hội đồng thực hiện như thế nào?

Để đổi tên đường hiện nay theo nghị định phải nghiên cứu kỹ lưỡng, chỉ đổi tên không có ý nghĩa về lịch sử - văn hóa, không phải là nhân vật tiêu biểu của đất nước, của địa phương gây ảnh hưởng xấu trong xã hội thì phải đổi nhưng cần xem xét thận trọng. Những nhân vật còn có ý kiến khác nhau thì không đặt tên đường, chỉ sử dụng ddặt tên đường với nhân vật lịch sử có công lao đóng góp.

Việc đổi tên đường sẽ ảnh hưởng đến đời sống người dân nên luôn được cân nhắc kỹ lưỡng

nhật thịnh

Còn những đường đang hiện hữu nhưng tên của nhân vật đó vẫn còn ý kiến khác nhau thì Viện Sử học, Viện Lịch sử quân sự có kết quả nghiên cứu, đánh giá chính thức thì chúng tôi mới tiến hành đổi. Khi đổi tên một con đường thì phải xin ý kiến nhân dân, thực hiện quy trình, làm việc chặt chẽ.

Đổi tên đường sẽ liên quan đến các giấy tờ nhà, giấy tờ xe, căn cước, thương hiệu, mẫu mã in trên bao bì nên phải cân nhắc. Sở cũng nghiên cứu, cân nhắc chỗ này để chỉnh.

Poll TNO
Bạn thấy cách đặt tên đường ở TP.HCM thế nào?

PV: Theo đề án của nhóm nghiên cứu về tên đường của PGS.TS Tôn Nữ Quỳnh Trân thì có 38 tên đường bị đặt sai, nhưng sao đến nay TP chỉ mới sửa 4/38 tên đường này?

Sau khi đề án này được công bố, Sở VH&TT đã thông báo chỉ thay đổi 19/38 tên đường trong số trên. Có một số tuyến mang tên tước hiệu, một số tuyến tên đường gọi là phương ngữ, tiếng địa phương, tránh lệ kỵ húy thì không sửa.

Ví dụ như đường Lê Thánh Tôn, Tôn Đản là những tên đường ăn sâu vào trong tiềm thức của người dân rồi, ngày trước gọi vậy để tránh kỵ húy nên cũng không nhất thiết phải sửa thành Lê Thánh Tông hay Tông Đản.

Những tên còn lại thì vẫn đang làm từng bước một, cân nhắc và cẩn thận. Hội đồng sẽ xem xét, xác minh kỹ, sau đó xin ý kiến người dân ở con đường đó, tạo sự đồng thuận trong nhân dân. Cái gì sai mình phải sửa nhưng làm hết sức thận trọng.

Một tên đường trước khi được đặt sẽ qua nhiều bước bỏ phiếu, xin ý kiến

nhật thịnh

Theo Nghị định 91 chỉ có nhân vật lịch sử có tội hay tên đường không có ý nghĩa thì mới đổi. Còn tên đường đặt tên phương ngữ, kỵ húy thì không nhất thiết là phải đổi. Trước mắt là ưu tiên đổi những tên đường sai dấu do sai trong quá trình thực thi cắm biển.

Quy trình đặt tên đường qua nhiều bước

PV: Vậy quy trình đặt tên đường ở TP.HCM hiện tại thế nào thưa ông?

Thẩm quyền đặt tên đường là HĐND TP. Và quy định đối với 2 đô thị đặc biệt TP.HCM, Hà Nội trước khi đặt tên đường phải lấy ý kiến bộ VH-TT&DL mới được đổi tên đường.

Poll TNO
Bùi Viện là tên một con đường ở Q.1, TP.HCM. Vậy Bùi Viện là ai?

Trước đó, muốn đặt đổi tên đường đầu tiên phải biên soạn ngân hàng tên đường, ngân hàng đó phải bao gồm các nhân vật lịch sử, địa danh, danh từ,… rồi Sở lấy ý kiến Hội Khoa học lịch sử, Hội Di sản Văn hóa. Tiếp theo đưa ra Hội đồng Đổi, đặt tên đường bỏ phiếu, tên nào 50% thì giữ lại, trình UBND TP xem xét bổ sung vào ngân hàng tên đường.

Ngân hàng tên đường hiện nay đang có khoảng gần 900 tên đã được duyệt, đó là tên của các di tích lịch sử, quốc hiệu của đất nước qua các thời kỳ, tên danh nhân lịch sử, tên núi, tên sông… Tên của một vài đảo thì đang biên soạn để bổ sung vào.

Ông Hoàng Nghị

Trên cơ sở ngân hàng đó, cấp cơ sở, phường xã rà soát lại tuyến đường cần đặt tên, lấy ý kiến đoàn thể ở địa phương có những con đường phải lấy ý kiến toàn bộ nhân dân phải đổi, đặt mới. Sau đó thì các quận, huyện lấy ý kiến trên 50% trở lên thì đưa tiểu sử nhân vật, cấp cho tuyến đường nào, từ đâu tới đâu, giao cắt đường nào, xung quanh có các tuyến đường nào mới gửi về Sở.

311 tên đường ở TP.HCM bị đặt trùng - theo nghiên cứu của nhóm do PGS.TS Tôn Nữ Quỳnh Trân thực hiện

nhật thịnh

Sở tiếp tục lấy kiến kiến hội Khoa học lịch sử, Hội di sản văn hóa về việc lấy tên này đặt vào vị trí này có phù hợp không, vì sao đặt, có liên quan gì đường xung quanh, chiều dài, lộ giới có phù hợp nhân vật này không, phải làm khoa học chứ không phải muốn đặt tên gì thì đặt. Ví dụ tên đường gắn liền với cụm, như đường Trường Chinh thì phải gắn liền CMT8, tên đường là bà mẹ Việt Nam anh hùng thì đưa về gần nơi thời bà mẹ sinh sống.

