Có gì sau 20 năm Việt Nam - Mỹ hợp tác bảo tồn văn hóa?

26/01/2022 17:05 GMT+7

Có 15 dự án được Quỹ Bảo tồn Văn hóa của Đại sứ Mỹ (AFCP) tài trợ hơn 1,22 triệu USD (hơn 27,7 tỉ đồng), bắt đầu triển khai từ năm 2001. Hình ảnh về các dự án này hiện đang được Tổng lãnh sự quán Mỹ tại TP.HCM trưng bày bên ngoài tòa lãnh sự ở số 4 đường Lê Duẩn, Q.1, TP.HCM.

Dự án bảo tồn, tu bổ di tích Triệu Tổ Miếu ở Huế, dự án trùng tu đền Hy Hòa ở Hội An, dự án bảo tồn Thành nhà Hồ ở Thanh Hóa là các dự án nằm trong số 15 dự án được Quỹ Bảo tồn Văn hóa của Đại sứ Mỹ (AFCP) tài trợ hơn 1,22 triệu USD (hơn 27,7 tỉ đồng) được thực hiện từ năm 2001.

Ông Anthony Jones, Tùy viên văn hóa - thông tin - giáo dục Tổng lãnh sự quán Mỹ tại TP.HCM, chia sẻ: "Chúng tôi đã cấp quỹ hỗ trợ hơn 1 triệu USD để ủng hộ nỗ lực bảo tồn những dạng dự án khác nhau của văn hóa Việt Nam, bao gồm cổ vật, đền thờ, miếu. Bạn có thể thấy mức độ đa dạng của các dự án về khía cạnh vùng miền. Chúng tôi có nhiều dự án ở miền Nam, miền Trung và miền Bắc Việt Nam. Trong nhiệm kỳ của mình tại Việt Nam, bản thân tôi kỳ vọng sẽ đến tận nơi và thưởng thức (những nét đẹp của các dự án bảo tồn thông qua AFCP)".

Các khoản tài trợ của AFCP trong 20 năm qua hướng tới bảo tồn các khía cạnh khác nhau của di sản văn hóa đa dạng của Việt Nam, từ vật thể đến phi vật thể.

"Tất cả dự án được chúng tôi tài trợ trong hơn 20 năm qua đều vô cùng có giá trị. Chúng tôi không những tìm kiếm những dự án phù hợp chính sách ngoại giao của Mỹ, mà còn là những chủ đề nhằm tôn trọng và góp phần gìn giữ nền văn hóa giàu bản sắc dân tộc của Việt Nam. Đặc biệt, nhiều dự án AFCP không những chú trọng khía cạnh bảo tồn văn hóa của người xưa, mà còn nhằm đảm bảo các thế hệ sau này vẫn có thể thưởng thức văn hóa của tổ tiên", ông Jones cho hay.

Bức tường bên ngoài Tổng lãnh sự quán Mỹ phản ánh những khía cạnh khác nhau trong văn hóa và di sản Việt Nam

nguyễn anh

Trong số các dự án được triển khai tại Việt Nam, quy mô tài trợ lớn nhất thuộc về công trình trùng tu Triệu Tổ Miếu ở Thừa Thiên-Huế năm 2014. Trị giá 700.000 USD vào thời điểm thực hiện, dự án mất khoảng 2 năm mới hoàn thành. Ông Jones cũng cho rằng đây từng là một trong những công trình đẹp nhất mà AFCP từng hỗ trợ bảo tồn tại Việt Nam.

"Mỗi năm vào mùa thu, chúng tôi lại kêu gọi các bên quan tâm hãy nộp đề án yêu cầu tài trợ từ AFCP. Kế đến, chúng tôi làm việc với phía đối tác để chọn ra các dự án tiềm năng. Sau đó, đích thân đại sứ sẽ chọn dự án nào để trình lên Trung tâm Di sản Văn hóa tại thủ đô Washington D.C. Trung tâm này sẽ đưa ra quyết định cuối cùng. Tuy nhiên, đây là quá trình kéo dài vì chúng tôi muốn thấy dự án được chọn sẽ được cấp quỹ thành công. Vì thế, phái bộ ngoại giao Mỹ luôn phối hợp chặt chẽ với các đối tác để đảm bảo dự án tiềm năng đáp ứng đầy đủ các yêu cầu cũng như phù hợp những hướng dẫn mà Mỹ đặt ra trong việc hỗ trợ bảo tồn văn hóa tại các nước", ông Jones chia sẻ.

Cũng theo ông Anthony Jones, thì bức tường bên ngoài Tổng lãnh sự quán Mỹ phản ánh những khía cạnh khác nhau trong văn hóa và di sản Việt Nam. Việc hỗ trợ các dự án còn góp phần thể hiện những nét khác biệt trong văn hóa Việt trước thế giới. Đồng thời, đảm bảo rằng thế hệ kế tiếp của Việt Nam có cơ hội chiêm ngưỡng di sản của tổ tiên trong nhiều năm tới.

Ông Jones cho biết: "Khi đầu tư vào một dự án cụ thể, phái bộ ngoại giao Mỹ làm việc chặt chẽ với các đối tác để đảm bảo thành công. Tại nhiều quốc gia, dự án đôi khi không thể hoàn thành vì nhiều lý do, từ các vấn đề nội tại, chính trị, kinh tế, hoặc đại dịch, như trong trường hợp Việt Nam đang phải đối mặt. Tuy nhiên, cùng với các đối tác, chúng tôi luôn nỗ lực hết mức để dự án thành công tốt đẹp. Tại Việt Nam, chúng tôi chưa gặp phải bất kỳ vấn đề nào trong lúc triển khai dự án, bởi vì chúng tôi luôn phối hợp chặt chẽ với đối tác và chính quyền địa phương".

Tân Đại sứ Mỹ Marc Knapper, dự kiến đến Việt Nam cuối tháng 1, là người đam mê bảo tồn văn hóa. Vì thế, ông Jones cho rằng ngài đại sứ sẽ hết sức quan tâm và tích cực vận động cho các dự án tại Việt Nam trong thời gian tới.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.