Quy hoạch điện 8 ưu tiên phát triển năng lượng tái tạo, dừng nhiệt điện than

16/05/2023 15:37 GMT+7

Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 (Quy hoạch điện 8) vừa được Chính phủ ký quyết định phê duyệt sẽ ưu tiên phát triển năng lượng tái tạo và đến năm 2050 sẽ không còn sử dụng than để phát điện.

Phát triển mạnh điện gió ngoài khơi, sản xuất năng lượng mới

Theo Quy hoạch điện 8 được Thủ tướng Chính phủ ký quyết định phê duyệt ngày 15.5, Việt Nam đẩy nhanh phát triển nguồn điện từ năng lượng tái tạo (điện gió, điện mặt trời, điện sinh khối...), tiếp tục gia tăng tỷ trọng của năng lượng tái tạo trong cơ cấu nguồn điện và điện năng sản xuất.

Quy hoạch điện 8 ưu tiên phát triển năng lượng tái tạo, dừng nhiệt điện than - Ảnh 1.

Quy hoạch điện 8 xác định ưu tiên, tập trung phát triển các nguồn năng lượng tái tạo

ĐỘC LẬP

Cụ thể, Quy hoạch điện 8 định hướng đẩy mạnh phát triển điện gió trên bờ và ngoài khơi, điện mặt trời phù hợp với khả năng hấp thụ của hệ thống, khả năng giải tỏa công suất của lưới điện, giá thành điện năng và chi phí truyền tải hợp lý gắn với bảo đảm an toàn vận hành và tính kinh tế chung của hệ thống điện, tận dụng tối đa cơ sở hạ tầng lưới điện hiện có.

Ưu tiên, khuyến khích phát triển điện gió, điện mặt trời tự sản tự tiêu (trong đó có điện mặt trời mái nhà của người dân và mái công trình xây dựng, điện mặt trời tại các cơ sở sản xuất kinh doanh, tiêu thụ tại chỗ, không đấu nối hoặc không bán điện vào lưới điện quốc gia). Định hướng phát triển điện mặt trời phải kết hợp với pin lưu trữ khi giá thành phù hợp.

Theo lộ trình đến năm 2030, công suất điện gió trên bờ đạt 21.880 MW (tổng tiềm năng kỹ thuật của Việt Nam khoảng 221.000 MW); phát huy tối đa tiềm năng kỹ thuật điện gió ngoài khơi (khoảng 600.000 MW) để sản xuất điện và năng lượng mới.

Đến năm 2030, công suất điện gió ngoài khơi phục vụ nhu cầu điện trong nước đạt khoảng 6.000 MW; quy mô có thể tăng thêm trong trường hợp công nghệ phát triển nhanh, giá điện và chi phí truyền tải hợp lý. Định hướng đến năm 2050 đạt 70.000-91.500 MW.

Quay hoạch điện 8 khẳng định phát triển mạnh điện gió ngoài khơi kết hợp với các loại hình năng lượng tái tạo khác (điện mặt trời, điện gió trên bờ…) để sản xuất năng lượng mới (hydro, amoniac xanh…) phục vụ nhu cầu trong nước và xuất khẩu. Các nguồn điện năng lượng tái tạo, sản xuất năng lượng mới phải mang lại hiệu quả kinh tế cao, trở thành một ngành kinh tế mới của đất nước.

Theo ước tính, công suất nguồn điện gió ngoài khơi để sản xuất năng lượng mới khoảng 15.000 MW đến năm 2035 và khoảng 240.000 MW đến năm 2050.

