Chuyện ở ngã tư đường - Truyện ngắn dự thi của Ngân Kim

Ngân Kim
Bình Thuận
20/10/2024 10:00 GMT+7

Cái ngã tư đường bé xíu mà có tới 5 con người 'đóng đô' mưu sinh.

Số 1 là một người đàn ông thâm thấp nhỏ con, tóc bù xù mặt nhỏ thó, nói hơi đớt, bán vé số. Số 2 và 3 là hai mẹ con gầy nhẳng, mặt mũi người mẹ bịt kín vì nắng, còn con bé đen thui, chẳng biết mấy tuổi, nhìn tướng tá bé xíu xiu thì đoán chừng lớp 2 mà chẳng biết đúng không, có thể suy dinh dưỡng cũng nên. Hai mẹ con cũng bán vé số. Số 4 là chị bán nước sâm, dáng người cao gầy, mặt mũi chẳng bao giờ thấy được vì sợ nắng nên bịt kín mít hai lần khẩu trang. Chị này trông khá nhất, có phần sạch sẽ, có chút điều kiện vì đi xe Wave (dẫu cũ) chứ không xe "căng hải" như mấy người còn lại. Người số 5, mới tới thôi, một người đàn ông trung niên khắc khổ, gầy như que củi, chân trái bị cưa hơn nửa ống chân, còn băng trắng (lem nhem cái màu máu hay thuốc sát trùng khô), đi lại bằng cặp nạng gỗ. Ông ấy chẳng bán thứ gì, chỉ chìa chiếc nón lưỡi trai cũ kỹ ra xin. Người ta hỏi:

- Chớ sao phải cưa chân?

- Bị té từ lầu 3 xuống đó chú.

- Sao mà té?

- Dạ, tôi làm thợ hồ, đương làm nhà dân thì bị sập giàn giáo té. Nên vầy.

- Mới cưa hay gì, sao không ở nhà nghỉ ngơi?

- Cũng muốn nghỉ ngơi lắm, mà tiền viện phí còn nợ người ta trả chưa hết, nên thôi, ráng…

Thấy bộ đáng thương của số 5, người đi đường móc túi ra mười ngàn bỏ vào cái nón cũ. Số 5 cảm ơn rối rít. Rồi, với cái bộ dạng ấy, đứng im nhìn những người dừng đèn đỏ. Chờ đợi. Kiên nhẫn. Ai cũng thấy số 5 nhưng lâu lâu mới có một người bỏ vào cái nón cũ năm ngàn, mười ngàn, hay ít hơn, vài ba ngàn bạc lẻ.

Chuyện ở ngã tư đường - Truyện ngắn dự thi của Ngân Kim- Ảnh 1.

ẢNH: S.A

Trong những lúc trưa nắng chang chang, đường vắng, dẫu có đèn đỏ cũng dăm ba cái xe dừng lại, cư dân ngã tư chán chẳng buồn nhấc mông ra khỏi đôi dép mủ lót đít, nán ngồi dưới mái hiên nhà người ta, bắt chuyện với nhau. Bao giờ cũng là hỏi thăm hoàn cảnh của nhau, sao lại phải ra đây chờ đèn đỏ.

Số 2 và số 3, hai mẹ con bán vé số, chỉ cười trừ:

- Chồng bỏ, một mình nuôi hổng nổi nên cho nó nghỉ học bán vé số. Tiền phòng trọ tháng hết gần triệu bạc rồi, lấy đâu dư mà cho nó đi học.

- Lớp mấy rồi?

- Lớp 4 rồi đó, mà như con mèo con.

Những tiếng thở dài đan cài vào nhau. Biết an ủi nhau thế nào bây giờ trong khi số phận ai cũng na ná giống nhau. Số 1 giở giọng đơn đớt:

- Kệ tía nó đi. Chồng bỏ thì kệ nó, bán vé số cũng có ăn mà. Tới đâu thì tính tới đó, mớ gì lo đâu.

- Nó nói thì hay vậy đó, chớ rên không hà. Bữa đứa nào mới than không biết chừng nào đủ tiền cưới vợ vậy? - Số 4, chị bán sâm, chắc trề môi cả thước, giễu.

- Có con nào thèm ưng đâu mà cưới. Giờ có ai ưng là tui sẵn sàng mượn nợ cưới liền.

- Ngon à. Nói được làm được hông đó cha? - Số 4 chêm vào.

Số 1 giả lả chạy ra mời mấy tài xế dừng đèn đỏ mua vé số.

Số 4 nhìn theo lắc đầu, "haiza" một tiếng rõ to:

- Thấy vậy chớ đời nó khốn nạn dữ lắm. Má nó hồi đó cũng một thân một mình nuôi nó, giờ bả mất để lại thằng con bơ vơ. Đã vậy ổng còn nói đớt nữa chớ. Nghèo, xấu, đớt, thành ra chẳng có con nào dám ưng. Nó thèm lấy vợ dữ lắm đó.

