Cô gái và vườn cúc họa mi

Nguyễn Phúc
Nguyễn Phúc
01/12/2019 06:50 GMT+7

Đang làm nhân viên văn phòng với thu nhập ổn định, Đinh Thị Thu Thảo đã quyết định bỏ việc để quay về mảnh vườn nhà, trồng cúc họa mi.

Lần đầu tiên tại phố núi Khe Sanh (Quảng Trị) xuất hiện một vườn cúc họa mi, loài hoa vốn chủ yếu trồng nhiều ở Đà Lạt và một số tỉnh phía bắc. Những ngày này, vườn cúc họa mi ở miền sơn cước thu hút rất đông bạn trẻ đến ngắm nghía, chụp ảnh… Vườn cúc rộng chừng 2.000 m2, ven triền đồi, bên cạnh có hồ nước trong xanh thuộc khóm 1 (TT.Khe Sanh, H.Hướng Hóa).
Đưa hoa xứ lạnh về phố núi

Tôi có khát vọng đưa những loài hoa thơm cỏ lạ về trồng ở khu vườn của mình, để mọi người cùng đến xem mà không cần phải đi đâu xa cả

ĐINH THỊ THU THẢO (chủ nhân vườn cúc họa mi)

Đinh Thị Thu Thảo (29 tuổi, trú khóm 1, TT.Khe Sanh), chủ nhân vườn cúc, cho hay cô từng học ngành du lịch và có thời gian làm việc tại một công ty xây dựng và một công ty du lịch với thu nhập ổn định. “Ở tuổi 29, tôi đủ chín chắn để biết mình làm gì tốt và phù hợp cho bản thân. Từ nhỏ tôi đã mơ ước có khoảnh vườn riêng”, Thảo nói về lý do bỏ việc.
Sinh ra và lớn lên ở Khe Sanh, mảnh đất được ví là Đà Lạt thứ 2, theo Thảo, đó là điều may mắn, đặc biệt với một cô gái vô cùng yêu hoa như Thảo. “Tôi làm mô hình này để mọi người trải nghiệm với cúc họa mi, thay vì phải ra Hà Nội hoặc đi Đà Lạt xa xôi”, Thảo tâm sự. Vậy là suốt 4 tháng qua, để vườn cúc họa mi "thành hình", cô cùng các thành viên trong gia đình tốn nhiều tiền bạc và công sức, ra Hà Nội mua hơn 14.500 cây giống về trồng.
“Thú thật, là dân văn phòng nay quay ra trồng trọt nên tôi gặp rất nhiều khó khăn. Đầu tiên là kỹ năng, sau là kinh nghiệm, lại gặp phải thiên tai, sâu bệnh... Tôi dò dẫm từng bước trên mạng để học và tìm cách xử lý. May mắn là rồi đâu cũng vào đấy”, Thảo chia sẻ.

Sức hút du lịch ở vùng cao

Tuy mới mở cửa và chưa được quảng bá rộng rãi, nhưng mỗi ngày vườn cúc họa mi đã thu hút vài trăm lượt khách. Khách tham quan mua vé vào vườn với giá 20.000 đồng/người lớn và 15.000 đồng/trẻ em. Khách đi theo đoàn, trên 10 người được giảm giá 10%. Để phục vụ tốt hơn nhu cầu chụp ảnh lưu niệm của khách, Thảo còn đầu tư làm nhà chòi, xích đu, bắc hệ thống điện…
Vượt hơn 60 cây số từ TT.Gio Linh (H.Gio Linh) để được trải nghiệm với cúc họa mi, cô gái 25 tuổi Lê Thị Tuyết Nhung không giấu được sự phấn khích: “Vườn hoa đẹp. Khí hậu Quảng Trị mà trồng hoa này là một nỗ lực rất lớn của chủ vườn. Nhất định mình sẽ trở lại và giới thiệu cho nhiều người hơn nữa biết về cúc họa mi ở Hướng Hóa”.
Ông Lê Quang Thuận, Phó chủ tịch UBND H.Hướng Hóa, một trong những du khách vào tham quan vườn cúc họa mi, cũng tỏ ra hết sức thích thú. “Dù vườn mới mở cửa nhưng khách rất đông, chứng tỏ hiệu quả của mô hình là có thật. Ở một góc độ nào đó, vườn hoa cúc họa mi này đã góp công sức để giới thiệu cho mọi người biết rằng điều kiện tự nhiên của Hướng Hóa rất tươi tốt, trù phú và thu hút khách du lịch đến với mảnh đất này nhiều hơn”, ông đánh giá.
Cô gái và vườn cúc họa mi

Đinh Thị Thu Thảo trong vườn cúc họa mi

Thảo cũng không giấu mong muốn lớn nhất khi mở vườn hoa cúc họa mi là tạo điểm đến ấn tượng, thu hút khách đến với mảnh đất Khe Sanh, nơi khí hậu trong lành, nhiều cảnh đẹp, con người hiền hòa. Nhưng Thảo cho hay đây mới là bản "demo" để thử đo đếm sự quan tâm của mọi người. Sắp tới, cô sẽ bố trí lại, mở rộng diện tích cúc họa mi và trồng thêm nhiều loại hoa khác.
“Tôi có khát vọng đưa những loài hoa thơm cỏ lạ về trồng ở khu vườn của mình, để mọi người cùng đến xem mà không cần phải đi đâu xa cả”, Thảo thổ lộ khi trồng cúc họa mi.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.