Xong xuôi đề xuất lên thì gửi về Sở, chuyển qua UBND, lấy ý kiến một số Sở, ngành liên quan để xác định xem chiều dài lộ giới, những tuyến liên quận. Rồi tiếp theo là chuyển đến Hội đồng Đổi, đặt tên đường, các thành viên trong Hội đồng xem xét bỏ phiếu, xong xuôi trình UBND TP. UBND TP chờ kỳ họp thì trình HĐND TP. Nếu được thông qua, HĐND sẽ ra nghị quyết, sau đó UBND TP ra văn bản chỉ đạo đơn vị liên quan thực hiện các bước tiếp theo như tuyên truyền, thay đổi giấy tờ,…

PV: Theo tìm hiểu, một số người dân TP không biết chính tên đường mình đang sinh sống hay đi qua hằng ngày là ai, có ý nghĩa thế nào. Sở đã làm gì để người dân hiểu hơn về tên đường ở TP?

Sở cũng đã cùng các nhà nghiên cứu xuất bản cuốn sách về đường phố TP.HCM, cung cấp tiểu sử nhân vật cho quận, huyện để quận huyện in tập sách rồi chuyển về tổ dân phố. Bên cạnh đó, Sở VH&TT cũng phối hợp Sở GTVT gắn mã QR, nội dung tuyên truyền giới thiệu con đường.

Theo tôi được biết, một số nơi có thực hiện công trình thanh niên về tên con đường hay thông tin trên website của địa phương, trong trường học. Sở cũng đang cùng nhóm nghiên cứu chuẩn bị nội dung về tên đường, lịch sử hình thành, chiều dài, trước đó mang tên gì, trên đường có những di tích gì,… để người dân có thể dễ dàng tìm hiểu bằng công nghệ thông tin.

Poll TNO
Bà Hạt là tên một đường ở Q.10 dài khoảng 1,4km. Vậy bà Hạt là ai?

PV: Vậy ngân hàng tên đường hiện nay ở TP.HCM do ai đề xuất, thưa ông?

Hiện nay Sở đã phối hợp với hội Khoa học lịch sử, hội Di sản Văn hóa biên soạn ngân hàng tên dườngd. Mặt khác các tổ chức, cá nhân đều có thể đề xuất tên nhân vật lịch sử, địa danh, sự kiện lịch sử đề xuất bổ sung vào ngân hàng tên.

Ngày trước, trong Hội đồng có thầy Lê Trung Hoa, thầy biết nhiều địa danh nên cũng đề xuất khá nhiều tên để đưa ra hội đồng bỏ phiếu.

Quỹ tên đường của TP.HCM ở hiện tại có khoảng gần 900 tên

nhật thịnh

Ngân hàng tên đường hiện nay đang có khoảng gần 900 tên đã được duyệt, đó là tên của các di tích lịch sử, quốc hiệu của đất nước qua các thời kỳ, tên danh nhân lịch sử, tên núi, tên sông… Tên của các đảo thì đang biên soạn để bổ sung vào.

Nhưng hầu như các con đường ở nội thành đều đã có tên, chỉ có một vài con đường vừa mở ở các quận, huyện vùng ven vừa mở mới cần đặt tên.

PV: Xin hỏi ông thêm là vì sao Sở lại đề xuất đổi tên cầu Thủ Thiêm 1, 2 thành Thủ Thiêm, Ba Son và với cầu Thủ Thiêm 3, 4 sau này cũng dự kiến đổi lại tên khác thay vì đánh số theo Thủ Thiêm?

Cầu Thủ Thiêm 1 được đề xuất đổi thành cầu Thủ Thiêm. Tên gọi Thủ Thiêm có từ thế kỷ 18 và là địa danh thuộc TP.Thủ Đức. Còn cầu Thủ Thiêm 2 vừa hoàn thành tháng 4.2022 được đề xuất đổi tên là Ba Son; cầu Thủ Thiêm 3, 4 đang nghiên cứu xây thời gian tới cũng được đề xuất mang tên Thủ Ngữ, Bến Nghé.

Trong đó, Ba Son là tên gọi của thủy xưởng bên bờ sông Sài Gòn, gắn liền với cuộc đời hoạt động cách mạng của Chủ tịch Tôn Đức Thắng. Cầu Thủ Thiêm 3 dự kiến được gọi là Thủ Ngữ, đây là tên của cột cờ nằm ở ngã ba rạch Bến Nghé giao sông Sài Gòn. Còn Bến Nghé cũng là vùng đất giàu lịch sử.

Nếu đặt như vậy và khi các cầu hoàn thành hết thì dọc sông Sài Gòn chúng ta sẽ thấy có các tên cầu: Bình Triệu, Sài Gòn, Thủ Thiêm, Ba Son, Thủ Ngữ, Bến Nghé, Phú Mỹ. Những tên này gợi nhớ lại cho người dân dấu ấn di tích xưa trên vùng đất này.

Xin cảm ơn ông về cuộc trao đổi!

Chuyện những tên đường ở TP.HCM

Lịch sử chuyện những cái tên lâu đời nhất hoặc bị đặt sai

Hàng trăm con đường trùng tên, vì sao?

Lẫy lừng các cụm tướng nhà Trần, Lê và những cái tên còn tranh cãi

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.