Sau khi chia tay HLV người Hàn Quốc Chung Hae-soung, bước sang mùa giải 2021, CLB TP.HCM chi hàng chục tỉ đồng để mời về HLV Polking từ Thái Lan cùng 3 chân sút ngoại là Joao Paulo, Barros và Da Silva cộng thêm cựu tuyển thủ Mỹ Lee Nguyễn với tham vọng đua tranh cùng CLB Hà Nội và trở thành thế lực lớn của bóng đá Việt Nam. Ngoài số ngoại binh trên, họ còn đưa về rất nhiều cầu thủ nội đang có chuyên môn tốt như Lâm Ti Phông, Hồ Tuấn Tài, Lê Sỹ Minh..., những người mà rất nhiều đội bóng khác ao ước được sở hữu. Thế nhưng kết quả mà họ nhận được càng tệ hơn khi đang phải ngụp lặn ở nhóm cuối bảng (xếp thứ 12/14 đội) và có nguy cơ rớt hạng, điều chẳng ai dám nghĩ đến trước mùa giải.
Còn CLB Sài Gòn, sau khi giành HCĐ mùa bóng trước, mùa bóng này quyết định lột xác khi chuyển qua mô hình "Nhật hoá" từ cách điều hành cho đến nhân sự của đội bóng. Hàng loạt cầu thủ cũ bị thanh lý, thay vào đó là các cầu thủ như Daisuke Matsui, Hiroyuki Takasaki (quốc tịch Nhật Bản) và Woo Sang-ho (Hàn Quốc) cũng như các cầu thủ nội ít tên tuổi. Thế nhưng sau 10 vòng đấu, đội bóng này cũng chỉ kiếm được 3 trận thắng còn lại thua đến 5 trận và hoà 3, rơi xuống vị trí áp chót trên bảng xếp hạng, cũng rơi vào viễn cảnh tranh suất trụ hạng với CLB TP.HCM. ‘Điểm son” của CLB Sài Gòn ở mùa giải năm nay chính là đội bóng duy nhất đánh bại HAGL cho đến thời điểm này.
|
Hệ quả, CLB TP.HCM lên tiếng sẽ thanh lý cả 3 tiền đạo người Brazil còn CLB Sài Gòn sau khi thay HLV người Nhật Bản Shimoda ở những vòng đấu trước cũng thanh lý hợp đồng với 3 ngoại binh Daisuke Matsui, Hiroyuki Takasaki và Woo Sang-ho sau những thất bại trên.
Có thể thấy điều gì ở những quyết định trên của hai đội bóng TP.HCM?
Thứ nhất, đó là cả hai đều sử dụng đồng tiền không hiệu quả trong việc tuyển quân, nhất là CLB TP.HCM. Chẳng hiểu lãnh đạo đội bóng này nghĩ gì lại "đốt tiền" để đưa về những ngoại binh có giá trị cả triệu USD trong khi chuyên môn còn kém cả những cầu thủ nội ở mức trung bình. Đơn cử sau vòng 10, Dario, Barros và Joao có số bàn thắng lần lượt là 1, 1 và 0. Hơn nữa, 3 cầu thủ này cũng không đóng góp quá nhiều vào lối chơi chung khi họ thường xuyên chơi cá nhân và không có sự kết nối tốt với đồng đội xung quanh.
Thực ra đây không phải lần đầu CLB TP.HCM vung tiền quá trán khi mùa trước từng rước về cặp tiền đạo "bom tấn" người Costa Rica với giá trị cũng cả triệu USD nhưng sau đó đã thành "bom xịt" và sớm khăn gói ra đi.
Còn đội Sài Gòn FC thì lại đưa về những lão tướng đã ngoài 40 tuổi như Matsui, Đỗ Merlo... trong khi mật độ thi đấu V-League năm nay quá khắc nghiệt với trung bình 3 ngày/trận. Vì vậy chẳng có gì lạ khi đội bóng này chỉ chơi được... 70 phút, còn lại là chỉ lo phòng thủ và phá bóng!
|
Thứ hai, đó là sự mất cân đối trong việc mua sắm cầu thủ, như CLB TP.HCM chỉ tập trung vào các cầu thủ tấn công, trong khi hàng thủ, nơi chưa bao giờ là điểm mạnh của họ, lại không có nhân tố mới, thậm chí còn bị loại như trường hợp trung vệ rất xuất sắc ở mùa trước là Diakite. Càng đáng tiếc hơn khi những cầu thủ ngoại đã qua kiểm chứng ở V-League như Pedro, Geovane... thì lại không ký hợp đồng mà để họ chạy đến những đối thủ trực tiếp khiến như "hổ mọc thêm cánh".
Nhiều người cho rằng chỉ cần CLB TP.HCM và Sài Gòn FC giữ nguyên bộ khung cầu thủ và ban huấn luyện như năm rồi thì họ đủ sức cạnh tranh ở tốp đầu và là một đối trọng đáng gờm với những đội như HAGL, Viettel... ở mùa giải năm nay.
Nhiều đội bóng ở V-League dù tài chính không dồi dào nhưng vẫn thi đấu thành công, đơn cử như Nam Định, Than Quảng Ninh, bởi họ biết liệu cơm gắp mắm với số tiền ít ỏi của mình, lựa chọn đúng cầu thủ ngoại mình cần và được kiểm chứng cẩn thận, chứ không "ném tiền qua cửa sổ" mà chẳng đem lại hiệu quả gì.
Vì thế, đã có rất nhiều người hâm mộ bóng đá TP.HCM đang đặt câu hỏi với hai đội bóng thân yêu của mình: Tiền nhiều để làm gì?
Bình luận (0)