Số 5 bật cười:

- Lấy vợ vui mà, không thèm sao được. Như tui nè, nhà tui vui lắm.

- Ủa, có vợ mà sao lại phải lê lết ra đây chi cha nội, để vợ nó lo - Số 4 đanh đá, mỉa.

Người đàn ông chùng xuống, đượm buồn:

- Vợ, cả tháng trời tui ở trong bệnh viện, tất tả mượn nợ ngược xuôi. Thương lắm. Là thằng đàn ông mà bám váy vợ sống, tủi lắm. Tui định vài bữa chân lành rồi, gắn chân giả, xin đi làm bảo vệ cũng được chớ đi xin vầy… đường cùng phải muối mặt ra đây chớ ai muốn ngửa tay xin thiên hạ bố thí đâu chị.

Một khoảng lặng giữa bốn con người. Không ai dám lên tiếng, dẫu là một tiếng ho. Lúc đó số 1 quầy quả đi vào, phe phẩy cái nón:

- Nắng thí bà cố á. Hên quá, bán được hai tờ nữa. Còn hai mấy tờ hà. Hết xấp này về ngả lưng xíu chớ buồn ngủ quá xá.

Số 2 và 3 nghe cái tin của số 1 thì hối hả chạy ra mời khách. Cái xấp vé số trên tay hai mẹ con còn dày. Vậy là cái hội tám nghỉ trưa cũng giải tán, ai vào việc nấy, lo cho bữa cơm chiều nay, ngày mai, ngày mai nữa…

Biết bao cái ngày mai nó đã trở thành ngày hôm qua thì cái hội 5 con người ngã tư thân nhau thiệt sự. Chị bán sâm đã biết mời nước 4 người còn lại mỗi trưa nắng nóng. Anh chàng nói đớt lâu lâu còn chơi lớn, mời luôn bạn bè nhai chewing gum cho thơm miệng trắng răng. Hai mẹ con thì lâu lâu mời mọi người ăn sáng bắp luộc, còn người đàn ông cụt chân thì mời ăn khoai mì luộc nhà trồng. Cứ thế năm con người gắn bó với nhau. Cho tới một hôm không thấy ông cụt chân tới nữa. Bốn người râm ran vào buổi trưa, ai cũng tò mò không biết người số 5 đã dạt về đâu.

- Chắc ổng gắn chân giả rồi xin làm bảo vệ rồi.

- Đâu nhanh dữ dị, hôm qua tui còn thấy cái băng nó dính máu khô đen sì đó mà. Cả năm đã biết lành chưa.

- Chắc ổng ngại không dám đi xin nữa. Người ta đi xin người ta kể khổ đủ, chớ ổng đi xin cứ đứng một chỗ có nài nỉ ai đâu mà được nhiều.

- Với lại ở đây gần quốc lộ chứ dân quê không hà, tiền đâu cho hoài.

- Hay ổng đổi chỗ khác xin ta?

- …

Có cái sự vắng mặt của người số 5 thôi mà 4 người còn lại râm ran cả một buổi trưa, đến độ quên luôn việc mời khách mỗi khi đèn đỏ bật.

Ngày thứ 2. Ngày thứ 3. Ngày thứ 4…

Vẫn không thấy sự xuất hiện của người số 5. Cả bốn người còn lại đã quên bẵng mất người đàn ông nhỏ thó, cụt chân ấy rồi. Ai đâu rảnh nói hoài chuyện thiên hạ, lo miếng cơm của mình trước chớ. Bởi vậy người ta mới có câu: miệng lưỡi thiên hạ nói ba năm cũng im, ai đâu rảnh nói cả đời. Cái gì không hiện diện trước mắt người ta thì sớm muộn gì cũng chìm vào quên lãng.

Và bốn con người đó vẫn giữ cái nếp sống canh ánh sáng đèn đỏ, vẫn ngày ngày mời chào khách qua đường. Những ngày hè nắng nóng như thế này là thời điểm mà chị bán sâm đắt khách nhất. Mỗi ngày chị bán hết hai thùng đá nước sâm. Trừ đi chục ngàn tiền đá, nguyên liệu thì nhà trồng phần nhiều, chỉ mua đường phèn, thành ra tiền lời cũng đủ lo năm cái miệng ăn. Có hôm nắng quá, chị giở khẩu trang ra thở, ba người còn lại mới thấy được dung nhan. Trên hai gò má cao là vài vết tím bầm còn chưa kịp tan hết. Khỏi phải hỏi cũng đủ biết lý do vì sao. Chỉ có con bé số 3 ngây thơ hỏi:

- Mặt cô dính gì mà tim tím vậy cô.

