Mới đây, theo Quyết định số 72-QD/TW, Bộ Chính trị đã giao bổ sung 65.980 biên chế giáo viên (GV) (trong giai đoạn từ năm 2022 - 2026, riêng năm học 2022 - 2023 giao bổ sung 27.850 biên chế GV mầm non, phổ thông công lập). Sau đó, ngày 2.8 vừa qua, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT cũng có văn bản hướng dẫn thực hiện quyết định này gửi chủ tịch UBND cấp tỉnh, trong đó đề nghị khẩn trương triển khai tổ chức tuyển dụng 27.850 biên chế cho năm học tới.
Theo cáo báo của Sở GD-ĐT Hà Nội, toàn TP thiếu tới 7.147 giáo viên các cấp trong năm học mới |
TUYẾT MAI |
Những địa phương thiếu GV trầm trọng nhất
Thanh Hóa là địa phương thiếu GV trầm trọng nhất cả nước. Trong phiên chất vấn và trả lời chất vấn chiều 12.7, tại kỳ họp thứ 7 HĐND tỉnh Thanh Hóa, ông Trần Văn Thức, Giám đốc Sở GD-ĐT tỉnh này cho biết toàn tỉnh đang thiếu 8.968 GV, nhân viên, cán bộ quản lý so với quy định của T.Ư. Trong đó, bậc mầm non thiếu 4.174 người, tiểu học thiếu 3.380 người, THCS thiếu 1.096 người và THPT thiếu 318 người. Một số môn học hiện thiếu GV trầm trọng, như: âm nhạc, mỹ thuật, tin học, tiếng Anh. Đơn cử, theo thống kê, hiện Thanh Hóa có 600 trường tiểu học nhưng chỉ có 175 GV tin học. Nếu bố trí tối thiểu mỗi trường tiểu học một GV tin học, thì toàn tỉnh đang thiếu khoảng 420 GV. “Thiếu GV và thực trạng nhiều GV chưa đạt chuẩn đã làm ảnh hưởng không nhỏ tới chất lượng giáo dục của tỉnh Thanh Hóa, đặc biệt là giáo dục toàn diện”, ông Thức nói.
Nghệ An cũng đau đầu với tình trạng thiếu GV nhiều năm qua. Theo tổng hợp của Sở GD-ĐT, tỉnh này đang thiếu trên 7.800 GV, trong đó thiếu nhiều nhất là bậc mầm non với hơn 6.000 người và tiếp đó là tiểu học, THCS và THPT. Theo dự báo, năm học 2025 - 2026, toàn tỉnh có hơn 924.000 học sinh (HS), trẻ (tăng khoảng 106.000 HS, trẻ so với năm học 2021 - 2022); năm 2030 sẽ tăng hơn 120.000 HS, trẻ. Tỉnh thiếu trên 7.000 GV để đảm bảo dạy học theo chương trình mới.
Trong những năm qua, để giải quyết tình trạng thừa thiếu GV cục bộ, Nghệ An đã triển khai một số giải pháp mang tính trước mắt như: chuyển GV hợp đồng đang dạy học tại THCS hoặc tiểu học xuống mầm non hợp đồng theo Nghị định 06 và Thông tư 09 (hưởng chế độ tương đương viên chức); hợp đồng GV thỉnh giảng (trong tổng chỉ tiêu biên chế); tuyển dụng đặc cách GV hợp đồng theo Công văn 5378 của Bộ Nội vụ…
Tại Hà Nội, tháng 3.2022, theo báo cáo của Sở GD-ĐT Hà Nội, toàn TP thiếu tới 7.147 GV các cấp học…
Số liệu thống kê của các sở GD-ĐT mới chỉ dừng ở số GV còn thiếu so với chương trình hiện hành. Theo dự báo của Bộ GD-ĐT, đến năm 2025, khi chương trình Giáo dục phổ thông 2018 được triển khai thực hiện ở tất cả các khối lớp, sẽ phải bổ sung GV của các môn học mới, các môn học đang tự chọn trở thành bắt buộc. Cụ thể, sẽ cần hơn 11.300 GV ngoại ngữ và gần 7.300 GV tin học ở cấp tiểu học; trên 5.300 GV nghệ thuật ở cấp THPT…
Tuyển dụng không đơn giản
Giám đốc Sở GD-ĐT Thanh Hóa Trần Văn Thức cho biết với số lượng GV được Bộ Chính trị giao bổ sung, Thanh Hóa sẽ được phân bổ chỉ tiêu để sớm giải quyết tình trạng thiếu GV như hiện nay. “Khi được giao bổ sung, Sở GD-ĐT sẽ tham mưu với tỉnh để có kế hoạch phân bổ theo từng giai đoạn. Trong đó, ưu tiên địa phương thiếu nhiều GV”, theo ông Thức.
