Đi sâu vào những câu chuyện của các dự án, của bao gia đình, mới cảm nhận được niềm vui nỗi buồn mỗi ngày của họ. Nhưng, điều đọng lại vẫn là đời sống vẫn cứ ngày càng căng thẳng. Nụ cười ít hơn mỗi khi ra đường, nhưng thẳm sâu trong truyền thống của người Sài Gòn vẫn là cái tính hào sảng, bộc trực và rất bao dung.
|
Đến nơi tiệc tàn, chừng bạn đã say sưa!
Tháng 8.2015, một lần đợi bạn từ quê vào, tôi ngồi ở một quán rượu. Nhìn người xe ngược xuôi, chờ mãi vẫn chưa thấy bạn đến. Hơn một tiếng đồng hồ sau, bạn có vẻ phờ phạc bước vào quán. Hỏi ra, vì kẹt xe nên mới chậm trễ. Về, tôi viết bài thơ vui Sài Gòn nơi một lần tôi đến để tặng bạn, trong đó có đoạn nói thay: Sài Gòn nơi một lần tôi đến/Bạn mừng vui hẹn gặp lúc năm giờ/Tôi trừ hao bốn giờ xuất phát/Đến nơi tiệc tàn, chừng bạn đã say sưa, có ý tự trào về cái cảnh sống chen chúc của mình ở đây.
tin liên quan
Năm 2018 liệu có 'bong bóng' bất động sản?“Theo số liệu tổng điều tra dân số ngày 1.4.2009, TP.HCM có 7.123.340 người. So với 10 năm trước, dân số TP tăng thêm 2,086 triệu người (tăng 41,4%) và chiếm 22% số dân tăng thêm của cả nước. Mật độ dân số lên đến 3.400 người/km2, tăng bình quân 1.000 người/km2 so với 10 năm trước là 2.404,4 người/km2” - Ở đoạn đầu của bài 1, tôi đã dẫn ra số liệu như thế. Vậy thì, với hơn 20 năm tôi ở đây, tính áng chừng, dân số Sài Gòn cũng đã tăng tròm trèm 5 triệu người, đó là tính số liệu thống kê được. Tất nhiên, con số thực sẽ cao hơn nhiều.
Vậy thì sẽ có biết bao nhiêu căn nhà phải xây dựng, và công tác quản lý sẽ phải giỏi như thế nào để theo kịp cái đà tăng dân số như thế? Trong khi nguồn vốn cho xây dựng hạ tầng thì có hạn, chưa kể loại kinh phí này thường bị “xà xẻo” rất khủng khiếp.
Bốn luật quản một nhà!
Để quản lý tình trạng sử dụng đất đai xây dựng và kinh doanh, cho đến nay, có thể nói mỗi căn nhà khi được xây dựng đều phải bị “quản” bởi 4 bộ luật: luật Đất đai, luật Xây dựng, luật Nhà ở và luật Kinh doanh bất động sản. Đó là chưa kể hàng trăm nghị định và thông tư hướng dẫn. Phải nói rằng, cái rừng văn bản ấy, đối với người làm báo như chúng tôi, luôn phải tiếp cận và cập nhật mà nhiều khi cũng hoa cả mắt, huống chi với người dân ngày ngày phải đương đầu với cuộc mưu sinh. Nói ví dụ như ở dạng văn bản là quyết định của UBND TP.HCM về chuyện tách thửa, trong vòng 9 năm qua đã có 3 quyết định thay nhau, đó là quyết định 19 (2009), quyết định 33 (2014) và đầu năm nay, 2018 là quyết định 60. Cái sự thay đổi xoành xoạch, thiếu ổn định ấy, với cơ quan quản lý Nhà nước thường được biện minh “là để theo kịp thực tế phát triển nên phải điều chỉnh, thay đổi”. Nhưng, với người dân, thì đây là mối tai họa, vì họ chẳng biết đường nào mà lần. Chỉ có, chắc chắn một điều: đó chính là mảnh đất béo bở cho những quan chức muốn “hành dân” hoặc cho những kẻ đầu cơ trục lợi, có ý đồ dựa vào chính sách nhà nước để buôn đất hoặc làm dịch vụ giấy tờ nhà đất.
|
|
“Anh phải sống”!
Tôi cũng đã đọc lại loạt 3 bài Nỗi khổ tái định cư của mình đăng trên Thanh Niên vào tháng 12.2009. Vào thời điểm gần tết, tôi đến thăm và phỏng vấn bà con ở một số chung cư tái định cư để viết bài. Đó là các chung cư Lý Chiêu Hoàng (P.An Lạc, Q.Bình Tân) dành để tái định cư cho dân di dời do bị giải tỏa để làm dự án Đại lộ Đông-Tây; chung cư An Sương (P.Đông Hưng Thuận, Q.12), với 8 block nhà gồm 288 căn hộ do Công ty Phát triển và Kinh doanh nhà TP.HCM (thuộc Tổng công ty địa ốc Sài Gòn) làm chủ đầu tư. Dự án An Sương được xây dựng và bàn giao cho Công ty Quản lý nhà TP.HCM để phân bổ cho các hộ dân có tái định cư tại các dự án của TP.HCM nằm rải rác ở các quận như Bình Thạnh, Tân Phú, Tân Bình, quận 6… Và một dự án 38 ha phân lô ở P. Tân Thới Nhất (Q.12), dành để tái định cư cho các hộ dân giải tỏa mở rộng đường Trường Chinh.
