Những doanh nghiệp này cũng liên lạc với chuyên gia cổ vật tại VN để tìm hiểu thêm thông tin liên quan. Trong vài ngày tới, chuyên gia sẽ lên đường sang Pháp để hỗ trợ doanh nghiệp trong cuộc đàm phán giá cả này. Nhiều người, nhiều nguồn lực đang tìm cách đưa ấn Hoàng đế chi bảo về nước, dù khó khăn.
Chưa biết số phận của chiếc ấn sẽ ra sao, chủ mới là ai, nhưng những cuộc trao đổi trong suốt gần tháng qua đã cho thấy sự quan tâm của công chúng tới hiện vật biểu tượng này cũng như lịch sử là có thật. Nó bắt nguồn từ niềm tự hào về sự tài khéo, và nhất là lòng tự tôn dân tộc. Hiện vật thất lạc, dù ở đâu, cũng được người dân thương quý và trở thành “căn cước” văn hóa VN.
Cũng từ câu chuyện chiếc ấn Hoàng đế chi bảo, nhà quản lý hình dung rõ hơn về khả năng “nổi lên” của một cổ vật Việt, cũng trải nghiệm rõ hơn về những thời khắc quý hơn vàng. Đó là khi chúng ta, bằng con đường ngoại giao, vận động để chiếc ấn được đưa ra khỏi danh sách đấu giá của nhà Millon. Từ đó, phía VN có thêm thời gian để chuẩn bị cho cuộc đàm phán này. Tất nhiên, cũng có những điều chưa kịp chuẩn bị, và để thực hiện, có thể phải xin ý kiến Quốc hội. Chẳng hạn, nếu chiếc ấn trở về, cơ chế để thông quan sẽ có ưu đãi gì, hay việc mua bán nó sau này sẽ có quy chế đặc biệt ra sao?
Từ ấn Hoàng đế chi bảo, những cuộc hồi hương khác của cổ vật được nhìn lại. Ngay ở hiện vật quý đầu tiên hồi hương - chiếc chuông chùa Ngũ Hộ (Bắc Ninh) được người Nhật tặng VN, có thể thấy quy định hiện tại không hề có điều khoản nào để chuông có thể về đúng ngôi chùa xưa cũ. Nó buộc phải ở lại Bảo tàng Bắc Ninh cho dù những người Nhật trao tặng lại hiện vật muốn nó về chùa Ngũ Hộ… Nghĩa là toàn bộ hệ thống pháp luật sẽ phải rà soát lại để những cuộc tìm kiếm, mua bán, đón nhận hiện vật trở về sau này có khả năng thành công cao hơn.
Giờ đây, khi tiền mua hiện vật sẽ phụ thuộc vào các doanh nhân, chúng ta càng thấm thía việc thúc đẩy chính sách để những doanh nhân hiểu văn hóa, sẵn sàng bảo trợ văn hóa xuất hiện nhiều thêm. Khi thông tin về các cổ vật có thể “đứt dây” rơi xuống bất thình lình, chúng ta càng mong muốn trở thành thành viên chặt chẽ của những hệ thống thông tin văn hóa dồi dào để có thông tin chủ động càng sớm càng tốt. Và khi các đàm phán ngoại giao có thể hỗ trợ cổ vật hồi hương, chính chúng ta cũng cần học cách chủ động đưa những cổ vật của nước ngoài đang ở VN (nếu có) trở về. Điều đó cũng sẽ tạo thuận lợi cho các vụ việc tới.
Hoàng đế chi bảo là một cổ vật bằng vàng, hấp dẫn với nhiều người vì chất liệu lấp lánh. Nhưng UNESCO có một khái niệm “tài sản văn hóa”, là cổ vật, là những tác phẩm nghệ thuật, các bộ sưu tập cổ sinh học, những tư liệu lịch sử… Nhân việc chiếc ấn vàng, có lẽ các bộ ngành liên quan cần rà soát thêm hành lang luật để những “tài sản văn hóa” đó cũng sẽ dễ dàng được hồi hương khi cơ hội đến.
Bình luận (0)