Nhiều người trẻ dự lễ trao giải cuộc thi viết “Thành phố tôi yêu” do Báo Thanh Niên tổ chức đã chia sẻ với chúng tôi về những điều thân thương ở thành phố này, cũng như về những hoài bão để cống hiến cho thành phố đẹp hơn.
Biết ơn những điều bình dị của thành phố
Đọc những câu chuyện đời thường nhưng đầy ý nghĩa trong cuốn sách Thành phố tôi yêu, Võ Văn Tân (quê Quảng Trị, sinh viên Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn TP.HCM) kể mỗi lần đi xe buýt là có cơ hội nhìn ngắm phố phường, thấy được những điều bình dị nhất của thành phố này.
“Đó là hình ảnh những cô lao công chăm chỉ khắp tuyến phố, những bình trà đá miễn phí, điểm vá xe cho người khuyết tật... Những điểm miễn phí này ở quê chưa bao giờ mình nhìn thấy, nhưng ở thành phố này, nó nhiều đến mức mọi người thấy đó như những điều bình dị thường ngày. TP.HCM thật đẹp và đáng sống biết nhường nào”, Tân bộc bạch.
Nguyễn Thị Kim Hồng (sinh viên Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn TP.HCM) từng bị lừa và mất đồ đạc ngay tại thành phố vốn nhiều xô bồ này. Nhưng cũng từ đó, cô có cơ hội được cảm nhận những nghĩa tình của người thành phố. Hồng nhớ lại: “Khi đang làm tại quán cà phê, mình bị 2 người khách lừa lấy mất điện thoại mà ba tặng khi mình đậu đại học. Mình khóc rất nhiều. Cô hàng xóm cạnh nhà biết chuyện dù cũng không khá giả gì nhưng vẫn cho mình 500.000 đồng để mua điện thoại khác xài đỡ. Rồi chú bảo vệ quán bên cạnh thì cho mình chiếc điện thoại của chú và nói: “Sinh viên tụi con còn phải gọi điện về nhà, nên cứ cầm lấy mà xài”. Mình càng khóc nhiều hơn vì quá cảm động”.
Giống như Hồng và nhiều bạn trẻ khác khi đến với TP.HCM, Lê Kim Ngọc (sinh viên Trường ĐH Công nghệ TP.HCM) đã được truyền cảm hứng sống đẹp từ chất nghĩa tình của người thành phố, để giờ đây Ngọc cứ nhắc đi nhắc lại dự án mà bản thân đang ấp ủ: “Khi ra trường mình sẽ thành lập một hội chuyên giúp đỡ, cưu mang những trẻ em cơ nhỡ và những bà mẹ trẻ đơn thân không nơi nương tựa. Mình đã tự hứa với lòng là chắc chắn phải làm được”.
Rồi Ngọc kể: “Mình nhận thấy con người ở đây rất hòa đồng, thân thiện. Và ít có nơi nào mà những hành động đẹp luôn diễn ra mỗi ngày, họ giúp nhau mà chẳng nề hà gì, và mình như được truyền cảm hứng từ những hành động đẹp này. Vì thế, ngay từ năm nhất đại học, mình đã tham gia rất nhiều các hội nhóm từ thiện, như đi phát cháo đêm, hiến máu nhân đạo...”.
|
Hoài bão xây dựng thành phố
Không chỉ là những yêu mến, nhớ thương dành cho TP.HCM, những người trẻ đang sinh sống, học tập ở nơi này còn chia sẻ với PV Thanh Niên về những hoài bão, khao khát để thành phố tươi đẹp và phát triển hơn.
Với đặc thù ngành học của mình là du lịch, Phạm Từ Uyên Trân (quê An Giang, sinh viên Trường ĐH Nguyễn Tất Thành) chia sẻ: “TP.HCM có rất nhiều tiềm năng phát triển du lịch, thu hút khách trong nước và nước ngoài. Chất lượng đội ngũ nhân viên trong ngành du lịch ngày càng được nâng cao. Tuy nhiên, nhiều lần gặp khách nước ngoài, tôi thấy họ nhăn mặt khi thấy nhiều bịch rác trên đường do nhiều người trẻ vào công viên ăn uống xả rác. Tôi mong muốn có thể nâng cao nhận thức của mọi người trong việc bỏ rác đúng nơi quy định, phân loại rác để thành phố xanh sạch hơn”.
Còn Phạm Đăng Lương An (20 tuổi, quê Hải Phòng, sinh viên ngành quản trị khách sạn, khoa du lịch, Trường ĐH Công nghệ TP.HCM) thì cảm nhận TP.HCM rất tuyệt vời trong mắt những người trẻ từ các nơi khác về đây lập nghiệp. Tuy nhiên, cô mong muốn mọi người trẻ hãy cùng chung tay cải thiện chất lượng không khí, có ý thức giữ gìn vệ sinh môi trường, tăng cường xử lý nước thải ở các dòng sông để thành phố xanh hơn. “Du lịch ở TP.HCM đang được đẩy mạnh phát triển. Thành phố cần màu xanh từ những tán cây cổ thụ, những dòng sông, từ bầu trời trong xanh không khói bụi, con đường sạch loáng. Mỗi người trẻ có thể đóng góp từ những việc nhỏ nhất để góp phần xây dựng thành phố này, chẳng hạn như nhặt rác dưới chân mình”, An bày tỏ.
Trong khi đó, Lâm Nhã Trúc (quê Cà Mau, sinh viên ngành dược Trường ĐH Nguyễn Tất Thành) rất quan tâm đến tình hình ngập nước ở các tuyến đường trong thành phố mỗi khi có mưa lớn. Trường của Trúc nằm trên đường Nguyễn Tất Thành, Q.4, sau mỗi cơn mưa lớn, sinh viên tới trường phải lội nước tới đầu gối. Trúc tin mỗi người trẻ đang xây dựng sự nghiệp ở TP.HCM sẽ có những đóng góp nhất định cho thành phố, theo đúng sở trường, năng lực của mình. Như người học dược sẽ trở thành những dược sĩ quản lý các hệ thống nhà thuốc chất lượng cao, sinh viên giao thông vận tải hiến kế nhiều giải pháp chống ngập...
Là sinh viên khoa du lịch năm 2 Trường ĐH Nguyễn Tất Thành ở TP.HCM, Phan Quang Nhân đã tham gia nhiều chương trình, phong trào như Mùa hè xanh, Xuân tình nguyện... đi dọn rác, làm sạch môi trường, trồng cây ở các quận, huyện. Nhân bộc bạch mỗi người trẻ hãy làm tốt nhất phần việc của mình, xây dựng sự nghiệp thành công cho mình và không “quay lưng” với môi trường là đang góp phần làm nên sự thịnh vượng của thành phố.
Bình luận (0)