Nói về việc Bộ Chính trị giao bổ sung biên chế cho ngành GD-ĐT, ông Thái Văn Thành, Giám đốc Sở GD-ĐT Nghệ An, cho rằng: “Chúng tôi rất vui, phấn khởi”. Theo ông Thành, hiện tỉnh Nghệ An thiếu 7.843 GV và cũng từng đề xuất bổ sung từ năm 2020. “Từ khi tôi đảm nhiệm chức vụ Giám đốc Sở GD-ĐT đến nay đã 3 năm nhưng chưa được bổ sung thêm một chỉ tiêu biên chế GV nào”, ông Thành chia sẻ.
Theo phân bổ, Nghệ An được giao 2.820 biên chế sự nghiệp giáo dục cho năm học tới. Trong đó, nhiều nhất là mầm non với 2.164 GV, tiểu học là 498 GV, THCS 142 GV và THPT là 16 GV.
Ông Nguyễn Quang Tuấn, Phó giám đốc Sở GD-ĐT Hà Nội, thông tin ngắn gọn, hiện Sở đang rà soát và cập nhật số GV còn thiếu, trên cơ sở đó sẽ xây dựng kế hoạch tuyển bổ sung.
Như vậy, đến thời điểm này, việc tuyển GV còn thiếu cho năm học mới ở các địa phương mới dừng ở việc rà soát, xây dựng kế hoạch trong khi năm học mới đã cận kề (kế hoạch tựu trường sớm nhất là 22.8).
Các giải pháp tạm thời để bảo đảm có đủ số lượng GV
Ông Vũ Minh Đức, Cục trưởng Cục Nhà giáo và Cán bộ quản lý giáo dục (Bộ GD-ĐT), cho rằng trường hợp vào năm học mới nhưng chưa tuyển dụng đủ số lượng được giao hoặc chưa hoàn thành công tác tuyển dụng thì phải có các giải pháp tạm thời để bảo đảm có đủ số lượng GV đứng lớp như: ký hợp đồng GV… Đồng thời, phải có các giải pháp để bảo đảm nguồn tuyển dụng như: thông tin rộng rãi về biên chế tuyển dụng, làm việc với các cơ sở đào tạo để có nguồn tuyển dụng, trao đổi với các địa phương lân cận để phối hợp tuyển dụng theo các môn học đáp ứng yêu cầu…
Ông Đức cũng cho biết việc thiếu GV các môn đặc thù như tin học, tiếng Anh, nghệ thuật… vẫn đang tồn tại ở nhiều địa phương và đặc biệt cấp thiết khi chuẩn bị bước vào năm học mới 2022 - 2023. Bộ GD-ĐT đã chỉ đạo các địa phương, ngoài việc khẩn trương tuyển dụng GV, tích cực phối hợp với các cơ sở đào tạo, các địa phương khác để có nguồn tuyển dụng.
Lãnh đạo sở GD-ĐT các địa phương đều cho rằng kể cả khi có chỉ tiêu, việc khẩn trương tuyển 27.850 GV cho năm học mới 2022 - 2023 không hề đơn giản. Quy trình phải qua nhiều khâu, gồm giao chỉ tiêu biên chế về cho các huyện, thị từ Sở Nội vụ, sau đó phải tổ chức hướng dẫn thi tuyển. Trước khi thi tuyển cũng phải công bố thông tin công khai trong một khoảng thời gian để ứng viên được biết, nộp hồ sơ... Sau đó mới đến thi tuyển, tiếp đó là trình cấp trên phê duyệt kết quả rồi mới ký hợp đồng tuyển dụng.
“Nghệ An đang thiếu nhiều GV nhưng để phân bổ xong thì chưa biết đến lúc nào, chứ không phải ngày một ngày hai là có. Từ giờ đến cuối năm 2022, chưa chắc ngành nội vụ đã phân bổ xong biên chế ngành giáo dục. Tuy nhiên, dù nhanh hay chậm thì với chỉ đạo này, trong tương lai, ngành giáo dục cũng sẽ có đủ số GV để có thể thực hiện được Chương trình giáo dục phổ thông mới. Đây cũng là điều phấn khởi”, ông Thái Văn Thành nói.
(còn tiếp)
Bình luận (0)