Xe

Cơ hội của Việt Nam trước thượng đỉnh Mỹ - Triều

24/02/2019 08:00 GMT+7

Tiến sĩ Nguyễn Quang Trung, chuyên gia kinh tế tại Đại học RMIT Việt Nam, đưa ra nhận định về những cơ hội và lợi thế của Việt Nam khi tổ chức cuộc gặp thượng đỉnh Mỹ-Triều sắp tới.

Thanh Niên giới thiệu bài phân tích của Tiến sĩ Nguyễn Quang Trung về cơ hội và lợi thể của Việt Nam trong việc tổ chức sự kiện sắp tới.

Quan hệ giữa Việt Nam và các bên

Việt Nam và Mỹ đã vượt qua quá khứ xung đột và thiết lập được mối quan hệ hợp tác mạnh mẽ, phản ánh triển vọng hòa bình và thịnh vượng sau khi Việt Nam trỗi dậy từ những khó khăn mọi mặt và bị cấm vận trong nhiều thập niên để đạt được tiến bộ như hiện nay.
Trước đây, hai nước Việt Nam và CHDCND Triều Tiên có những nét tương đồng về mô hình kinh tế, hệ thống chính trị và định hướng đối ngoại. Tuy nhiên, từ Đại hội VI của Đảng Cộng sản Việt Nam (năm 1986), Việt Nam đã tiến hành cải cách, phát triển thể chế kinh tế thị trường định hướng Xã hội chủ nghĩa và đa phương hóa chính sách ngoại giao. Hiện tại, Việt Nam đã thiết lập quan hệ ngoại giao với hầu hết các nước trên thế giới và với năm nước thường trực Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc (UNSC), Việt Nam là đối tác chiến lược hoặc đối tác chiến lược toàn diện. Việt Nam cũng từng là ủy viên không thường trực, đại diện châu Á, của tổ chức này.
Về mặt hội nhập kinh tế, từ sau khi Mỹ bãi bỏ lệnh cấm vận với Việt Nam vào năm 1994 và tiến đến bình thường hóa quan hệ ngoại giao vào năm sau đó, Việt Nam đã trở thành điểm sáng trên thế giới về quá trình tái hội nhập kinh tế khu vực và thế giới. Đến nay, Việt Nam đã ký kết nhiều hiệp định thương mại tự do (FTA) song phương và đa phương, với 12 FTA hiện đang có hiệu lực và hơn 10 FTA khác đang được nghiên cứu, đàm phán hoặc chuẩn bị ký kết. Nhờ đó, hàng hóa dịch vụ từ Việt Nam tiếp cận thị trường toàn cầu dễ dàng hơn, thể hiện qua độ mở lớn của kinh tế Việt Nam (chỉ xếp sau Singapore).
Trong khi đó, Triều Tiên và Mỹ có quan hệ đối đầu trong nhiều thập niên. Có những thời điểm hai bên tưởng chừng đã đứng trước bờ vực chiến tranh hạt nhân, điều mà nhân loại, đặc biệt là người dân khu vực Đông Á, không bao giờ mong muốn. Ngoài ra, với bên ngoài, Triều Tiên còn khá biệt lập và có ít thiết lập bang giao thân thiện trên trường quốc tế.
Giống Singapore - nước tổ chức cuộc gặp lần thứ nhất - Việt Nam đứng trước nhiều cơ hội lớn trong quảng bá hình ảnh đất nước, con người Việt Nam, các chính sách ngoại giao, đồng thời thu hút đầu tư nếu có sự chuẩn bị tốt.

