Khung cảnh này, nếu ở Việt Nam thì chỉ tầm 16-17 giờ mà thôi. Cái giờ mà 18 năm về trước chúng tôi tíu tít ra về sau giờ tan lớp. Bọn cấp 3 chúng tôi ngày ấy, niềm vui thật bé nhỏ, bởi những chiều hè chỉ mong ngóng từng giây phút được tan trường rồi ùa chạy ra đồng thả diều và tán dóc.
Cô Trần Thị Thu Thảo (phải), cô giáo chủ nhiệm từng quyết tâm không để đứa trẻ nào ở lại phía sau và cô Võ Thị Thu, Hiệu phó Trường THPT Lê Anh Xuân (Bến Tre) |
nvcc |
Bị nêu tên trên sổ đầu bài hàng tuần
Giữa đám con trai nghịch ngợm một mình tôi là con gái và tôi là thủ lĩnh của đám bạn nghịch ngợm ấy. Trường có sân rộng và xung quanh có bờ tường cao, nơi nào dễ trèo chỉ mình tôi tường tận.
Cả một thời cấp 3 quậy phá, chưa “môn gì” chúng tôi chưa kinh qua. Những cái trò hồi ấy ngây thơ và vui nhộn biết bao. Chúng tôi hay rủ nhau trốn học, rồi kéo về nhà một đứa nào đó để tắm sông, nướng khoai, khi thì đi bẻ bắp trộm vườn người ta về nướng. Trái lúc già, lúc non nhưng mùi vị và độ ngon khi đó đến bây giờ không trái bắp nướng nào bằng…
Năm ấy, tôi hầu như đã nổi tiếng nhất trường về khoản tai tiếng. Có những lúc đi ngang một nhóm học sinh đã nghe họ xầm xì về mình. Tôi mặc kệ. Xe đạp tôi mặc định được đậu riêng một góc đẹp đẽ mà không ai dám giành, tôi cũng kệ luôn.
Đầu tôi lúc ấy chỉ suy nghĩ làm sao để trốn học đi chơi vì đến năm lớp 12 trốn khó quá. Và rồi những cám dỗ hấp dẫn cũng lùa tôi ra khỏi những giờ ôn thi. Cô chủ nhiệm tôi lại mệt mỏi mời phụ huynh lần thứ 2, thứ 3. Và đương nhiên, tôi bị mẹ dần cho một trận nên thân, những buổi trốn học đi chơi chẳng còn nữa, nhưng tâm trí tôi vẫn bên ngoài cửa sổ. Tôi vẫn bết bát và bị nêu tên trên sổ đầu bài hàng tuần…
"Không ai trong chúng ta bị bỏ lại phía sau"
Cô Trần Thị Thu Thảo, cô chủ nhiệm tôi năm ấy ở Trường THPT Lê Anh Xuân (Bến Tre), đã luống tuổi. Tôi thấy cô cau mày mỗi giờ sinh hoạt lớp, tóc đã lấm tấm sợi bạc, mặt cô cũng vài đốm nâu của thời gian. Cô tôi buồn bã nói với chúng tôi: “Chưa bao giờ cô chủ nhiệm một lớp nào mà cô đề ra mục tiêu là bao nhiêu bạn giỏi, bao nhiêu bạn khá, bao nhiêu bạn trung bình cả. Điều cô chỉ mong ước là tất cả đều có thể tốt nghiệp phổ thông, không ai trong chúng ta bị bỏ lại phía sau…”.
Học trò Trường THPT Lê Anh Xuân (Bến Tre) trở lại trường xưa nhân dịp ngày Nhà giáo Việt Nam 20.11 |
nvcc |
Tôi thấy cô rất buồn bởi “cái nhóm lâu la của tôi” cầm chắc rớt tốt nghiệp rồi. Kết quả học tập như thế này thì chỉ có thể tốt nghiệp vào năm sau mà thôi. Cô buồn nhưng chưa bao giờ cô la mắng học trò, cô lúc nào cũng nhỏ nhẹ từ tốn, kêu từng đứa một lên khuyên răn dạy bảo. Không biết cô nói gì mà đứa nào đứa nấy khóc sướt mướt. Tôi, đứa con gái duy nhất của nhóm, quậy cũng nhất trường, vậy mà tôi khóc nhiều nhất hôm ấy. Bởi vì, tôi hiểu cảm giác bị bỏ lại phía sau là như thế nào…
Thế là, từ hôm ấy tôi khác đi. Không thể một lúc mà có thể toàn tâm toàn ý bỏ chơi ham học, nhưng bất cứ lúc nào tôi lười biếng nhất, kể cả lúc mệt mỏi ngủ gục trên lớp thì cái cảm giác mình bị bỏ lại phía sau nó lại thúc giục tôi. Tôi thật sự sợ cái cảm giác đó.
Tôi chuyên tâm học ở trường rồi mỗi tối cần mẫn đạp xe qua thị xã ôn thi vào đại học. Tôi nghĩ mình phải tiến xa hơn nữa, trí thông minh của mình phải dùng đúng nơi là phải học để thi đậu tốt nghiệp, thi đậu đại học chứ không phải làm thế nào trốn học không bị phát hiện, làm sao thắng được những ván game…
Tôi tốt nghiệp phổ thông, rồi vào đại học, lại may mắn có thêm học bổng, tôi thấy cuộc đời đã quá may mắn với mình rồi. Từ một đứa học cấp 3 “không ra gì”, tôi vào đại học, dù trường tôi chỉ là trường dân lập nhưng với một đứa chưa bao giờ hết hy vọng như tôi thì đó đã là một khởi đầu quá tốt đẹp.
Nhiều năm trôi qua, tôi ra trường và đi làm, trải qua nhiều công việc rồi tôi khởi nghiệp và kết hôn. Tôi không quá thành công trong thế giới toàn người giỏi của thành phố tôi sống, nhưng tôi cũng cho mình một vị trí ổn định. Tôi cùng khởi nghiệp, thành công rồi hoạt động từ thiện.
Những doanh nghiệp trẻ đầy nhiệt huyết của chúng tôi dù không dư dả nhưng luôn muốn cống hiến cho xã hội để xã hội phát triển hơn. Cả hội nhóm của tôi đều mong muốn chăm lo cho trẻ con, khi thì lên vùng cao xây trường, phát sách cho trẻ nhỏ, khi thì vào chùa chăm bé mồ côi.
Mỗi năm đôi lần, tôi âm thầm ủng hộ trường giáo dưỡng để giúp đỡ những đứa trẻ lầm đường lạc lối vì hơn ai hết tôi hiểu rằng “Vị thánh nào cũng có một quá khứ, và tội đồ nào cũng có một tương lai”. Huống chi bọn trẻ chỉ là những đứa trẻ lầm đường lạc lối, nó còn cả tương lai dài phía trước để sửa đổi. Tôi không muốn bất cứ đứa trẻ nào bị bỏ lại phía sau…”.
Tôi sẽ như vậy, tôi sẽ tiếp nối cái tâm cao đẹp mà cô chủ nhiệm năm xưa đã truyền cho tôi “không ai trong chúng ta bị bỏ lại phía sau…”.
Bình luận (0)