Cổ phiếu FTM lao sàn 30 phiên liên tiếp, mất 90% giá trị

Mai Phương
Mai Phương
26/09/2019 16:48 GMT+7

Hôm nay là phiên giảm sàn thứ 30 của cổ phiếu Công ty cổ phần Đầu tư và Phát triển Đức Quân.

Ngày 26.9, cổ phiếu FTM của Công ty cổ phần Đầu tư và Phát triển Đức Quân (Fortex) tiếp tục giảm sàn xuống còn 2.790 đồng/cổ phiếu. Đây là phiên giảm sàn thứ 30 liên tiếp trong hơn 1 tháng qua của cổ phiếu này. Cũng như ở các phiên lao dốc vừa qua, trong khi bên mua trắng bảng thì lượng dư bán giá sàn luôn ở mức cao ngất ngưởng, từ 4-5 triệu cổ phiếu. Như vậy từ mức giá 23.650 đồng, chỉ sau 1 tháng cổ phiếu FTM đã bay hơi gần 90%.
Công ty Fortex sẽ tổ chức cuộc họp Đại hội cổ đông bất thường vào ngày 24.10 để bổ sung thành viên Hội đồng quản trị, lựa chọn Chủ tịch Hội đồng quản trị và tái cơ cấu công ty. FTM bắt đầu giảm sàn sau khi kết quả kinh doanh 6 tháng đầu năm 2019 thua lỗ và bị loại ra khỏi danh sách cổ phiếu được cầm cố cho vay margin.
Đây chưa phải là cổ phiếu giảm sàn nhiều nhất trong lịch sử gần 20 năm qua của thị trường chứng khoán. Nhưng chuỗi giảm sàn của FTM có vẻ chưa dừng lại. Liệu khả năng FTM sẽ trở thành "quán quân" về số phiên giảm sàn hay không đang còn bỏ ngỏ.
Trước đó, cổ phiếu CDO của Công ty cổ phần Tư vấn và Thiết kế Đô thị có chuỗi giảm sàn nhiều nhất với 34 phiên liên tiếp, từ ngày 6.12.2016 đến ngày 23.1.2017. Từ mức giá 35.000 đồng/cổ phiếu, CDO giảm liên tục xuống còn 3.090 đồng/cổ phiếu, bay mất hơn 91%. Sau đó đến ngày 4.12.2017, Cơ quan An ninh điều tra - Công an thành phố Hà Nội khởi tố vụ án, khởi tố bị can đối với Nguyễn Vân Giang - nguyên Giám đốc Công ty TNHH một thành viên Chứng khoán Ngân hàng Đông Á chi nhánh Hà Nội, về tội thao túng giá chứng khoán đối với cổ phiếu CDO. Đến ngày 6.8.2018, CDO bị hủy niêm yết trên sàn chứng khoán TP.HCM.
Sau CDO, một cổ phiếu cũng giảm sàn liên tiếp là ATG của Công ty cổ phần An Tường An. Từ ngày 15.12.2016 đến 25.1.2017, cổ phiếu ATG giảm sàn 29 phiên liên tiếp từ 12.450 đồng/cổ phiếu xuống chỉ còn 1.020 đồng/cổ phiếu, giảm 87%. Khi đó lãnh đạo công ty đã trấn an nhà đầu tư vì cho rằng không liên quan đến hoạt động của công ty. Nhưng ngay sau đó, nhiều thành viên Hội đồng quản trị công ty này cũng đăng ký bán ra cổ phiếu ATG.
Hay cổ phiếu TNT của Công ty cổ phần Tài nguyên cũng nằm sàn 25 phiên liên tục từ 29.900 đồng/cổ phiếu xuống 5.310 đồng/cổ phiếu. Sau đó, hai cá nhân đã bị phạt vì thao túng giá cổ phiếu TNT là bà Lương Thị Thu, bị phạt 550 triệu đồng do sử dụng 29 tài khoản để liên tục mua, bán, tạo cung cầu giả tạo, thao túng cổ phiếu TNT. Người thứ 2 là ông Hoàng Đức Dũng đã sử dụng 2 tài khoản đứng tên mình và 24 tài khoản đứng tên người khác để giao dịch cổ phiếu TNT. Ngoài số tiền phạt 550 triệu đồng, ông Hoàng Đức Dũng còn bị buộc nộp lại số lợi bất hợp pháp có được do thực hiện hành vi vi phạm hơn 491 triệu đồng.
Mới nhất trong năm nay là cú lao dốc cổ phiếu YEG của Tập đoàn Yeah1 ngay sau khi YouTube công bố ngưng hợp tác. Trong tháng 3.2019, YEG giảm sàn 13 phiên liên tiếp và từ giá 245.000 đồng/cổ phiếu xuống còn 95.700 đồng/cổ phiếu, giảm hơn 60%. Và từ đó đến nay YEG vẫn liên tục đi xuống hiện chỉ còn giá 60.100 đồng/cổ phiếu.
Đợt giảm sàn liên tiếp của các cổ phiếu hầu như xuất phát từ một số nguyên nhân như báo cáo tài chính sau kiểm toán chuyển từ lãi sang lỗ nặng, doanh nghiệp gặp sự cố gây ảnh hưởng nghiêm trọng tới hoạt động kinh doanh hoặc cổ phiếu bị thao túng giá, trước chuỗi giảm sàn liên tiếp là đợt tăng giá mạnh…
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.