Quy hoạch điện 8 xác định tiềm năng điện mặt trời của Việt Nam khoảng 963.000 MW (mặt đất khoảng 837.400 MW, mặt nước khoảng 77.400 MW và mái nhà khoảng 48.200 MW). Từ nay đến năm 2030, tổng công suất các nguồn điện mặt trời dự kiến tăng thêm 4.100 MW; định hướng đến năm 2050, tổng công suất 168.594 - 189.294 MW, sản xuất 252,1-291,5 tỷ kWh. Để khai thác tiềm năng này, Quy hoạch điện sẽ ưu tiên và có chính sách đột phá để thúc đẩy phát triển điện mặt trời mái nhà của người dân và mái công trình xây dựng, nhất là các khu vực có nguy cơ thiếu điện như miền Bắc và điện mặt trời tự sản, tự tiêu.

Ngoài ra, Quy hoạch điện 8 ưu tiên, khuyến khích phát triển các loại hình điện sinh khối (tiềm năng khoảng 7.000 MW), điện sản xuất từ rác, chất thải rắn (tiềm năng khoảng 1.800 MW) nhằm tận dụng phụ phẩm nông, lâm nghiệp, chế biến gỗ, thúc đẩy trồng rừng, xử lý môi trường ở Việt Nam.

Dự báo năm 2030, công suất các nguồn điện này đạt 2.270 MW, định hướng năm 2050 đạt 6.015 MW. Có thể phát triển qui mô lớn hơn nếu đủ nguồn nguyên liệu, hiệu quả sử dụng đất cao, yêu cầu xử lý môi trường, điều kiện lưới điện, giá điện và chi phí truyền tải hợp lý.

Dừng hoạt động nhà máy nhiệt điện than không chuyển đổi nhiên liệu

Cũng theo Quy hoạch điện 8, đối với nhiệt điện than, chỉ thực hiện tiếp các dự án đã có trong Quy hoạch điện VII điều chỉnh và đang đầu tư xây dựng đến năm 2030. 

Theo số liệu của Bộ Công thương đưa vào xây dựng Quy hoạch điện 8, đến năm 2030, tổng công suất các nhà máy đang vận hành và các dự án đang triển khai xây dựng, khả năng sẽ hoàn thành và đưa vào vận hành khoảng 30.127 MW. Hiện tại đang có 6 dự án đang xây dựng với công suất 6.125 MW.

Trong Quy hoạch điện 8, các nhà máy nhiệt điện than được định hướng thực hiện chuyển đổi nhiên liệu sang sinh khối và amoniac với các nhà máy đã vận hành được 20 năm khi giá thành phù hợp; dừng hoạt động các nhà máy có tuổi thọ trên 40 năm nếu không thể chuyển đổi nhiên liệu.

Quy hoạch điện 8 xác định lộ trình đến năm 2050, Việt Nam không còn sử dụng than để phát điện. Các nhà máy nhiệt điện than chuyển hoàn toàn nhiên liệu sang sinh khối và amoniac, với tổng công suất 25.632 - 32.432 MW, để sản xuất ra 72,5 - 80,9 tỉ kWh.

Quy hoạch điện 8 xác định ưu tiên phát triển không giới hạn công suất các nguồn điện từ năng lượng tái tạo phục vụ xuất khẩu, sản xuất năng lượng mới (hydro, amoniac xanh…) trên cơ sở bảo đảm an ninh năng lượng, mang lại hiệu quả kinh tế cao. Việt Nam phấn đấu đến năm 2030, quy mô công suất xuất khẩu điện đạt khoảng 5.000 - 10.000 MW.

Tại sao ngành điện không chờ đến mùa mưa, dùng ít điện hãy tăng giá?


Bình luận (2)

avatar-user
phuoctamnguy

Sao không đặt tên gì cho người dân dễ hiểu mà đặt tên là quy hoạch điện 8 (là lần thứ 8 hay là có 8 thứ cần quy hoạch trong lần này).

Trả lời 0 2 năm trước
avatar-user
Đô Văn Võ

Quy hoạch điện VIII quá ok, định hướng chuẩn xác, không giới hạn năng lượng tái tạo, bỏ dần điện than💖💖💖

Trả lời 0 2 năm trước
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.