Chương trình chủ đề “Lựa chọn phương thức xét tuyển phù hợp” vừa lên sóng Đài phát thanh - truyền hình Bình Thuận chiều 27.3, đồng thời phát trực tuyến tại thanhnien.vn, Facebook, YouTube, Tiktok của Báo Thanh Niên với nhiều thông tin thú vị cho các học sinh, phụ huynh. Chương trình do Vingroup tài trợ.
Trúng tuyển đợt 1 giúp giải tỏa tâm lý
Mở đầu, tiến sĩ Võ Thanh Hải, Phó hiệu trưởng Trường ĐH Duy Tân, nhắc lại một số điều chỉnh về mặt kỹ thuật trong xét tuyển ĐH mà Bộ GD-ĐT mới công bố. Theo đó, việc đăng ký xét tuyển ĐH tách rời khỏi việc đăng ký thi tốt nghiệp THPT.
Năm nay tất cả đăng ký xét tuyển cho tới đăng ký nhập học, đều phải thực hiện trực tuyến. Do đó, thí sinh (TS) cần có trách nhiệm tải những giấy tờ ưu tiên của mình lên. Đồng thời, TS đăng ký phương thức xét tuyển riêng của trường ĐH nào thì vừa phải đăng ký với trường, vừa phải đăng ký lên hệ thống của Bộ.
Còn tiến sĩ Vũ Quốc Huy, Phó trưởng phòng Đào tạo, Trường ĐH Việt Đức, cho biết trường vẫn duy trì những phương thức xét tuyển là học bạ, ưu tiên tuyển thẳng, dùng điểm thi tốt nghiệp THPT và sử dụng kết quả kỳ thi đánh giá năng lực của nhà trường. Trường sẽ cập nhật những thay đổi về mặt kỹ thuật theo hướng dẫn của Bộ GD-ĐT cho TS.
Thạc sĩ Trần Văn Trắng, Phó phòng Tuyển sinh Trường ĐH Quốc tế Sài Gòn, cho hay từ ngày 1.3, trường đã nhận hồ sơ xét tuyển học bạ (trực tuyến hoặc trực tiếp), số chỉ tiêu của nhà trường chủ yếu dành cho phương thức xét tuyển bằng học bạ.
Các chuyên gia trong chương trình cung cấp cho thí sinh nhiều thông tin cần thiết khi đăng ký xét tuyển và lựa chọn ngành học |
THANH HẢI |
Tiến sĩ Võ Thanh Hải cho rằng việc trúng tuyển đợt 1 rất quan trọng vì giúp TS được giải tỏa tâm lý căng thẳng. “Thường thì tỷ lệ nhập học đợt 1 luôn cao hơn đợt 2, đợt 3. Nhiều em trúng tuyển ĐH đợt sau nhưng không đi học nữa, vì tâm lý thay đổi. Mỗi em chỉ trúng tuyển 1 nguyện vọng, nên các em hãy cố gắng chọn đúng ngành mà mình yêu thích nhất kẻo nuối tiếc”, tiến sĩ Hải nói.
Điểm học bạ trung bình vào CĐ được không ?
Trao đổi tại chương trình, thạc sĩ Trần Việt Dũng, Trưởng phòng Đào tạo Trường CĐ Kỹ thuật Cao Thắng, cho hay nhiều học sinh hay thắc mắc điểm học bạ chỉ trung bình, trung bình khá có thể vào trường được không. “Mỗi mức điểm sẽ có ngành nghề phù hợp, các em cứ mạnh dạn liên hệ, nộp hồ sơ. Hiện nhà trường đã nhận hồ sơ học bạ từ 1.1.2022 theo hình thức trực tuyến, gửi theo bưu điện hoặc học sinh tới trường để được đội ngũ tư vấn hướng dẫn”, ông Dũng nói.
Cũng liên quan xét học bạ, TS Vương Trúc hỏi “Điểm học bạ lớp 10, 11, học kỳ 1 lớp 12 giỏi, có thể trúng tuyển Trường ĐH Quốc tế Sài Gòn không?”. Thạc sĩ Trần Văn Trắng trả lời để được công nhận trúng tuyển, các em phải tốt nghiệp THPT. Đặc biệt nhà trường có nhiều học bổng hấp dẫn. Ví dụ với ngành công nghệ thông tin (CNTT), nếu học sinh có điểm tốt nghiệp THPT 3 môn trên 25 điểm hoặc điểm học bạ 3 môn trên 25 điểm, là học sinh giỏi lớp 12 hoặc 950 điểm trở lên trong kỳ thi đánh giá năng lực thì được miễn 100% học phí suốt 4 năm học.
TS Hoàng Ngọc Tân, Trường THPT Phan Chu Trinh, TP.Phan Thiết, băn khoăn “Có phải TS khá giỏi mới nên thi đánh giá năng lực?”. Tiến sĩ Vũ Quốc Huy trả lời bài thi đánh giá năng lực là công cụ để xem người học phù hợp với ngành học hay không. Tại Trường ĐH Việt Đức, đây được coi là một phương thức tuyển sinh chính. Trường có bài thi TestAS, hoàn toàn bằng tiếng Anh, thi trắc nghiệm, kiểm tra cách xử lý tình huống, tư duy logic, xử lý vấn đề của học sinh.
Những ngành học “hái” ra tiền
Chương trình chiều qua còn thông tin về nhiều ngành học hấp dẫn, đa dạng việc làm, cho thu nhập cao trong tương lai.
Phụ huynh Trần Trọng Dũng ở Phan Thiết gửi câu hỏi tới chương trình “Học CNTT thì có nhiều việc làm không?”. Tiến sĩ Võ Thanh Hải trả lời qua những năm dịch Covid-19 mới thấy lĩnh vực CNTT luôn có nhiều việc làm. Tại Trường ĐH Duy Tân có các ngành như thiết kế game, trí tuệ nhân tạo, big data… nhu cầu nhân lực lớn, không đáp ứng đủ nhu cầu của thị trường. “Phần lớn sinh viên năm 3 đã có việc làm rồi. Nhưng cám dỗ đó là khi sinh viên sớm làm ra được nhiều tiền, thì nhiều em lại không muốn tốt nghiệp ĐH”, tiến sĩ Hải chia sẻ.
Trong khi đó, một phụ huynh ở H.Tuy Phong, Bình Thuận hỏi các chuyên gia “Ở bậc CĐ có thể học về ngành bất động sản không?”. Tiến sĩ Trần Mạnh Thành, Phó hiệu trưởng Trường CĐ Nova, thông tin trường có đào tạo về bất động sản, chuyên ngành kinh doanh bất động sản và dịch vụ bán lẻ.
Theo tiến sĩ Thành, ngành học trên không những giúp người học biết cách bán sản phẩm bất động sản mà còn biết tư vấn tài chính, làm sao để mang lại lợi nhuận nhiều nhất cho khách hàng, để họ được hưởng tiện ích cả về dịch vụ, công nghiệp, du lịch và các lĩnh vực khác của tập đoàn… “Công việc này cho thu nhập rất tốt. Ngoài lương, bán xong sản phẩm bất động sản các em được thưởng thêm tiền. Năm vừa qua, có những em nhận được tiền thưởng thêm tính bằng 2 con số, đơn vị tỉ đồng. Đây thực sự là thách thức, hấp dẫn với giới trẻ, để các em có hoài bão, có năng lực sẽ tăng được thu nhập, tăng giá trị từ chính khả năng của mình”, tiến sĩ Thành nhấn mạnh.
Bình luận (0)