Hầu hết dân ở dự án nào cũng đều bức xúc và có 2 chi tiết tôi đặc biệt nhớ mãi. Đó là trên tấm bảng dùng để cập nhật phản ảnh của cư dân chung cư An Sương, có ghi rõ ràng: “208 B2 thấm nước toa-let, 405A4 nứt trần, B2 04 toa-let nghẹt, nứt tường lầu 5 hồ nước A2, 205 thấm trần lô B3, 202B3 thấm trần, 303A3 thấm trần…”. Khi vào phòng làm việc, lén giở cuốn sổ của Tổ quản lý chung cư, tôi tốc ký được đoạn này: “Hộ 202 B1 nền gạch phòng khách bị bong tróc, nứt vỡ khoảng 0,4 m2. Hộ 103, 104, 203, 204, 304, 307, 405 lô B3 bị thấm trần nhà vệ sinh. Hộ 02 lô A1 sụp nền ban-công khoảng 1 m2”.
Khi xong việc bước ra, tôi gặp một người đàn ông trung niên nói giọng Bắc, hỏi: “Nhà anh có bị sự cố gì không?”. Ông cười bảo: “Có chớ sao không. Kiếp sống tái định cư mà. Anh phải sống thôi!”. Tôi cùng bật cười với cái cung cách chấp nhận không gì lạc quan hơn của người đàn ông ấy, khi lấy tựa đề một truyện của nhà văn Khái Hưng để vận vào trường hợp của mình và bao người dân ở nơi đây!
|
Hoành tráng, và gì nữa?
Sở dĩ tôi nhắc đến dự án này là bởi vì cái cách khởi động của nó vô cùng “hoành tráng”cách đây 10 năm. Đó là dự án Khu đô thị Đại học diện tích 925 ha dự kiến sẽ tọa lạc tại H.Hóc Môn và một phần H.Củ Chi. Buổi chiều của ngày đầu tháng 7.2008, tại Dinh Thống Nhất rợp cờ xí, Chủ tịch UBND TP.HCM đã trao giấy phép đầu tư cho một tập đoàn nước ngoài với số vốn đầu tư 3,5 tỉ USD. Con số ấn tượng ấy, ngay sau đó được ông Nguyễn Hữu Tín, Phó chủ tịch UBND TP.HCM thông tin đầy náo nức: “Dự án sẽ dung chứa 75.000 người, và đây là một trong những dự án quan trọng vì nó không chỉ là dự án phát triển đô thị đã góp phần nâng tổng vốn đầu tư nước ngoài trên địa bàn TP trong 6 tháng đầu năm 2008 lên hơn 7,1 tỉ USD (bằng tổng vốn đầu tư nước ngoài của 3 năm 2005, 2006, 2007 tại TP.HCM), mà còn là dự án góp phần phát triển nền giáo dục Việt Nam, đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao cho TP và khu vực phía nam”.
Những lời “có cánh” ấy khiến cho các nhà báo như hình dung được một viễn cảnh rất to lớn cho vùng đất Tây Bắc TP.HCM. Không vui sao được, và ai cũng hồ hởi đưa tin viết bài, trong đó có cả tôi…
Sau 10 năm, mới đây vào ngày 6.7 vừa qua, khi nhận một bản báo cáo tổng quan thị trường bất động sản TP.HCM quý 2/2018 do tập đoàn Savills gửi, tôi chú ý đến một vài số liệu: “Thị trường đất nền sơ cấp ghi nhận có 2.870 nền trong quý, với tỷ lệ hấp thụ đạt 68%. Các dự án mới giao dịch mạnh mẽ chiếm 60% tổng số giao dịch đất nền trong quý. Củ Chi dẫn đầu với 48% tổng lượng giao dịch”.
Như vậy, một phần của cái khu đô thị Tây Bắc ấy vẫn đang nóng, và không biết có bao nhiêu vụ giao dịch đất đai ở khu vực này, là nằm trong cái dự án hoành tráng đã kể trên?
|
Để kết thúc
Tôi không có tham vọng thực hiện loạt bài này để nói về cái sự tổng quát một cách “đao to búa lớn” về một giai đoạn đầy biến động của thị trường địa ốc tại TP.HCM nói chung, hoặc cái phân khúc thị trường đất phân lô có khi náo nhiệt vô cùng, có lúc lại chùng xuống như võng, nói riêng. Mà tôi chỉ là một trong những chứng nhân ghi chép lại khá cần cù tỉ mỉ những gì đã diễn ra suốt 20 năm qua, với tất cả những gì mình có được. Về phần tư liệu, tôi cũng đã cố gắng lưu trữ, và nay hệ thống lại, mới càng thấy rõ ràng hơn như lắp lại những mảnh ghép, cho dễ hình dung.
Rốt cuộc lại, với đất đai nhà cửa, thì vẫn luôn là một vấn đề vô cùng thiết thực, nhưng cũng lại rất nhiêu khê. Nên chi, khúc vĩ thanh này cũng xin được phép lấy tựa bản nhạc của cố nhạc sĩ Trịnh Công Sơn để bạn đọc bớt nặng đầu. Bốn mùa vẫn luân chuyển, mọi sự ở cõi trần thế này vẫn cứ xoay vần. Đó mới chính là cuộc đời, hằng như nó vẫn tồn tại!
Bình luận (0)