Nó chìa cái khăn lạnh mà nó lấy tiền bán vé số dành mua để dành lau mặt buổi trưa cho đỡ buồn ngủ, an ủi:

- Cô lau đi cho sạch.

Người đàn bà đón lấy cái khăn từ tay con bé, chậm vội hai giọt nước mắt vừa lăn ra, rồi vội vã đeo khẩu trang lại, nói lảng:

- Hôm nay nắng mà sao bán chậm quá chừng.

Chàng thanh niên số 1 thì thầm:

- Đi làm nuôi nó mà nó cũng oánh bà nữa sao?

- Hổng đưa tiền nó oánh số nên…

- Cái thằng sao chó má dữ vậy. Khổ quá thì quăng mẹ nó đi chớ ráng chịu đựng chi.

- Còn 3 đứa con nheo nhóc nữa...

Lần này thì chị ta sụt sùi thật. Lại phải gỡ khẩu trang lau nước mắt nước mũi.

- Bỏ thì 4 mẹ con biết đi đâu? Ra ở phòng trọ, nội mua nguyên liệu thì bán được mấy đồng lời. Ở nhà có đất mới trồng được…

- Haiza, tui nói thiệt, mấy thằng đàn ông đánh vợ là khốn nạn lắm. Tui mà có vợ là tui cưng hơn trứng mỏng.

- Ờ, lấy được vợ đi rồi hẵng nói, sợ khi đó oánh vợ còn hơn người ta nữa - Chị bán vé số châm chọc.

- Tui nói thiệt. Tui chỉ ước có được con vợ để chiều mà hổng đứa nào chịu lấy mới đau chớ.

Vậy là trưa đó, ngã tư râm ran câu chuyện về bạo lực gia đình, về chuyện lấy chồng khổ quá thì có nên bỏ hay không.

Đó cũng là ngày mà cư dân ngã tư xôn xao nhất từ trước đến nay. Ba cái miệng tranh nhau nói, còn một đôi mắt ngây thơ xoe tròn thì há hốc mồm để nghe. Trong suy nghĩ non nớt của nó thế giới người lớn thiệt là phức tạp. Nó thấy nó còn may mắn, ba nó bỏ đi chớ không có đánh đập gì hai mẹ con hết. Rồi nó suy nghĩ, nếu mốt lớn lấy chồng mà khổ vầy thì mình phải làm gì? Xong nó đi đến quyết định ở vậy chứ không thèm lấy chồng chi cho cực.

Mà cái chuyện sau này con bé có lấy chồng không thì còn ở xa tít tắp. Còn cái chuyện kinh thiên động địa hơn đó là bỗng một ngày cư dân số 5 của ngã tư xuất hiện. Lần này không phải với đôi nạng gỗ và cái chân cụt bó băng trắng nữa. Ông ấy xuất hiện với một bộ đồ màu trắng sạch sẽ, với cái xe hơi màu xanh có gắn biển "taxi". Thì ra ông xin đi chạy taxi thay vì làm bảo vệ.

- Cái nghề này cũng vui lắm, chịu cực chạy tới nửa đêm thì cũng có kha khá khách, cũng đủ lo cho mấy đứa nhỏ đi học.

Cư dân ngã tư ồ à liên hồi. Họ nhận ra dạo này số 5 có da có thịt hơn, và cái chân cụt hồi trước được thay bằng cái chân giả, giấu trong ống quần. Nhìn bên ngoài thì chẳng ai biết được đó là chân giả vì nó vẫn đeo giày được đàng hoàng. Số 5 rút trong túi ra thanh sô cô la cho con bé:

- Chú tặng cháu nè. Bữa có khách nước ngoài tặng nên chú để dành tặng cháu.

Con bé tròn xoe mắt nhìn thứ kẹo lạ lẫm.

- Sô cô la Đức á con, ăn ngon lắm.

- Vậy à. Chia mỗi người một miếng ăn thử đi con - Người mẹ giục.

Con bé cẩn thận bóc lớp giấy bạc, bẻ cho một người một ít. Ai cũng tấm tắc khen ngon, từ hồi giờ mới biết mùi vị sô cô la là gì.

- Nào, bây giờ mời mọi người lên xe, tui chở đi lên siêu thị chơi cho biết. Hoàn toàn miễn phí nha anh chị em.

Bốn người còn lại quên mất cái vụ còn chưa bán xong hàng. Họ háo hức trèo lên xe. Số 5 đề máy, chiếc taxi lao nhanh trên đường mang theo tiếng cười rộn rã.

Đó là ngày đầu tiên cả năm con người cùng cười.

Đó cũng là ngày đầu tiên họ không còn phải canh chừng ánh sáng đèn đỏ nữa…

Chuyện ở ngã tư đường - Truyện ngắn dự thi của Ngân Kim- Ảnh 2.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.