Các cơ hội tiềm năng

1. Việt Nam đóng vai trò là chất xúc tác quan trọng cho hòa bình trong khu vực và trên thế giới

Quan hệ Mỹ-Triều nếu tiến triển xấu sẽ tạo ra bất ổn lớn cho hòa bình trong khu vực và trên thế giới. Nhiều hệ lụy dai dẳng về kinh tế, chính trị và quân sự sẽ diễn ra như cấm vận, thử tên lửa, hạt nhân, cũng như nghi kỵ và đối đầu leo thang giữa hai miền Triều Tiên, và giữa Trung Quốc và Mỹ. Vì vậy, nếu Triều Tiên xem Việt Nam là mô hình kinh tế chính trị để có thể phát triển theo hòng giảm các rủi ro bất ổn nêu trên thì Việt Nam sẽ là chất xúc tác cho hòa bình và thịnh vượng của khu vực và thế giới. Hình ảnh của Việt Nam, nhờ vậy, cũng sẽ được nâng cao hơn nữa trên trường quốc tế.

2. Tiếp cận với hàng tỉ người trên thế giới qua truyền thông

Khi Singapore đóng vai trò nước chủ nhà trong cuộc gặp thượng đỉnh đầu tiên giữa Tổng thống Mỹ Donald Trump và Chủ tịch Kim Jong-un của Triều Tiên vào tháng 6.2018, đã có khoảng 2.500 nhà báo tới Singapore, tin tức - hình ảnh về Singapore tràn ngập trên các phương tiện truyền thông khắp nơi trên thế giới. Công ty thông tin truyền thông Meltwater ước tính giá trị quảng cáo, dựa vào tần suất xuất hiện của Singapore trên truyền thông trực tuyến toàn cầu trong suốt thời gian hai nhà lãnh đạo hiện diện tại quốc gia này, lên tới 270 triệu SGD, chưa kể hiệu ứng truyền thông từ tháng trước sự kiện, giá trị quảng cáo có thể nhảy vọt lên tới 767 triệu SGD.
Nếu so với ngân sách Việt Nam chi cho quảng bá du lịch và xúc tiến đầu tư, con số ước tính trên lớn hơn gấp vài trăm lần.Trong điều kiện ngân sách dành cho quảng bá du lịch và xúc tiến đầu tư còn hạn hẹp, đây sẽ là cơ hội mà Việt Nam không dễ có được.

3. Quảng bá tiềm năng địa chính trị của Việt Nam trong bối cảnh toàn cầu hóa mới

Địa chính trị được cho là có tác động lớn đến quá trình phát triển kinh tế, tầm ảnh hưởng và sức mạnh của một quốc gia, đặc biệt là vị trí địa lý (geography is destiny). Trong kinh doanh quốc tế, ảnh hưởng của địa chính trị đến các quyết định đầu tư và kinh doanh tại một quốc gia là rất lớn. Hội nghị thượng đỉnh Mỹ-Triều, vì vậy, có thể là cơ hội lớn để các nhà đầu tư quốc tế cũng như các công ty đa quốc gia hiểu nhiều hơn về Việt Nam để đưa ra quyết định đầu tư vào những lĩnh vực thế mạnh của Việt Nam, nhất là những lợi thế về vị trí chiến lược ở Châu Á, khí hậu và thổ nhưỡng.
Trong bối cảnh mới của toàn cầu hóa khi 2/3 hàng hóa của thương mại toàn cầu là hàng hóa trung gian (intermediate goods), các chuỗi giá trị toàn cầu (GVC) đang góp phần định hình lại thương mại quốc tế và toàn cầu hóa. Theo Giáo sư Richard Baldwin, tác giả của nhiều công trình nổi tiếng về toàn cầu hóa và thương mại quốc tế, có ba loại chi phí chính trong toàn cầu hóa: (1) chi phí liên quan đến sản xuất và vận chuyển hàng hóa; (2) chi phí thông tin truyền thông và (3) chi phí giao dịch trực tiếp.
Dù sở hữu vị trí rất chiến lược ở châu Á cùng vô vàn tiềm năng địa chính trị khác, Việt Nam vẫn chưa khai thác tốt những lợi thế của mình. Vì vậy, khi nhiều sự quan tâm hướng về Việt Nam thông qua sự kiện này, các tiềm năng của Việt Nam kỳ vọng sẽ được chú ý nhiều hơn.

