Cô gái học kế toán khởi nghiệp làm du lịch trải nghiệm sinh tồn

Tấn Đạt
Tấn Đạt
10/06/2022 08:55 GMT+7

Với mong muốn phát triển du lịch địa phương, cô gái học ngành kế toán đã một mình tạo nên chương trình du lịch cắm trại.

Là sinh viên năm cuối ngành kế toán tại Trường ĐH kinh tế và quản trị kinh doanh - ĐH Thái Nguyên, nhưng Trần Thị Hằng (hay còn gọi là Chi May, 22 tuổi, quê Thái Nguyên) lại chọn du lịch để khởi nghiệp.

Cố gắng học hỏi rất nhiều

Hằng kể, hồi năm 2 ở ĐH, cô đi làm thêm tại một trang trại giáo dục kỹ năng sống để kiếm thêm thu nhập và được phân công mảng hướng dẫn viên du lịch.

“Tôi đã nghỉ việc ở trang trại sau 1 năm gắn bó. Ngoài việc học tại trường, tranh thủ thời gian rảnh, tôi còn làm thêm nghề hướng dẫn viên du lịch bằng cách tham gia một số chuyến đi của các công ty lữ hành khác. Tôi vừa làm vừa học hỏi kinh nghiệm từ các đàn anh, chị đi trước và cứ thế 'máu' làm du lịch ăn sâu vào tôi”, Hằng chia sẻ.

Hằng có được kinh nghiệm làm du lịch từ việc học hỏi từ các anh chị khác

nvcc

Vào cuối tháng 4.2021, Hằng có dịp đến đồi thông hồ Ghềnh Chè tại xã Bình Sơn, TP. Sông Công, Thái Nguyên. Cô nhận thấy nơi đây có quá nhiều thứ tiềm năng để phát triển du lịch nên đã nảy ra ý tưởng tự xây dựng chương trình 2-3 ngày theo xu hướng "bỏ phố về rừng", với các trải nghiệm sinh tồn ở trong rừng như tự câu và bắt cá, học cách làm ra lửa, tạo ra các trò chơi cuộc đua kỳ thú - giải mật thư để tự trải nghiệm sinh tồn trong rừng, cắm trại qua đêm, ăn tiệc nướng...

"Trải nghiệm du lịch sinh tồn có nhiều cấp độ, tôi phải thiết kế và tiết chế lại một số nội dung sao cho phù hợp với khách hàng. Nếu chăm chăm vào sinh tồn mạo hiểm quá thì lượng khách sẽ bị tối giản đi", Hằng nói.

Tham quan trên hồ Ghềnh Chè

nvcc

Cô dùng số tiền tiết kiệm 10 triệu đồng để mua lều, trại, bàn ghế... đồng thời kết hợp với hợp tác xã, người dân địa phương để thực hiện kế hoạch làm du lịch của mình.

Tuy nhiên, kế hoạch bị tạm hoãn vì đợt bùng phát dịch Covid-19. Mãi đến tháng 10.2021, khi tình hình dịch đã ổn định, cô gái 22 tuổi bắt đầu "chạy" các chương trình du lịch ở hồ Ghềnh Chè.

Cảnh quan hồ Ghềnh Chè

nvcc

Theo Hằng nơi đây không khí trong lành, mát mẻ

nvcc

Ở tuổi 22, Hằng đã khám phá 40 tỉnh thành trên đất nước. "Ở những địa điểm khác nhau tôi học và trải nghiệm được nhiều thứ như văn hóa dân tộc vùng miền, thưởng thức ẩm thực đặc trưng, gặp gỡ nhiều người bạn mới, kỹ năng sống, lối sống cũng cởi mở hơn rất nhiều... Tôi nghĩ bản thân gắn bó với nghề du lịch sẽ lan tỏa những trải nghiệm về du lịch mà mình có được tới tất cả mọi người", Hằng nói.

