Bỏ việc văn phòng học làm gốm
Cũng như nhiều sinh viên khác, sau khi tốt nghiệp đại học, Kim Ngân (27 tuổi, đường Văn Thân, P.7, Q.6, TP.HCM) ra ngoài tìm việc làm. Ngân làm phiên dịch tiếng Anh tại một công ty của Nhật chuyên về gốm sứ nghệ thuật và tạo hình sản phẩm. Sau gần 2 năm làm việc tại công ty, Ngân mạnh dạn tầm sư học đạo về nghề làm gốm và người thầy đầu tiên cũng chính là giám đốc công ty - nơi cô làm việc.
|
“Tôi không ngờ được thầy chào đón, dạy nghề làm gốm cho tôi. Chính thầy đã chỉ dạy từng chút một. Từ từ tôi bỏ việc văn phòng và dành toàn thời gian cho việc làm gốm”, Ngân chia sẻ.
Sau một thời gian hoạt động, người thầy Nhật phải bán công ty, trở về quê nhà. Thế là Ngân chơi vơi, không biết phải tiếp tục như thế nào. Lần tình cờ, người bạn rủ rê mở lớp nhỏ dạy làm gốm để kiếm tiền. Một lần nữa Ngân như được tiếp lửa, nối tiếp đam mê ở lớp dạy gốm.
Theo Ngân việc làm gốm là công việc không dành cho số đông. Nó đòi hỏi công sức, thời gian, cái tâm và sự chăm chút cho từng sản phẩm của mình làm ra. Phải mất hơn nửa năm vật lộn với đất sét và hàng ngàn sản phẩm lỗi, Ngân mới dám bước ra bên ngoài để thể hiện sản phẩm của mình.
Ngân cho rằng: “Làm gốm nghĩ thì dễ nhưng rất cực. Hầu như người thợ phải làm tất cả các công đoạn. Từ nhồi đất sét cho đến tạo hình, nung rồi vẽ trang trí. Tuy công việc khó khăn nhưng rất thú vị”.
|
Thời gian đầu bước ra kiếm tiền từ gốm, Ngân chỉ biết làm việc vì niềm đam mê nghệ thuật của mình. Ngân bán các sản phẩm tự làm, rồi dạy mọi người về gốm, coi đó là phần lãi để duy trì công việc.
Mở tiệm gốm cho riêng mình
Đầu năm 2019, Ngân chuẩn bị nhiều thứ để quyết định khởi nghiệp. Nguồn vốn lớn nhất của Ngân là kinh nghiệm, vốn thì vay từ người chị. Tháng 9.2019, tiệm gốm của cô chủ nhỏ cũng đã thành hình với 2 dòng sản phẩm chính là gốm tự làm và gốm nhập khẩu từ Nhật Bản.
Lấy ngắn nuôi dài cho tiệm, Ngân bán các sản phẩm nhập khẩu. Ngoài ra, Ngân tiếp cận khách hàng bằng các phương tiện trực tuyến, giải đáp thắc mắc và chia sẻ kinh nghiệm về gốm cho khách hàng qua mạng xã hội, chụp những sản phẩm mình làm ra và giới thiệu đến với mọi người...
“Tôi không nghĩ sẽ bán được nhiều hàng, do tôi không giỏi về kinh doanh. Nhưng ai hỏi tới đam mê thì tôi nói nhiều lắm. Tôi quan tâm bán sản phẩm thật tốt, quan tâm khách thật nhiều và phải để khách hiểu được giá trị của sản phẩm mang lại. Nhờ đó mà tháng đầu bán hàng vượt ngoài sự mong đợi của tôi”, Ngân cho biết.
|
Những tháng đầu thu nhập từ tiệm gốm mang lại cho Ngân từ 20 đến 30 triệu đồng, có tháng đỉnh điểm, nhiều người mua hàng nên doanh thu đạt hơn trăm triệu đồng. Tuy vậy, thu nhập của Ngân không đồng nghĩa với chuyện “việc nhẹ lương cao”. Có những lúc Ngân phải thức đêm với hàng ngàn sản phẩm của mình. Lắm lúc áp lực về những con số, căng thẳng vì những "món nợ" phải trả.
Có thể nói, đây là những thành công ban đầu của Ngân khi khởi nghiệp từ chính đam mê của mình. Theo Ngân, để duy trì, phát triển lâu dài, cô cần phải học hỏi không chỉ về gốm mà còn nhiều thứ khác nữa.
Bình luận (0)