Cơ chế chậm, ai chịu trách nhiệm?

22/06/2023 04:14 GMT+7

Tập đoàn điện lực VN (EVN) đang yêu cầu kiểm điểm trách nhiệm nhiều đơn vị để xảy ra thiếu điện. Nhưng nếu chỉ truy các thành viên của EVN thôi thì chưa đủ. Không ít cơ chế, chính sách ban hành chậm trễ cũng đóng góp lớn vào tình trạng nguồn điện thiếu hụt hiện nay.

Trách nhiệm thuộc về cơ quan nào cũng cần phải được làm rõ.

Đơn cử như cơ chế mua bán điện trực tiếp mà rất nhiều người đang mong chờ. Từ tháng 5 khi Quy hoạch Điện 8 được phê duyệt, EVN ngay lập tức đã kiến nghị Bộ Công thương sớm ban hành hướng dẫn phát triển điện mặt trời (ĐMT) mái nhà không phát lên lưới. Thời điểm đó, điện chưa quá căng thẳng như hiện nay nhưng lãnh đạo EVN, ông Võ Quang Lâm, vẫn hết sức sốt ruột khi giải thích với chúng tôi về việc nếu các hộ, các doanh nghiệp (DN) đầu tư điện tái tạo không dùng hết có thể bán điện cho "hàng xóm" thì sẽ giảm tải rất lớn cho ngành này. Thực ra từ giữa năm 2022, EVN cũng đã có tờ trình về việc xử lý, giải quyết vướng mắc phát sinh về ĐMT mái nhà. Trong đó, vấn đề trọng tâm là việc đấu nối các hệ thống ĐMT để tự tiêu dùng tại chỗ, không phát lên lưới điện. Trong Quy hoạch Điện 8 mới ban hành cũng nhấn mạnh: "Ưu tiên và có chính sách đột phá để thúc đẩy phát triển ĐMT mái nhà của người dân và mái công trình xây dựng, nhất là các khu vực có nguy cơ thiếu điện như miền Bắc và ĐMT tự sản tự tiêu...". Thế nhưng đến lúc này, cơ chế, hướng dẫn vẫn chưa có, vẫn phải chờ.

Nhìn lại "lịch sử" thì từ năm 2021 cơ chế thí điểm mua bán điện trực tiếp đã được đưa ra lấy ý kiến. Nhiều DN lớn, đặc biệt là các DN FDI, sau đó cũng đề nghị được tham gia cơ chế này. Đến năm 2022, chúng ta cũng lấy ý kiến và nay là năm 2023, nghĩa là đã 2 năm trôi qua, cơ chế vẫn chưa được ban hành. Vậy thì với tình hình thiếu điện hiện nay có bao nhiêu phần là xuất phát từ sự chậm trễ này? Trách nhiệm thuộc về ai, cơ quan nào? Đặt trong bối cảnh cam kết của Thủ tướng Chính phủ tại COP26 đưa phát thải ròng về 0% vào năm 2050 thì sự chậm trễ này càng cần phải làm rõ.

Chính sách không theo kịp sự vận động của cuộc sống, của thị trường; quản lý tới đâu, phát triển tới đó... từng một thời bị lên án gay gắt. Thế nhưng điều này vẫn tồn tại ở khắp mọi lĩnh vực. Đụng tới đâu cũng thấy vướng cơ chế, thiếu hướng dẫn... trong khi nhu cầu của xã hội, nhu cầu của phát triển, nhu cầu chuyển đổi sang phát triển xanh thì ngày càng cấp thiết. Đáng nói, sự chậm trễ này tồn tại ngay trong khi Đảng và Nhà nước đã có chủ trương, chậm trễ ngay trong bối cảnh cấp thiết, ngay trong yêu cầu "ưu tiên" của Quy hoạch Điện 8...

Thiếu điện đang gây ảnh hưởng lớn đến sản xuất kinh doanh của DN; đến thu hút du khách của nhiều tỉnh/thành; đến đời sống sinh hoạt của người dân... Nhìn xa hơn, tình trạng thiếu điện còn có thể ảnh hưởng tới thu hút vốn đầu tư trực tiếp vào VN, ảnh hưởng đến môi trường đầu tư mà chúng ta đã nỗ lực cải thiện và quảng bá lâu nay...

Thế nên bên cạnh truy trách nhiệm chậm ban hành cơ chế, chậm hướng dẫn thì phải nhanh chóng huy động các nguồn điện để giải tỏa nhu cầu đang căng thẳng hiện nay.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.