"Cứ 1-2 tuần tôi nhận các đoàn khách trung bình từ 50-100 người"

Với cô gái 22 tuổi, làm du lịch ở thời điểm ban đầu là rất vất vả vì địa điểm chưa ai biết đến. Mỗi khi có khách, Hằng phải di chuyển ô tô hơn 15 km từ TP.Thái Nguyên đến Ghềnh Chè. "Nhiều người bảo tôi đầu óc không biết suy nghĩ vì làm như vậy thì được bao nhiêu tiền, với con gái mà đi đi, về về rất vất vả và nguy hiểm", Hằng cho hay.

Các bạn trẻ trải nghiệm dịch vụ của Hằng

nvcc

"Giữa tháng 10.2021, tôi đón đoàn khách đầu tiên là 20 người. Tôi thực sự rất vui khi nhận được phản hồi hài lòng từ họ. Lúc đó, tôi tiếp tục nghiên cứu và học hỏi nhiều hơn về cách quản lý và xây dựng, phát triển loại hình du lịch mà tôi đang hướng tới. Hiện nay, mọi hoạt động marketing, quảng bá chủ yếu dựa vào mạng xã hội", Hằng thông tin.

Sau 3 tháng, các chương trình du lịch của Hằng bắt đầu ổn định, có lượng khách quen và được giới thiệu thêm nên khách đông dần hơn và phải thuê thêm các bạn làm hướng dẫn viên du lịch khác để hỗ trợ.

Hằng chia sẻ: "Đầu năm 2022, cứ 1-2 tuần tôi nhận các đoàn khách trung bình từ 50-100 người, mỗi ngày khoảng 10-20 người. Lượng khách tôi từng đón đông nhất là 3 ngày lễ dịp 30.4 - 1.5 vừa rồi là gần 200 người/ngày".

Lượng khách của Hằng lên đến hàng chục người

nvcc

Các bạn trẻ trong chương trình du lịch cắm trại qua đêm tại hồ Ghềnh Chè

nvcc

Hằng chia sẻ là con gái mà làm về du lịch sinh tồn, cắm trại qua đêm với cô là một thử thách rất lớn. "Ban đầu tôi gặp nhiều khó khăn vì công việc này phải đi vào trong rừng sâu, rồi phải vác, đóng cọc trại, rồi có những đêm cắm trại gặp mưa bất chợt", Hằng nói.

Hằng chia sẻ thêm: "Nếu thời tiết xấu như mưa lớn thì mọi người sẽ đến lán trú ẩn, cách khu trải nghiệm khoảng 300 m. Tôi có liên kết với hợp tác xã nên lúc nào cũng có đội cứu hộ địa phương để có phương án giải quyết nhanh nhất".

Hằng, 22 tuổi, học chuyên ngành kế toán nhưng khởi nghiệp với du lịch

nvcc

Theo Hằng, đến thời điểm hiện tại thì lượng khách cô nhận khá đều, chủ yếu ở những khu vực lân cận như Vĩnh Phúc, Tuyên Quang, Bắc Kạn và Hà Nội. "Khi lượng khách đến khu vực cắm trại, người dân địa phương bắt đầu khai thác các dịch vụ như nhà hàng, ăn uống, chèo thuyền, tham quan vãn cảnh quanh các đảo lớn nhỏ. Từ đó, hệ sinh thái ở nơi đây được nhiều người biết đến dẫn đến kiến thức du lịch của bà con phát triển hơn", Hằng tự hào cho biết.

Các trải nghiệm sinh tồn được Hằng thiết kế nhẹ lại để phù hợp với mọi đối tượng

nvcc

Anh Lê Văn Hiệp, Chủ tịch kiêm giám đốc hợp tác xã du lịch cộng đồng hồ Ghềnh Chè, đánh giá cao các hoạt động du lịch mà Hằng làm nên.

Theo anh Hiệp, trước đây chưa ai nghĩ đến việc làm du lịch ở hồ Ghềnh Chè và Hằng là người tiên phong mở ra các chương trình du lịch sinh tồn, trải nghiệm... tại đây. "Nhờ vậy, địa điểm du lịch hồ Ghềnh Chè được nhiều người biết đến, cùng lúc giúp người dân địa phương có thêm nguồn thu nhập, tạo tiền đề cho các bạn trẻ sau này về đây đầu tư du lịch nhiều hơn", anh nói.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.