4. Cơ hội phát triển ngành du lịch quốc gia

Bên cạnh những quần thể kiến trúc lâu đời, Việt Nam còn sở hữu nhiều danh lam thắng cảnh được UNESCO công nhận là di sản văn hóa Thế giới như Vịnh Hạ Long, Tràng An và Phố cổ Hội An. Việt Nam cũng không ngừng xây dựng nâng cao cơ sở hạ tầng và mở rộng nhiều sân bay mới, trong đó có Vân Đồn (sân bay tư nhân đầu tiên tại Việt Nam) được khánh thành vào cuối tháng 12.2018, nhiều khách sạn resort theo tiêu chuẩn quốc tế, cũng như loại hình du lịch kết hợp hội nghị và hội thảo (MICE) đang được chú trọng khai thác.
Mặc dù vậy, lượng khách du lịch quốc tế đến Việt Nam vẫn còn rất khiêm tốn so với các nước khác trong khu vực như Thái Lan, Singapore và Malaysia. Việt Nam vẫn được đánh giá cao và có nhiều cơ hội để nâng cao vị thế trong ngành “công nghiệp không khói” này. Như đã đề cập ở phần trên, lượng lớn nhà báo và các hãng truyền thông đến Việt Nam nhân Hội nghị thượng đỉnh sẽ là cơ hội tốt để Việt Nam quảng bá về du lịch nước nhà. Nhờ đó, mục tiêu đón 18 triệu khách cho năm 2019 là hoàn toàn lạc quan và khả thi.
[VIDEO] Với du khách nước ngoài, Hà Nội là nơi tuyệt vời để đăng cai thượng đỉnh Mỹ - Triều lần 2

5. Tăng độ tin cậy về khả năng tổ chức các sự kiện quốc tế lớn

Nếu tổ chức tốt sự kiện này, Việt Nam có thể một lần nữa minh chứng cho cộng đồng quốc tế về năng lực tổ chức các sự kiện quốc tế lớn. Những năm gần đây, Việt Nam đã đăng cai tổ chức nhiều sự kiện quốc tế cấp cao trong đó có Diễn đàn Kinh tế thế giới về ASEAN 2018 (WEF ASEAN 2018) tại Hà Nội vào tháng 9/2018, Diễn đàn Nghị viện châu Á-Thái Bình Dương (APPF-26) tháng 1/2018, Hội nghị cấp cao APEC tại Đà Nẵng năm 2017 và Ðại hội đồng Liên minh Nghị viện thế giới năm 2015.
Khi niềm tin của cộng đồng quốc tế về năng lực tổ chức các sự kiện lớn của Việt Nam tăng lên, Việt Nam có thể thu hút các sự kiện khác trong tương lai nhiều hơn, và như vậy những cơ hội tiềm năng như nêu trên sẽ có thể tiếp tục xuất hiện. Ngoài ra, đây cũng là dịp để Việt Nam nhìn lại, hoàn thiện và phát huy những yếu tố quan trọng khác như cơ sở hạ tầng thông tin truyền thông, an ninh công cộng, hạ tầng giao thông và văn minh đô thị.

Đề xuất

Nhiều cơ hội có thể trở thành rủi ro và tác dụng ngược nếu không được tổ chức tốt, ví dụ như tình trạng giao thông, sân bay tắc nghẽn; hạ tầng công nghệ thông tin không thông suốt; vấn đề an ninh cho các yếu nhân; hay các địa điểm du lịch không được tổ chức tốt để du khách đến rồi một đi không quay lại,v.v. Vì vậy để khai thác tốt những cơ hội mà sự kiện lớn này đem đến, Chính phủ cần có chiến lược tốt, với một ban tổ chức có kinh nghiệm, quy tụ nhiều chuyên gia thuộc các lĩnh vực khác nhau và cần có sự phối hợp chặt chẽ giữa các đơn vị liên quan.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.